Hà Nội: "Đồng chí" vào đề Văn thi lớp 10, HS bất ngờ nhưng tự tin 8-9 điểm

08/06/2024 12:35
Hiền Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Ghi nhận của phóng viên, nhiều thí sinh cảm thấy bất ngờ khi bài thơ Đồng chí của Chính Hữu bởi đây là tác phẩm đã thi vào 3 năm trước.

Sáng nay, sau khi kết thúc 120 phút làm bài thi môn Ngữ văn, nhiều thí sinh bước ra khỏi phòng thi với tâm trạng vui vẻ, thở phào nhẹ nhõm vì đề vào bài thơ "Đồng chí" của tác giả Chính Hữu.

95595190-a937-4497-a72f-e66d3525db04.jpg
Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2024-2025.

Tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa, em Cung Đức Hiếu - học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long là thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Hiếu cho biết, so với đề thi Ngữ văn năm trước, em cảm thấy đề thi năm nay có độ khó tương đương. Trong quá trình học tập, em đã ôn rất kỹ các dạng đề có thể ra đối với bài thơ Đồng chí. Chính vì thế, với đề thi năm nay, em tự tin đạt trên 8 điểm.

GDVN 11.JPG
Em Cung Đức Hiếu - học sinh Trường Trung học cơ sở Thăng Long là thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi Điểm thi Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa. (Ảnh: Ngọc Mai)

"Mục tiêu của em đặt ra là đỗ nguyện vọng 1 vào Trường Trung học phổ thông Kim Liên. Với tinh thần "tự tin chiến thắng", em làm bài thi Ngữ văn rất thuận lợi và hy vọng đề thi tiếng Anh chiều nay cũng có thể làm tốt", Hiếu chia sẻ.

Cùng cháu trai ra về sau khi hoàn thành bài thi môn Ngữ văn, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (66 tuổi) cho biết nhà bà ở quận Nam Từ Liêm, cách Điểm thi Trường Trung học phổ thông Phan Huy Chú - Đống Đa khoảng 20km. Mặc dù đường xá xa xôi, đi lại khá vất vả nhưng khi thấy cháu trai báo tự tin đạt trên 8 điểm môn Ngữ văn, bà cảm thấy rất tự hào.

GDVN 12.JPG
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh và em Đoàn Lê Anh Đức. (Ảnh: Ngọc Mai)

Em Đoàn Lê Anh Đức - cháu trai của bà Oanh chia sẻ mục tiêu lớn nhất của em là đỗ vào lớp chuyên Sử của Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Khi nhận đề thi môn Ngữ văn, ban đầu em cảm thấy khá bất ngờ vì bài thơ Đồng chí vào đề thi là nằm ngoài dự đoán của bản thân em. Tuy nhiên, tác phẩm Đồng chí không phải là quá khó đối với em nên em kịp thời lấy lại bình tĩnh và làm tốt bài thi.

"Bài thơ Đồng chí là một trong những tác phẩm đã được em ôn lại trước khi vào phòng thi. Nhờ đó, em có rất nhiều dữ liệu để mở rộng và liên hệ hay vào trong bài làm. Em cũng đưa thêm những chi tiết so sánh để làm đặc sắc thêm cho bài viết.

Tổng thể đề thi Ngữ văn đặc biệt nhất ở câu nghị luận xã hội vì có sự đột phá trong cách đặt câu hỏi và không giống các dạng quen thuộc như đề thi của các năm trước. Với câu hỏi nghị luận xã hội của đề thi năm nay, em viết được dài hơn so với những lần ôn luyện trên trường", Đức tâm sự.

GDVN 14.JPG
Phụ huynh chờ thí sinh ra khỏi phòng thi trong buổi sáng thi môn Ngữ văn. (Ảnh: Ngọc Mai)

Em Trần Trúc Lam - học sinh Trường Trung học cơ sở Tân Định (Hà Nội) cho biết, em dành khá nhiều thời gian để ôn luyện môn Ngữ văn. Do đó, với đề thi chính thức môn này hôm nay, em cảm thấy tự tin và hy vọng sẽ đạt điểm cao.

"Trong thời gian ôn thi, em rất "ngại" học môn Ngữ văn nhưng vì mục tiêu đề ra là thi đỗ vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Hà Nội - Amsterdam nên em quyết tâm học hành chăm chỉ. Sáng nay, trước khi vào phòng thi, tâm trạng của em khá thoải mái - đây cũng chính là bí quyết giúp em làm tốt bài thi môn Ngữ văn", Trúc Lam chia sẻ.

Môn thi đầu tiên diễn ra khá suôn sẻ nên Trúc Lam tự tin buổi chiều nay thi môn tiếng Anh sẽ thuận lợi. Hơn nữa, tiếng Anh cũng là môn học sở trường của Trúc Lam nên em không có nhiều lo lắng.

Phấn khởi ra khỏi phòng thi và khoe "chiến tích" với mẹ, em Bảo Quyên - học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Vĩnh Diện đánh giá đề thi Ngữ văn năm nay rất vừa sức, nội dung câu hỏi hay và phong phú, bám sát nội dung bài học trên lớp.

Đặc biệt, phần nghị luận xã hội tuy mới lạ nhưng theo Quyên chủ đề này rất hay và cũng là một vấn đề cần được quan tâm trong xã hội, sát thực tiễn và có ích cho học sinh.

“Em ôn tập đủ các tác phẩm chứ không ôn tủ nên khi nhận đề và thấy đề thi có bài thơ Đồng chí, em không quá bất ngờ. Với đề thi năm nay, em nghĩ các bạn thí sinh khác cũng dễ dàng làm bài và đạt được điểm số cao. Bản thân em tự tin được trên 7 điểm môn Ngữ văn", Bảo Quyên chia sẻ.

