Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã nêu ra các căn cứ thực tiễn và cơ sở khoa học từ Phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED của UNESSCO, theo đó nếu xét cả về thời gian đào tạo và nội dung chương trình đạo tạo trung cấp nghề của Việt Nam không đủ điều kiện để được công nhận tương đường với bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.
Đồng thời, từ điểm nghẽn là cơ hội học lên của luồng sau trung học cơ sở theo học trung cấp nghề, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng đề xuất giải pháp khắc phục.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã phân tích dựa trên nhiều cơ sở cho thấy bằng tốt nghiệp trung cấp nghề không thể tương đương bằng trung học phổ thông. Ảnh: Đỗ Thơm |
Tại hội nghị góp ý về dự án Luật Giáo dục sửa đổi tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vừa qua, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã xin ý kiến của các đại biểu về việc công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng trung cấp nghề nghiệp.
Vấn đề này cần áp dụng trong từng trường hợp cụ thể như sau:
a/ Khi thực hiện phổ cập giáo dục trung học nên bao gồm cả trung học phổ thông và trung cấp nghề nghiệp;
b/ Nếu người tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp học lên cao đẳng cùng chuyên ngành thì hoàn toàn có đủ điều kiện để tham dự kỳ thi tuyển sinh hoặc xét tuyển;
c/ Nếu người tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp muốn học lên trình độ đại học thì ngoài bằng tốt nghiệp trung cấp nghề nghiệp cần có chứng chỉ học một số nội dung kiến thức cơ bản, cốt lõi, rút gọn tương đương trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; giao cho trường đại học xét tuyển, giải quyết theo cơ chế liên thông.
Cùng với việc đề xuất công nhận tương đương bằng tốt nghiệp trung học phổ thông với bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 32 Luật Giáo dục Nghề nghiệp và Quyết định 1981/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến nội dung này.
Cụ thể, theo quy định của Luật Giáo dục Nghề nghiệp (Điều 32) và Quyết định số 1981/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, người có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, khi hoàn thành chương trình trung cấp, nếu có nguyện vọng tiếp tục học lên trình độ cao đẳng, đại học thì phải học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng văn hóa trung học phổ thông.
Như vậy, nếu xem xét công nhận bằng tốt nghiệp trung học phổ thông tương đương bằng trung cấp nghề nghiệp thì học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp nghề muốn học lên thay vì phải thi đạt yêu cầu sẽ được xét tuyển.
Liên quan đến đề xuất, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến đã phân tích chỉ ra sự bất hợp lý của việc đề nghị công nhận bằng tương đương.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến: "Trung cấp chủ yếu đào tạo về tay nghề trong khi Trung học phổ thông không đào tạo về tay nghề mà là dạy kiến thức chung. Vậy so sánh thế nào được khi không có tiêu chí chung?". Ảnh minh họa: (TTXVN) |
Bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông có tương đương với bằng trung cấp nghề nghiệp?
Ông phân tích, quyết định 1982 về cơ cấu, khung trình độ quốc gia chủ yếu căn cứ vào khung trình độ của ASEAN. Nhưng khung trình độ của ASEAN viết rất chung chung, thiếu cụ thể.
Ông dẫn về khái niệm khung trình độ quốc gia trong Luật Giáo dục Đại học của Indonesia “ khung trình độ quốc gia là sự phân định cấp bậc các chuẩn quốc gia để so sánh đầu ra của giáo dục chính quy, phi chính quy, không chính quy kinh nghiệm làm việc, năng lực làm việc theo hình thức công việc ở các lĩnh vực khác nhau”.
Như vậy, khung trình độ chủ yếu là để có căn cứ tuyển dụng lao động, dựa trên đầu ra của chương trình đào tạo, chủ yếu là về tay nghề.
Vì trung cấp chủ yếu đào tạo về tay nghề trong khi Trung học phổ thông không đào tạo về tay nghề mà là dạy kiến thức chung. Vậy so sánh thế nào được khi không có tiêu chí chung?
Do vậy, khung trình độ quốc gia thì không phải là tiêu chí cơ bản để so sánh sự tương đương giữa các chương trình khác nhau.
Vậy ở các nước trên thế giới họ so sánh như thế nào?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho hay, theo thông lệ hiện nay các nước căn cứ vào phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED-2011 do UNESSCO ban hành năm 2011. Và có hiệu lực trên toàn thế giới từ 2014, đối với tất cả thành viên UNESSCO kể cả Việt Nam .
Họ chia ra 9 cấp độ : cấp độ 0 là cho giáo dục mầm non, cấp độ 1 cho tiểu học, cấp độ 2 cho trung học bậc thấp tách hai luồng.
Một luồng như ta gọi là trung học cơ sở đó là dành cho phổ thông, một luồng hướng theo nghề nghiệp (gọi là trung học nghề sơ cấp), sau đó cấp độ 3 là cho trung học bậc cao (bên phổ thông là trung học phổ thông, nhánh theo hướng nghề là trung học nghề (không phải là trung cấp nghề - Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh).
Cấp độ 4 là cho sau trung học phổ thông nhưng chưa phải đại học.
Cấp độ 5 là cho cao đẳng
Cấp độ 6 là cho cử nhân.
