Học Công nghệ tài chính, SV được tìm hiểu về ngân hàng số, tiền số và blockchain

17/04/2024 06:17
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên ngành Công nghệ tài chính, Trường Đại học Tài chính-Marketing được sử dụng các phần mềm, công nghệ tài chính mới nhất để học tập và nghiên cứu.

Theo một số chuyên gia, công nghệ tài chính (Fintech) là thuật ngữ chỉ những mô hình kinh doanh sáng tạo và các công nghệ mới nổi có khả năng thay đổi ngành dịch vụ tài chính.

Sự phát triển không ngừng của công nghệ tài chính cùng những thay đổi trong thị trường tài chính toàn cầu đã đặt ra đòi hỏi về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ chuyên môn cao và khả năng đổi mới sáng tạo.

Được biết, Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing có đào tạo ngành Công nghệ tài chính.

Cập nhật kiến thức về Blockchain, AI, Big data trong chương trình đào tạo

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh – Trưởng khoa Khoa Tài chính – Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, Khoa Tài chính – Ngân hàng có 39 giảng viên, trong đó có 3 phó giáo sư, 15 tiến sĩ và 21 thạc sĩ (số giảng viên trình độ tiến sĩ gần 46%, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các khoa của trường). Điều này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và năng lực nghiên cứu khoa học của Khoa.

Cô Linh.PNG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh (Ảnh: NTCC)

Hiện nay, quy mô đào tạo của Khoa trên 2.000 sinh viên đại học chính quy, trên 300 thạc sĩ và 65 nghiên cứu sinh. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, tập thể giảng viên của Khoa đã tham gia chủ trì thực hiện 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh/thành phố/bộ; 17 đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường. Khoa cũng đã biên soạn, nghiệm thu và đưa vào sử dụng 6 giáo trình, 01 sách chuyên khảo.

Chia sẻ về tầm quan trọng của ngành Công nghệ tài chính, cô Linh cho biết, ngành này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu, mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dùng. Hiểu một cách đơn giản, ngành Công nghệ tài chính sử dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, ứng dụng, dịch vụ, quy trình,… áp dụng trong lĩnh vực tài chính.

“Trong môi trường tài chính, bảo mật là một yếu tố quan trọng. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến như blockchain đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn cho thông tin cá nhân và giao dịch tài chính của người dùng. Ngoài ra, công nghệ tài chính còn giúp giảm thiểu rủi ro tài chính, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo.

Ngành Công nghệ tài chính có tiềm năng to lớn và đang phát triển mạnh mẽ, mang đến nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp và người dùng. Đồng thời, góp phần thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo, phát triển của hệ thống tài chính nói chung”, cô Linh chia sẻ.

Ngành Công nghệ tài chính của Trường Đại học Tài chính – Marketing được mở và đưa vào tuyển sinh khoá đầu tiên năm 2023 với 50 chỉ tiêu (điểm trúng tuyển là 24,1 điểm đối với phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023). Năm nay, ngành này tuyển sinh 60 chỉ tiêu.

Hiện nay, có một số cơ sở giáo dục cũng đào tạo ngành Công nghệ tài chính. Chỉ ra điểm khác biệt trong chương trình đào tạo ngành này của trường, theo cô Linh, ngành được thiết kế bám sát nhu cầu thị trường, cung cấp cho sinh viên kiến thức chuyên môn sâu rộng cả về lĩnh vực tài chính và công nghệ. Sinh viên được đào tạo về các công nghệ mới nhất trong ngành Công nghệ tài chính (như Blockchain, trí tuệ nhân tạo - AI, dữ liệu lớn – Big data,…).

"Ngành Công nghệ tài chính của trường tập trung vào việc cung cấp kiến thức thực tế và áp dụng công nghệ tài chính trong môi trường thực tiễn. Sinh viên được học thông qua các dự án và các bài tập tình huống thực tế.

