Hiệu trưởng THCS Vân Đồn cũng bị đau bụng sau bữa ăn trưa ở trường ngày 9/10

13/10/2023 10:02
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau bữa ăn trưa ngày 9/10 tại trường, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị đau bụng.

Ngày 13/10, cô Lê Thị Thùy – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thông tin chính thức cho phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có một số học sinh bị đau bụng sau bữa ăn trưa ngày thứ 2 (9/10).

Theo đó, sau bữa ăn trưa ngày thứ 2, tới tối cùng ngày, phụ huynh của một số học sinh của khối 6 có thông báo với lãnh đạo trường là các em có triệu chứng đau bụng, ói.

Ngày hôm sau, tiếp tục có một số em học sinh khác cũng có triệu chứng tương tự.

Ngay khi nắm được thông tin này, cùng ngày, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Quận 4, Phòng Y tế Quận 4 đã đến trường, thăm hỏi các em học sinh, tiến hành lấy mẫu thức ăn của đơn vị cung cấp suất ăn cho trường để đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân gây ra vụ việc.

Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: V.D)

Thời điểm này, có thêm hơn 10 học sinh của trường tiếp tục báo là các em cũng bị triệu chứng đau bụng.

Theo cô Lê Thị Thùy, như vậy có đến gần 60 học sinh của trường bị triệu chứng đau bụng, ói sau bữa ăn trưa ngày 9/10.

Theo đó, thực đơn bữa ăn ngày thứ hai, học sinh của trường có các món: Canh bí đao, trứng chiên thịt, cà rốt xào.

Đơn vị cung cấp suất ăn cho nhà trường là Sago Food.

Cô Lê Thị Thùy cho hay, dự kiến đến ngày 20/10 sẽ có kết quả xét nghiệm này.

Sau khi sự việc xảy ra, trường không cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh hôm 11/10.

Từ ngày thứ 5 (12/10), trường đã đổi đơn vị cung cấp suất ăn khác cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Vân Đồn giải thích, năm nay, nhà trường có hai đơn vị cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.

Sau vụ việc xảy ra, nhà trường đã cắt hợp đồng với một đơn vị, thì vẫn còn một đơn vị khác để thực hiện suất ăn trưa cho học sinh.

Cũng theo cô Lê Thị Thùy, để tiến hành giám sát chất lượng bữa ăn trưa của học sinh, trưa nào cũng chính cô Thùy ăn đồ ăn trưa giống với học sinh của trường.

Và sau trưa ngày thứ 2 vừa qua, khi về nhà thì cô Thùy cũng bị đau bụng.

Công tác giám sát chất lượng bữa ăn, thực hiện việc lưu mẫu thức ăn trưa của học sinh, cô Lê Thị Thùy nói nhà trường thực hiện rất kỹ, đúng quy định.

Theo lãnh đạo trường, ngày 12/10, nhà trường đã có cuộc họp với ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp, thông tin chính thức vụ việc. Nhà trường cũng đã gửi lời xin lỗi tới quý vị phụ huynh do đã để xảy ra sự việc này.

Trước đó, vào ngày 11/10, khi sự việc xảy ra tại Trường trung học cơ sở Vân Đồn, Quận 4, ông Đoàn Bội Ngọc – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 4 đã giải thích, việc có một số học sinh bị đau bụng hàng loạt sau bữa ăn trưa tại trường không phải là bị ngộ độc, mà là do các em bị thể trạng yếu, không phù hợp và gặp một số vấn đề với thức ăn.

Thời điểm đó, ông Đoàn Bội Ngọc bác thông tin các em này bị các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm, do tỷ lệ các em bị đau bụng là dưới 10% sĩ số học sinh của trường, không bị hàng loạt với số lượng nhiều.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, đơn vị cung cấp suất ăn cho Trường Trung học cơ sở Vân Đồn cũng cung cấp cho một số trường khác trên cùng địa bàn Quận 4 và khác quận nhưng trong ngày hôm ấy, học sinh tại các cơ sở này không xảy ra vấn đề gì.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại Thành phố Hồ Chí Minh, theo Nghị quyết 04 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã được thông qua, bữa ăn bán trú của học sinh được thu tối đa là 35.000 đồng/em (áp dụng đối với các quận nội thành, thành phố Thủ Đức) và tối đa 32.000 đồng/em đối với các khu vực ngoại thành thành phố.

Riêng đối với các suất ăn sáng đối với trẻ mầm non, tiểu học thì có thể thu tối đa 20.000 đồng/suất/em.

Vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học cũng luôn được các nhà trường, các cấp quản lý quan tâm, chú trọng hàng đầu.

Đã từ nhiều năm nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với quy mô lớn nào xảy ra trong các trường học. Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh luôn yêu cầu các nhà trường phải công khai thực đơn bữa ăn hàng ngày tới phụ huynh học sinh nắm.

Đồng thời, Sở luôn khuyến khích phụ huynh tham gia cùng với nhà trường, các bên liên quan giám sát bữa ăn bán trú hàng ngày của học sinh tại trường. Phụ huynh tham gia để có thể giám sát về mặt tổ chức, chất lượng bữa ăn của các con do nhà trường tổ chức, đóng góp những ý kiến của mình để ngày càng cải thiện chất lượng bữa ăn bán trú.

Việt Dũng