Hết mua giáo án lại đến mua đề kiểm tra, không ít thầy cô đang bán đi tất cả

13/04/2022 06:24
Lê Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc mua đề kiểm tra định kì của giáo viên cần phải lên án, không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì, chỉ có thể đó là những giáo viên lười, thiếu trách nhiệm.

Chuyện mua bán giáo án trên mạng xã hội không còn lạ với giáo viên hiện nay, dư luận đã mổ xẻ vấn đề này thời gian qua không ít.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều hội nhóm của giáo viên được lập ra, hội nhóm của từng bộ môn, của từng bộ sách, … với số lượng thành viên lên đến hàng trăm ngàn, với phương châm rất rõ ràng, cụ thể, trong đó không thể thiếu: chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm dạy học, hồ sơ, giáo án…

Cùng với chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm dạy học, hồ sơ, giáo án… là bán giáo án, bán đề kiểm tra, ma trận, đáp án … đủ mọi cấp học, bộ sách, môn học.

Có thể nói, giáo viên cần bất cứ hồ sơ, giáo án nào đều có thể mua được trên mạng xã hội, đem về chỉnh sửa lại tên họ, đơn vị, thế là có bộ hồ sơ “đẹp”.

Việc giáo viên mua bán hồ sơ, giáo án trên mạng đã được dư luận phản ánh và phản đối. Tại sao có thể hình thành một thị trường hồ sơ giáo viên xấu xí như thế?

Việc mua bán hồ sơ giáo viên hoạt động theo quy luật thị trường, có cầu sẽ có cung. Cô giáo H. (đề nghị không nêu tên) chia sẻ “Nói thật, với khung giáo án theo công văn 5512, dài loằng ngoằng, vô bổ, không có tác dụng thực tế, nên mua cho rồi.

Nếu ngồi soạn thực sự, như môn Toán 6 của em, tuần 4 tiết, mỗi tiết khoảng 8 trang A4, cỡ chữ 12, thì còn đâu thời gian để làm việc khác.

Mà đi dạy, có ai dùng giáo án đâu, chỉ để làm đẹp hồ sơ thôi. Thích hình thức sẽ có hình thức, bỏ vài trăm là có trọn bộ, vậy thôi.

Môn nào cũng vậy, anh cứ hỏi xem, hồ sơ giáo án đều mua, bán, xin, cho hết. May ra, tiết dạy hội giảng giáo viên dạy giỏi, giáo viên mới soạn thật sự”.

Có thể thấy, những quy định của ngành giáo dục với hồ sơ giáo viên không gắn với thực tế, thực tiễn, mang tính hình thức, vô hình trung đã tạo nên một “thị trường” hồ sơ như hiện nay.

Mua đề kiểm tra định kì, thầy cô đang bán đi tất cả

Kiểm tra đánh giá ở trường phổ thông đã thay đổi nhiều so với trước đây, số bài kiểm tra đã giảm, giảm áp lực cho cả thầy và trò.

Kiểm tra đánh giá gồm kiểm tra đánh giá thường xuyên và định kì. Trong kiểm tra đánh giá định kì, có hai bài, kiểm tra giữa học kì và cuối kì.

Thông tư Số: 22/2021/TT-BGDĐT ghi rõ: Đánh giá nhằm xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông; cung cấp thông tin chính xác, kịp thời để học sinh điều chỉnh hoạt động rèn luyện và học tập, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên điều chỉnh hoạt động dạy học.

Đối với bài kiểm tra định kì (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Trách nhiệm của giáo viên môn học: Thực hiện đánh giá thường xuyên; tham gia đánh giá định kì theo phân công của Hiệu trưởng; trực tiếp ghi hoặc nhập điểm, mức đánh giá vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh (theo lớp học), sổ theo dõi và đánh giá học sinh (của giáo viên).

Ảnh chụp màn hình quảng cáo bán đề kiểm tra định kì trên mạng xã hội. Ảnh: Lê Mai

Ảnh chụp màn hình quảng cáo bán đề kiểm tra định kì trên mạng xã hội. Ảnh: Lê Mai

Như vậy, đề kiểm tra đánh giá định kì được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Giáo viên môn học phải làm đề kiểm tra đánh giá định kì dựa trên ma trận, đặc tả của đề. Việc làm đề kiểm tra đánh giá định kì, cả năm học chỉ có 4 lần, cũng là dịp để giáo viên môn học xác định lại nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học sinh theo yêu cầu cần đạt được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Thế nhưng, trước mỗi đợt kiểm tra định kì, trên các hội nhóm giáo viên, đã đăng bán đề kiểm tra định kì của các môn học, tạo ra một thị trường mua bán đề kiểm tra định kì.

Thị trường giáo án còn có cái để đổ lỗi, do những quy định của ngành giáo dục với hồ sơ giáo viên không gắn với thực tế, thực tiễn, mang tính hình thức, còn thị trường mua bán đề kiểm tra định kì thì sao?

Người viết trong vai người mua đề kiểm tra Toán kì 2 lớp 6, trao đổi với người bán đề, đã nhận được trả lời: 50.000 đồng/đề, có kèm ma trận, đáp án, đề cương ôn tập.

Chẳng riêng gì Toán 6, các môn khác, lớp khác, cũng có đủ cả. Khi trao đổi thêm, người bán cho biết, đây cũng là cách làm thêm của mình, thu nhập có khi còn hơn cả lương chính, như vậy, số giáo viên mua đề kiểm tra định kì cũng không ít.

Mua đề kiểm tra định kì, thầy cô đang bán đi tất cả, thầy cô đang bán đi lòng tự trọng, bán đi quyền làm giáo viên, bán đi cơ hội nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, bán đi cơ hội điều chỉnh hoạt động dạy học…

Đáng thương thay những học sinh phải học tập với những giáo viên đã bán đi tất cả như thế. Các em may nhờ, rủi chịu, nếu giáo viên dạy đã tốt thì may, nếu giáo viên dạy cần phải điều chỉnh mà không biết để điều chỉnh thì rủi...

Việc mua đề kiểm tra định kì của giáo viên cần phải lên án, không thể biện minh bằng bất cứ lý do gì, chỉ có thể đó là những giáo viên lười, thiếu trách nhiệm.

Một năm học có 04 đề kiểm tra định kì/môn học, vậy mà còn đi mua, những giáo viên này nên chủ động đổi nghề, trước hay sau, những giáo viên lười, thiếu trách nhiệm cũng bị đào thải, nếu không tự đào thải, xã hội sẽ đào thải.

Tài liệu tham khảo:

- Thông tư Số: 22/2021/TT-BGDĐT.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Lê Mai