LTS: Chia sẻ quan điểm cũng như góc nhìn của mình về mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên và các vị phụ huynh học sinh, tác giả Kiên Trung đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Thông tư số: 55/2011/TT-BGDĐT, ban hành ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo kèm theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh đã quy định rất rõ ràng về vai trò, chức năng, quyền hạn và trách nhiệm của tất cả phụ huynh, của các Ban đại diện cha mẹ học sinh ở lớp, trường trong công tác phối hợp cùng nhà trường khi tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh.
Mối quan hệ giữa giáo viên và phụ huynh (Ảnh minh họa: thptnguyendu.edu.vn). |
Nhưng bấy lâu nay, phần lớn Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường, lớp thường bị người ta chê trách nhiều hơn khen ngợi.
Nào là yếu kém, nào là vô dụng, nào là tấm bình phong, nào là tay sai, nào là kẻ tội đồ…để lãnh đạo nhà trường thi nhau lợi dụng, thu - chi vô tội vạ các khoản thu mang danh nghĩa là “tự nguyện” khiến nhiều phụ huynh và dư luận xã hội bức xúc trong thời gian qua, nhất là thời điểm đầu năm học.
Lâu nay, dường như tất cả phụ huynh và các đơn vị nhà trường thường có chung một nhận thức, ngoài vấn đề thu - nộp tiền, hỗ trợ kinh phí của phụ huynh cho nhà trường thì ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường cũng chẳng có hoạt động, công tác phối hợp nào khác.
Họp phụ huynh đầu năm, họp phụ huynh sơ kết học kỳ 1, họp phụ huynh tổng kết cuối năm học và các cuộc họp định kỳ, đột xuất của Thường trực ban cha mẹ học sinh nhà trường có sự tham gia của Ban giám hiệu, các thầy cô giáo chủ nhiệm các khối, lớp đều xoay quanh chữ tiền, tiền mà thôi.
Nên chọn ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường như thế nào? |
Nhận thức và tổ chức triển khai như vậy, các nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh chưa thực hiện đúng chủ trương, tinh thần của Thông tư số 55 (đã nêu ở trên) và Thông tư số 12 kèm theo Điều lệ trường phổ thông có nhiều cấp học hiện hành.
Nhiều nhà trường còn biết bao nhiêu việc làm, hoạt động cần sự phối hợp, quan tâm, giúp đỡ từ các bậc phụ huynh, ban đại diện cha mẹ học sinh như:
Tư vấn tâm lý, hướng nghiệp cho học sinh, các biện pháp giáo dục học sinh cá biệt, xây dựng trường học thân thiện, văn hóa ứng xử học đường…
Trong khi đó, ở phụ huynh học sinh lại rất đa dạng về trình độ học vấn, ngành nghề… nếu các đơn vị nhà trường biết cách khai thác, phát huy thì những phụ huynh nhiệt tình, có “chất lượng” sẽ tìm nguồn lực, hỗ trợ, tư vấn cho các hoạt động giáo dục của nhà trường đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.
Chẳng hạn, có phụ huynh là một nghệ nhân, có phụ huynh là một doanh nhân thành đạt, có phụ huynh là một chuyên gia về dinh dưỡng sức khỏe… nếu nhà trường có thiện ý, đặt vấn đề với họ, họ sẽ sẵn sàng đến giúp nhà trường, chia sẻ, tư vấn, truyền đạt cho các em và thầy cô giáo về những hiểu biết, kinh nghiệm, thành công của họ.
Nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh vừa được hưởng lợi mà mối quan hệ, công tác phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường lại thêm sâu đậm, tốt đẹp.
Chứ đâu phải mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh chỉ dừng lại mỗi việc kêu gọi ủng hộ kinh phí, thu và nộp tiền.