Cấp độ 7 là thạc sĩ.
Cấp độ 8 là cho tiến sĩ.
Nhưng ở ta, mặc dù nói là hội nhập quốc tế nhưng chưa hề sử dụng tài liệu này để xác định cấp độ cho các chương trình giáo dục và đào tạo.
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, tài liệu này mới là cơ sở để xem xét các chương trình có cùng cấp độ hay không.
Liên thông chuyển lên trên hay không chuyển lên trên phải căn cứ vào văn bản này.
Theo đó, ở cấp độ 3 các văn bằng trung học phổ thông và trung cấp có tương đương không?
Theo ISCED thì những chương trình có thời gian học dưới 2 năm ở cấp độ 3 và thời gian học lũy kế dưới 11 năm kể từ khi bắt đầu cấp độ 1 đều không được tiếp cận trực tiếp chương trình 5, 6 hoặc 7.
Như vậy, so sánh với phân loại giáo dục theo tiêu chuẩn quốc tế ISCED thì học trung cấp nghề nghiệp của Việt Nam có thời gian đào tạo là 1 -2 năm không đủ điều kiện để học lên cao đẳng, đại học, thạc sĩ.
Chính vì vậy, việc công nhận tương đương bằng trung cấp nghề với trung học phổ thông là không phù hợp.
Vì thế, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến không nên đưa điểm này vào Luật Giáo dục sửa đổi.
Điều 32 của Luật Giáo dục Nghề nghiệp nên giữ nguyên là phù hợp.
(Ảnh minh họa: TTXVN) |
Đâu là lời giải cho bài toán học lên sau trung cấp nghề?
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trung cấp nghề của Việt Nam hiện nay không phải là trung cấp thứ thiệt.
Với thời gian chỉ từ 1 – 2 năm, thì người học không đủ để tích lũy kiến thức và kỹ năng để được chuyển lên cấp độ cao hơn. Đó chỉ là đào tạo nghề mà thôi.
Để đảm bảo cơ hội được học lên cho những người theo luồng học sau trung học cơ sở đi theo hướng học nghề. Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã từng đề xuất:
Trước hết cần phục hồi trung học nghề và trung học chuyên nghiệp như trước đây.
Cụ thể theo sơ đồ cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân ban hành theo Nghị định 90 CP của Chính phủ ban hành năm 1993.
Theo sơ đồ đó, sau khi hoàn thành trung học cơ sở thì phân thành 3 nhánh: nhánh 1 là học lên trung học phổ thông chuyên ban thời gian là 3 năm; nhánh 2 là trung học nghề thời gian đào tạo là 3 – 4 năm; nhánh ba là trung học chuyên nghiệp thời gian là 3 -4 năm, 3 nhánh này tương đương với nhau và đều liên thông được lên cao đẳng, đại học; nhánh 4 là đào tạo nghề (1 – 2 năm) không liên thông lên cao đẳng, đại học được.
Sơ đồ này hoàn toàn phù hợp với ISCED.
Ở đây không có khái niệm trung cấp, chỉ có trung học nghề, trung học chuyên nghiệp là tương đương trung học phổ thông.
Đến luật Giáo dục 2005, sơ đồ cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân cũng tương tự như vậy.
Nhưng không gọi là trung học mà gọi là trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, thời gian đào tạo cũng là từ 3 – 4 năm.
Các nhánh này đều tương đương trung học phổ thông nên đều có thể liên thông được lên đại học, cao đẳng. Còn đào tạo nghề không liên thông được.
Nhưng đến khi Luật Giáo dục Nghề nghiệp thì xóa trung học nghề và trung học chuyên nghiệp. Gán chữ trung cấp vào đào tạo nghề thành trung cấp nghề nghiệp, thời gian đào tạo 1 – 2 năm.
Thực chất đây là đào tạo nghề, thành ra, trung cấp chỉ học từ 1 – 2 năm. Xét thực chất, trung cấp nghề hiện nay không phải trung học hay trung cấp nghề thứ thiệt mà đấy là đào tạo nghề.
Rõ ràng, nếu muốn học lên cao đẳng, đại học thì người học có bằng trung cấp như ở Luật Giáo dục nghề nghiệp thì phải bổ sung thêm kiến thức hoặc học thêm một bằng trung học phổ thông.
Hiệp hội đã đề xuất Khung cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam mới cần được sửa lại trong các luật về giáo dục, cụ thể như sau:
Khung cơ cấu Hệ thống giáo dục quốc dân do Hiệp hội đề xuất. |
Nếu thực hiện các điểm đề xuất trên, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nó sẽ đảm bảo được việc phân luồng sau trung học cơ sở và sẽ không làm mất đi cơ hội học tiếp lên của những người theo hướng học nghề.
Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, việc chuyển đổi từ bằng trung cấp sang bằng phổ thông thì cần phải bổ sung các module cần thiết vì hướng học trung học phổ thông là định hướng chung. Và nghiên cứu trong trường hợp việc chuyển đổi dẫn tới phá vỡ sự phân luồng theo hướng nhiều người có thể học trung cấp (theo hướng đơn giản hơn) để có bằng tương đương bằng trung học phổ thông, từ đó học tiếp những trình độ cao hơn... |