Ngoài ra, đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng của Khoa có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm phong phú trong ngành Công nghệ tài chính. Giảng viên luôn thực hiện các bài báo khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học và cập nhật xu hướng mới nhất trong ngành Công nghệ tài chính"

_Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh_

Cô Linh đánh giá, ngành Công nghệ tài chính đang phát triển mạnh mẽ và nhu cầu nhân lực cho ngành rất cao. Bằng chứng là, ngành Công nghệ tài chính tại Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng đang thể hiện sự tăng trưởng mạnh mẽ và có tiềm năng thị trường lớn cho các công ty công nghệ hỗ trợ ngân hàng số, thanh toán kỹ thuật số, chuỗi khối và mật mã. Việt Nam hiện là quê hương của hơn 130 công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính. Quy mô thị trường công nghệ tài chính Việt Nam về giá trị giao dịch dự kiến sẽ tăng từ 34,50 tỉ USD năm 2023 lên 63,87 tỉ USD vào năm 2028. Thu nhập của nhân lực Công nghệ tài chính tại Việt Nam cũng rất hấp dẫn, dao động từ 400 - 2.600 USD/tháng, đứng Top 3 các ngành công nghệ (theo Báo cáo Vietnam IT Market Report - Developers Recruitment State 2021 của TopDev) [1].

Về cơ sở vật chất, Khoa trang bị cơ sở vật chất hiện đại, phòng học tiện nghi và thư viện đầy đủ tài liệu để phục vụ người học. Sinh viên được sử dụng các phần mềm, công nghệ mới nhất trong ngành Công nghệ tài chính để học tập và nghiên cứu. Ngoài ra, Khoa tạo môi trường học tập khoa học, năng động và thúc đẩy sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho sinh viên.

“Để chương trình đào tạo của ngành Công nghệ tài chính không bị nhàm chán, Khoa luôn cập nhật, đổi mới chương trình liên tục để bám sát nhu cầu thị trường và đáp ứng những xu hướng mới nhất trong ngành. Việc đổi mới này được thực hiện thông qua việc khảo sát ý kiến doanh nghiệp nhằm xác định kỹ năng và kiến thức mà nhà tuyển dụng cần ở nhân viên công nghệ tài chính. Hơn nữa, Khoa mời các chuyên gia ngành Công nghệ tài chính tham gia báo cáo một số chuyên đề trong quá trình đào tạo. Đồng thời, Khoa cập nhật tài liệu và phần mềm học tập giúp sinh viên được tiếp cận công nghệ và xu hướng mới.

Đặc biệt, Khoa rất quan tâm đến việc tổ chức các hội thảo và khoa học chuyên đề về chủ đề mới nổi trong ngành Công nghệ tài chính. Việc này nhằm giúp sinh viên cập nhật kiến thức và mở rộng tầm nhìn về ngành”, cô Linh cho biết.

Lĩnh vực công nghệ tài chính đòi hỏi người lao động phải có kiến thức kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ tài chính có thể tham gia làm ở các vị trí công việc như chuyên viên phân tích dữ liệu tài chính (đưa ra dữ liệu tài chính để dự đoán, khuyến nghị đầu tư); chuyên viên phát triển sản phẩm công nghệ tài chính; chuyên viên tư vấn công nghệ tài chính (tư vấn cho doanh nghiệp về việc áp dụng giải pháp công nghệ tài chính); lập trình viên công nghệ tài chính (phát triển các phần mềm và ứng dụng công nghệ tài chính).

Bên cạnh những thuận lợi, cô Linh cho biết còn những khó khăn trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học ngành Công nghệ tài chính.

Thứ nhất, số lượng giảng viên có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm thực tế trong ngành Công nghệ tài chính còn hạn chế do đây là ngành rất mới trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, Công nghệ tài chính luôn thay đổi và phát triển, đòi hỏi chương trình đào tạo cần cập nhật liên tục để đảm bảo sát nhu cầu thị trường và xu hướng mới nhất trong ngành.

Thứ ba, thiếu các giáo trình và tài liệu phù hợp với chương trình đào tạo đổi mới liên tục của ngành Công nghệ tài chính.

Để khắc phục những khó khăn trên, theo cô Linh, cần phát triển nguồn nhân lực và chương trình đào tạo. Cụ thể, về phát triển nguồn nhân lực, cần tuyển dụng thêm giảng viên và nghiên cứu viên có trình độ chuyên môn cao, kinh nghiệm thực tế. Đồng thời, kết hợp đào tạo cho đội ngũ giảng viên và nghiên cứu viên hiện có.

“Trong thời gian tới, Khoa cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Công nghệ tài chính, bao gồm cả giảng viên và chuyên gia. Nhà trường nên có chính sách đặc thù để thu hút nhân tài trong và ngoài nước, đặc biệt là những người có kinh nghiệm thực tế trong ngành Công nghệ tài chính”, cô Linh cho hay.

