Hiệu trưởng kiến nghị cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025

13/10/2023 06:35
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Về cách tính điểm xét tốt nghiệp, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng cần phải gắn kết với quá trình học tập cả 3 năm học lớp 10,11 12.

Theo lộ trình đổi mới giáo dục hiện nay, đến năm học 2025, cả nước sẽ có lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thi tốt nghiệp.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2024 vẫn tiếp tục giữ nguyên phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông như những năm trước. Từ 2025, sẽ có phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp mới nhằm đánh giá đúng kết quả học tập của người học theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Góp ý dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm:

“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào 2025 là một dấu mốc hết sức quan trọng, thể hiện “tầm” của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông cần đảm bảo nhất quán giữa quá trình học và kiểm tra, đánh giá theo tinh thần của chương trình mới là định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học”.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân. Ảnh: NVCC

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân. Ảnh: NVCC

Thầy Phú nhấn mạnh, hiện cả nước đang triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, vì vậy kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025 trở đi cần có sự đổi mới về cách thức tổ chức, hình thức thi, số môn thi, nội dung đề thi so với các kỳ thi tốt nghiệp trước đây (theo chương trình giáo dục 2006).

Điều này cũng phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó, Nghị quyết đã nêu: Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.

Góp ý về số lượng môn thi tốt nghiệp, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho rằng chỉ cần thi 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và Lịch sử). Điều này giúp đảm bảo sự nhất quán giữa học và kiểm tra cho tất cả học sinh trên cả nước, từ đó tạo thuận lợi học học sinh; Đồng thời, việc chỉ thi 4 môn bắt buộc cũng giúp khâu tổ chức kỳ thi đơn giản và rút ngắn thời gian hơn, giảm chi phí ngân sách tổ chức, nhất là trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay.

Chia sẻ thêm, thầy Phú cũng cho rằng việc xét tuyển đại học nên để cho trường đại học tự chủ. Kỳ thi tốt nghiệp là một phương án để cơ sở giáo dục đại học xem xét lựa chọn xét tuyển, tránh “ôm đồm” quá nhiều việc, khiến kì thi kéo dài, gây tốn kém.

Về cách tính điểm xét tốt nghiệp, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng cần phải gắn kết với quá trình học tập cả 3 năm học lớp 10,11 12. “Phải có trách nhiệm với quá trình giảng dạy, không thể lấy kết quả 4 môn thi để quyết định cả quá trình 3 năm học”, vị hiệu trưởng nói.

Chỉ ra điểm hạn chế trong cách ra đề thi ở chương trình hiện hành (chương trình giáo dục 2006), thầy Phú cho rằng đề thi khó và nội dung còn nặng về kiểm tra kiến thức. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn còn tồn tại.

Do đó, nhấn mạnh đến nội dung đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025, thầy Phú bày tỏ quan điểm rằng kỳ thi tốt nghiệp nên được tổ chức nhẹ nhàng, chú trọng đến kiểm tra trên nền tảng kiến thức cần đạt, theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của người học.

Cũng góp ý về phương án tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thầy Vũ Khắc Ngọc - Chuyên gia giáo dục, người có nhiều năm kinh nghiệm tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp chia sẻ, cả 3 phương án thi tốt nghiệp đang được bàn luận hiện nay (phương án 4+2; 3+2 và 2+2 - PV) đều có những ưu nhược điểm riêng.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc. Ảnh: NVCC

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc đề xuất phương án 2+2 - gồm 2 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và 2 môn tự chọn (các môn học còn lại trong chương trình). Tuy nhiên, theo thầy Ngọc, có thể không cần giới hạn việc lựa chọn 2 môn tự chọn, thay vào đó thí sinh có thể lựa chọn là “2+n”.

“Chúng ta có thể nghiên cứu phương án 2+n, nghĩa là thí sinh có thể thi nhiều hơn 2 môn tự chọn để có nhiều hơn cơ hội xét tuyển vào đại học. Môn thi tự chọn còn phụ thuộc vào các tổ hợp xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở đó, hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lựa chọn 2 môn thi tự chọn của thí sinh có điểm cao nhất để đánh giá, như vậy sẽ đảm bảo quyền lợi cao nhất cho các thí sinh”, vị này phân tích.

Trong khi đó, chia sẻ với phóng viên, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng các phương án về lựa chọn số lượng môn học hiện nay đều cần phải cân nhắc.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: NB

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: NB

Lý giải cho nhận định này, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi chỉ xác định thi một số môn nhất định, học sinh sẽ có xu hướng chỉ chú trọng học các môn phục vụ cho kỳ thi - hay nói cụ thể hơn là “thi gì học nấy”, điều này dẫn đến tình trạng học lệch.

“Đã đến lúc chúng ta cần hướng một kỳ thi theo tinh thần học gì cũng phải được đánh giá - tức là học gì thi nấy, như vậy mới đảm bảo học sinh học toàn diện tất cả các môn, từ đó mới có đánh giá đầy đủ và thực chất”, thầy Nhĩ nhấn mạnh.

Hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang được tổ chức thi với 6 môn, bao gồm Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, môn tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trong đó, thí sinh thi 3 môn bắt buộc và 1 trong hai môn tổ hợp còn lại.

Đối với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025, Chính phủ yêu cầu việc tổ chức kỳ thi bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận xã hội (theo Nghị quyết 144/NQ-CP ngày 10/9/2023 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023).

Minh Chi