Bên cạnh những thí sinh vui mừng vì hoàn thành tốt bài thi, theo ghi nhận của phóng viên, có thí sinh cho rằng đề Ngữ văn có độ khó nhất định.

Em Hoàng Khải Minh - học sinh Trường Trung học cơ sở Đống Đa cho biết đề thi năm nay “khó" so với dự đoán ban đầu của em. Trong đó, em cảm thấy khó nhất ở câu nghị luận xã hội (câu 3, phần II của đề thi). Theo Minh, để làm được câu này, thí sinh cần phải giải thích các từ khóa trong câu hỏi rồi mới nêu được quan điểm. Với năng lực hiện tại của bản thân, Minh cho rằng câu hỏi này hơi “quá sức".

“Em thấy may mắn vì nghị luận văn học vào bài thơ Đồng chí, bài này khá dễ lấy điểm đối với em. Do đó em dự đoán mình có thể đạt 7,5 điểm đối với môn Ngữ Văn", Khải Minh chia sẻ.

Thí sinh Hoàng Khải Minh. Ảnh: Đào Hiền
Thí sinh Hoàng Khải Minh. Ảnh: Đào Hiền

Em Minh Châu cũng có cảm nhận giống với em Hoàng Khải Minh về đề thi Ngữ văn. Chia sẻ với phóng viên, Minh Châu là học sinh Trường Trung học cơ sở Tô Hoàng. Em cho biết, nếu đánh giá với đề thi minh hoạ của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì phần nghị luận văn học trong đề thi chính thức dễ hơn, vì bài Đồng chí dễ làm, nội dung dễ nhớ nên cũng có thể làm được.

Bên cạnh đó, nghị luận xã hội em Minh Châu làm ở mức trung bình, không làm được sâu vì các câu hỏi khá mới lạ, lúc nhận đề em còn hơi bỡ ngỡ.

Trao đổi với phóng viên, cô Bùi Thị Hồng Yến - Giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, nhìn chung, cấu trúc đề thi môn Ngữ văn năm nay đảm bảo sự phân hoá ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Theo cô Yến, nội dung đề thi bám sát với chương trình học của thí sinh, bao gồm kiến thức ở cả hai học kỳ, tuy nhiên trọng tâm vẫn rơi vào nội dung của học kỳ I lớp 9.

Ở câu 1 và câu 2 của Phần I (6,5 điểm), yêu cầu tái hiện kiến thức cơ bản nên thí sinh sẽ không gặp bất cứ khó khăn nào. Đây cũng là những câu hỏi mà học sinh dễ dàng lấy điểm. Tương tự ở phần II, với câu hỏi có ngữ liệu được dẫn theo “Dám bị ghét” tương đối ngắn. Do vậy, cô Yến đánh giá thí sinh có thể hoàn thành được câu hỏi tiếng Việt và câu đọc – hiểu.

Cụ thể, ở phần I, tại câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn quy nạp để làm rõ hình ảnh người lính trong tám dòng thơ, cô Yến cho rằng, học sinh cần lưu ý vì tám dòng thơ này nằm ở hai khổ thơ nên lưu ý về nội dung, dung lượng, tránh viết lan man, không làm rõ yêu cầu của đề

Còn ở phần II, cách hỏi “Nên ứng xử thế nào trước mong đợi của những người thân yêu đối với chúng ta” là vấn đề hay, gần gũi , thiết thực với học sinh nên theo cô Yến, thí sinh có thể đưa ra được quan điểm của bản thân. Tuy nhiên, những thí sinh có khả năng lập luận tốt, tìm được những dẫn chứng ấn tượng để đưa vào bài viết sẽ có cơ hội đạt kết quả cao.

Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn đầu tiên tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Kim Liên. Ảnh: Đào Hiền
Thí sinh hoàn thành bài thi môn Ngữ Văn đầu tiên tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Kim Liên. Ảnh: Đào Hiền

Cùng quan điểm khi nhận xét đề thi môn Ngữ Văn, cô Bùi Thu Nguyệt - Giáo viên bộ môn Ngữ Văn, Trường Trung học cơ sở Tây Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho rằng, với đề thi năm nay, dự đoán sẽ nhiều điểm 7 và 7,5. Điểm trên 8 sẽ không nhiều như năm trước và đặc biệt điểm 9 và trên 9 sẽ rất hiếm.

Lý giải điều này, cô Nguyệt phân tích nội dung đề thi năm nay bám sát nội dung chương trình học, có độ phân hoá cao. Thí sinh dễ lấy điểm ở câu 1 phần I và câu 1 phần II.

Cô Nguyệt cũng đánh giá đề thi năm nay có tính chất bất ngờ ở phần I (6,5 điểm) khi xuất hiện bài thơ Đồng chí. Bởi đây là tác phẩm đã thi vào 3 năm trước trong kỳ thi tuyển sinh vào 10 của Hà Nội. Ở các câu hỏi 2 và 3 trong phần I, nếu thí sinh không cẩn thận sẽ dễ trả lời thiếu ý.

"Nội dung câu nghị luận xã hội trong đề thi rất hay, gần gũi với thực tế. Tuy nhiên, vì nội dung đề là câu hỏi mở, đòi hỏi học sinh phải có tư duy, trải nghiệm mới có thể trả lời thuyết phục, hợp lý", cô Nguyệt nhận định.

Theo lịch thi, đúng 14 giờ chiều nay, học sinh sẽ làm bài thi môn Ngoại ngữ (thời gian 60 phút).

Hiền Mai