Học phí khối trường Y Dược đồng loạt giảm mạnh so với mức công bố đầu năm học

07/01/2023 06:55
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Thực hiện Nghị quyết 165 của Chính phủ, học phí các trường khối Y Dược dự kiến sẽ giảm mạnh so với mức thu đã thông báo hồi đầu năm học.

Nhằm tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, hộ gia đình có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, ngày 20/12/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023.

Ảnh minh họa: BS

Ảnh minh họa: BS

Nghị quyết ra quá muộn!

Theo đó, đối với cơ sở giáo dục đại học công lập, Chính phủ yêu cầu các cơ sở giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022 do cơ sở giáo dục đã ban hành theo quy định Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Nghị quyết được công bố vào cuối tháng 12, thời gian này hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã công bố mức tăng học phí theo lộ trình (căn cứ theo quy định của Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo).

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo nhiều đơn vị cho biết hiện hầu hết các cơ sở giáo dục đại học đã tiến hành thu học phí học kỳ 1 của sinh viên theo mức tăng đã công bố trước đó.

Đại diện Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế (gọi tắt là Trường Đại học Y Dược Huế), Tiến sĩ Lê Văn Chi (Chủ tịch Hội đồng trường) cho biết:

Học phí năm học 2022-2023 đã được nhà thông báo công khai từ trước khi vào năm học để sinh viên và phụ huynh theo dõi. Đến thời điểm này, nhà trường đã thu học phí học kỳ 1 của sinh viên. Tuy nhiên, khi đã có Nghị quyết của Chính phủ về việc chưa tăng học phí trong năm học này, nhà trường sẽ tuân thủ thu theo mức cũ, tiền sinh viên đã đóng bị thừa ra được khấu trừ vào tiền học phí ở học kỳ 2 tới đây.

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Lê Văn Chi cũng bày tỏ Nghị quyết ban hành ở thời điểm này là “quá muộn”. Trường Đại học Y Dược Huế được xem là một trong những trường top về đào tạo khối ngành sức khỏe trên cả nước.

Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược Huế chia sẻ, trường nằm ở khu vực miền Trung, điều kiện kinh tế của đa số người học còn khó khăn, do đó mức học phí của nhà trường luôn thấp hơn rất nhiều so với các trường đào tạo khối ngành sức khỏe khác.

Cụ thể, năm 2021, Trường Đại học Y Dược Huế giữ nguyên mức thu học phí như năm 2020 đối với các ngành Y khoa, Răng -Hàm -Mặt, Dược học,… là 14.300.000 triệu đồng/sinh viên/năm học.

Năm học 2022-2023, thực hiện mức thu học phí mới theo Nghị định 81 của Chính phủ, nhà trường đã cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định tăng học phí nhằm tăng thêm chất lượng đào tạo và phúc lợi cho cán bộ nhân viên nhà trường.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Chi, mặc dù dự kiến tăng học phí, tuy nhiên so sánh giữa các trường đào tạo sức khỏe thì Trường Đại học Y Dược Huế vẫn là trường có mức thu không quá cao.

Mức học phí dự kiến trước đó của Trường Đại học Y Dược Huế, dao động từ 19 triệu đồng - 26 triệu đồng/năm, tùy vào ngành đào tạo. Ảnh chụp màn hình

Mức học phí dự kiến trước đó của Trường Đại học Y Dược Huế, dao động từ 19 triệu đồng - 26 triệu đồng/năm, tùy vào ngành đào tạo. Ảnh chụp màn hình

Tương tự, Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Trung - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Dược - Đại học Thái Nguyên (gọi tắt là Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên) cho biết, nhà trường cũng sẽ sớm có thông báo tới người học về việc giữ nguyên mức học phí như năm học 2021-2022 sau thông báo tăng học phí trước đó.

Trước đó, năm 2021, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên năm 2021 thu học phí mức thấp nhất là từ 14,3 triệu đồng/năm. Học phí dự kiến tăng vào năm học 2022-2023 dao động từ 18,5 triệu đồng - 35 triệu đồng/năm/sinh viên. Như vậy, sinh viên sẽ được hoàn trả mức học phí chênh lệch đã đóng (theo Nghị quyết 165 của Chính phủ) là từ 4,2 triệu đồng trở lên (tùy ngành đào tạo sẽ có mức hoàn trả khác nhau).

Lộ trình tăng học phí của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đã công bố trước đó. Ảnh chụp màn hình

Lộ trình tăng học phí của Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên đã công bố trước đó. Ảnh chụp màn hình

Liên tiếp nhiều năm giữ nguyên mức học phí, các trường công lập tự chủ gặp khó

Trao đổi với phóng viên, Phó giáo sư Trần Viết An - Phó hiệu trưởng trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, nhà trường đang chờ các hướng dẫn thêm hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để quyết định phương án hoàn tiền chênh lệch lại cho người học.

Phó giáo sư An bày tỏ: “Nghị định thực hiện cho các trường như nhau thì rất khó cho trường!”. Cụ thể, trường Đại học Y Dược Cần Thơ đã tự chủ, do vậy kinh phí từ ngân sách nhà nước hiện chỉ được hỗ trợ một phần nhỏ về cơ sở vật chất.

Trong khi đó, nhiều năm liên tiếp, nhằm chia sẻ khó khăn với người học trong bối cảnh dịch bệnh, nhà trường luôn giữ học phí ổn định và ở mức thấp hơn nhiều so với các trường tự chủ khác.

Vậy ngoài học phí từ người học, nhà trường còn có thêm những biện pháp nào để đa dạng hóa các nguồn thu? Giải đáp vấn đề này, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ cho biết, đối với hoạt động giáo dục đào tạo việc có thêm nguồn thu nào khác khá hạn chế; Các dịch vụ khác khi muốn thực hiện đều phải xin ý kiến của Bộ, không được tự chủ hoàn toàn về các nguồn thu khác.

Mức học phí dự kiến tăng của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ áp dụng từ năm học 2022-2023. Học phí các ngành đều tăng mạnh, trong đó, ngành có học phí cao nhất là 44,1 triệu đồng, tăng thêm gần 20 triệu đồng so với năm 2021. Ảnh chụp màn hình

Mức học phí dự kiến tăng của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ áp dụng từ năm học 2022-2023. Học phí các ngành đều tăng mạnh, trong đó, ngành có học phí cao nhất là 44,1 triệu đồng, tăng thêm gần 20 triệu đồng so với năm 2021. Ảnh chụp màn hình

Đây cũng là khó khăn chung của nhiều trường khi đã tiến hành tự chủ, nguồn ngân sách từ nhà nước bị cắt giảm theo lộ trình, do đó các chi phí hoạt động chủ yếu vẫn dựa vào rất lớn từ nguồn thu học phí.

Nghị quyết mới của Chính phủ nhằm chia sẻ khó khăn với người học, tuy nhiên điều này đồng thời cũng trở thành một bài toán đối với các trường trong việc cân đối thu chi trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.

Bắc Sơn