Còn về chương trình đào tạo, cô Linh chia sẻ, cần liên kết với các doanh nghiệp trong ngành để xác định nhu cầu thị trường; phát triển thêm các giáo trình và tài liệu phù hợp với chương trình đào tạo ngành Công nghệ tài chính.

Sinh viên chia sẻ gì khi học ngành Công nghệ tài chính?

Ngành Công nghệ tài chính của trường được tuyển sinh khoá đầu tiên năm 2023 nên chưa có sinh viên nào ra trường.

Xanh dương nhạt Vàng Sổ lưu niệm Lời chúc mừng Ảnh ghép.gif

Chia sẻ với phóng viên, em Nguyễn Thị Kim Duyên – lớp 23DFT, sinh viên ngành Công nghệ tài chính, Trường Đại học Tài chính – Marketing cho biết, em là sinh viên ngành Công nghệ tài chính khoá đầu tiên của trường nên thời gian đầu vào học không tránh khỏi những bỡ ngỡ cũng như lo lắng.

Duyên.PNG
Sinh viên Nguyễn Thị Kim Duyên (Ảnh: NTCC)

“Sau một thời gian học tập, em dần yên tâm hơn khi được nhà trường phân bổ lộ trình học tập một cách cụ thể, chi tiết. Theo như lộ trình học, chúng em được nghiên cứu về ngân hàng số, tiền số và công nghệ blockchain,… - đây là những kiến thức đang "hot" trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các buổi hội thảo về nhu cầu nhân lực, được giảng viên, cố vấn học tập hỗ trợ sinh viên; chúng em được nâng cao kiến thức về ngành Công nghệ tài chính thông qua việc chia sẻ kiến thức, thông tin về các cuộc thi học thuật liên quan đến ngành học”, em Duyên chia sẻ.

Còn em Trịnh Hoàng Chương – sinh viên năm nhất ngành Công nghệ tài chính của trường chia sẻ rằng, trong thời gian học tập, em được lĩnh hội kiến thức từ những giảng viên có kinh nghiệm và khả năng giảng dạy tốt.

“Em cảm thấy các môn học trong chương trình đào tạo không quá khó nhưng sinh viên cần sự tập trung và hệ thống kiến thức sau mỗi buổi học để dễ dàng nắm được nội dung.

Câu lạc bộ Khởi nghiệp của nhà trường cũng tổ chức hội thảo “Technology Driven Business” với chủ đề Ứng dụng công nghệ 4.0 vào các lĩnh vực, trong đó có đề cập đến lĩnh vực Công nghệ tài chính. Qua đó, em có cơ hội được lắng nghe những chia sẻ và trao đổi với diễn giả giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ tài chính”, Hoàng Chương chia sẻ.

2. Trịnh Hoàng Chương.jpg
Sinh viên Trịnh Hoàng Chương (Ảnh: NTCC)

Cùng là sinh viên khóa đầu tiên ngành Công nghệ tài chính của trường, em Hồ Phương Anh cho biết, sinh viên năm nhất chưa được học chuyên sâu các kiến thức liên quan đến ngành Công nghệ tài chính. Tuy nhiên, khi xem trước các học phần trong chương trình học, Phương Anh cảm thấy khá thú vị và rất mong chờ các kiến thức sẽ được học trong thời gian tới về ngành Công nghệ tài chính.

A.PNG
Sinh viên Hồ Phương Anh (Ảnh: NTCC)

Một số giải thưởng, thành tích nổi bật của Khoa Tài chính - Ngân hàng và ngành Công nghệ tài chính, Trường Đại học Tài chính - Marketing:

Trong giai đoạn năm học 2022-2023, sinh viên có 141 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 13 đề tài của sinh viên đạt cuộc thi “Tài năng kinh tế trẻ” cấp trường

01 đề tài đạt giải khuyến khích “Olympic kinh tế lượng và ứng dụng toàn quốc”

04 đề tài đạt giải Ba cấp bộ

01 đề tài đạt giải Khuyến khích cấp bộ

Đạt giải Khuyến khích sinh viên nghiên cứu Khoa học Eureka

Tài liệu tham khảo:

[1] https://laodong.vn/tuyen-sinh/fintech-nganh-hoc-co-nhieu-co-hoi-viec-lam-luong-cao-1312982.ldo

Ngọc Mai