Học sinh hết cấp 2 vào trường nghề, cùng lúc "gánh" 2 chương trình có nổi?

20/09/2021 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Giáo sư Phạm Tất Dong, để không phải bàn cãi việc trường nghề muốn dạy chương trình phổ thông thì đại học nên theo xu hướng mở.

Liên quan đến việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất được cho các trường nghề được dạy 7 môn văn hóa trung học phổ thông thay vì 4 môn, đề xuất để trường nghề tự dạy các môn văn hóa thay vì phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên như hiện nay, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đã có một số ý kiến chia sẻ quan điểm của ông với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Thầy Phạm Tất Dong cho rằng, hai Bộ trưởng (Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cùng với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nên ngồi với nhau để bàn về việc này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục có thể nghe tham mưu từ bộ phận phụ trách giáo dục đại học và giáo dục thường xuyên, và Bộ Lao Động thì nghe Tổng cục giáo dục nghề nghiệp. Từ đây hai Bộ sẽ trao đổi, tìm hiểu thêm môi trường đào tạo của các nước về trường nghề và đại học, liên thông giữa trường nghề và đại học.

Giáo sư Phạm Tất Dong. (Ảnh: HT)

Giáo sư Phạm Tất Dong. (Ảnh: HT)

Giáo sư cho biết, ông từng làm việc với bên dạy nghề nhiều lần và ông nói rằng, đại học không được bịt cửa của các trường trung cấp nghề, bởi người ta sẽ không đi học nghề nữa và sẽ đi học phổ thông.

Tuy nhiên nhiều người không đồng tình với ý kiến này của Giáo sư Phạm Tất Dong, còn ông cho rằng không làm như vậy thì rất mất thời giờ bởi các bên cứ cãi nhau mãi.

Theo thầy Dong, trường đại học nên mở cửa cho tất cả mọi người vào đại học, bởi trong xã hội có nhiều người được coi là “thần đồng” mà chưa có bằng cấp nào cả, trong khi đó học sinh 12 thì năng lực lại không bằng, hay như những người nông dân có các sáng chế mà sinh viên và kỹ sư chưa làm được.

Khi người học được phổ cập chương trình giáo dục trung học, người ta có quyền thi đại học, còn tuyển sinh như nào đó là quyền của trường đại học. Đối với trường nghề và trường phổ thông thì không thể nào chịu trách nhiệm cho chuyện người học trúng hay không trúng tuyển được đại học, vì vậy cần phải nâng cao tính tự học.

“Trường nghề đào tạo như thế nào là việc của họ, còn khi thi vào đại học thì người học sẽ làm bài thi chung cùng tất cả thí sinh khác”, Giáo sư Dong chia sẻ.

Ông lấy ví dụ, trên thế giới, người ta mở ra các hình thức học đại học, có cả những người 50-60-70 tuổi theo học thì không bắt họ phải thi, và người học được nhà trường chỉ bảo, họ học được hay không là chuyện của họ.

“Tôi từng phát biểu trước nhiều lần trước nhiều hiệp hội, các nhà khoa học là nhiều nơi trên thế giới muốn toàn dân, bất cứ ai có cơ hội học đại học là được đi học. Đây mới gọi là học suốt đời, không ai đi học suốt đời bằng học vấn phổ thông cả. Tôi đứng ở góc độ tôn trọng người học thật, nhân tài thật”, Giáo sư Dong nói.

Ông cũng cho biết, hiện nay trên thế giới có xu hướng là đại học mở, yêu cầu mọi người đều đi học, giáo dục mở là không rào cản và không đòi hỏi đầu vào. Theo ông, học vấn đại học ai cũng cần.

Trái ngược với quan điểm của Giáo sư Phạm Tất Dong, nhìn nhận về vụ việc trên một chuyên gia giáo dục đề nghị không nêu tên cho hay, việc các trường nghề tuyển sinh học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở để đào tạo song bằng (bằng nghề và bằng trung học phổ thông) không phải là thực hiện giải pháp phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, theo Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị ngày 05/12/2011.

"Việc các trường nghề tuyển sinh như vậy không phải là phân luồng mà là lấy bằng cấp ra mời chào người học. Bởi vì phân luồng là phải đào tạo ra nguồn nhân lực có trình độ, nghề nghiệp hẳn hoi, còn đây là đào tạo để có cái văn bằng. Hai cái đó khác nhau", chuyên gia cho hay.

Theo vị chuyên gia này, việc học sinh vừa học bằng nghề và bằng trung học phổ thông thì không thể học được.

Vị này cũng nêu thực tế hiện nay, nhiều trường cao đẳng nghề tuyển sinh, cùng một đối tượng tuyển sinh, vừa đào tạo nghề, vừa đào tạo bằng Trung học phổ thông lấy 2 bằng. Việc này cần phải được làm rõ, giám sát xem có đủ cơ sở pháp lý không.

Ở nhiều nước, học sinh học hết lớp 9 thì phải đào tạo ít nhất là 5 năm mới có bằng Trung học phổ thông và cao đẳng nghề.

Ví dụ như Trung Quốc là 9+4, mới có bằng Trung học phổ thông và bằng trung cấp nghề, nếu muốn học cao đẳng thì mất hơn 1 năm nữa, là tầm 5 năm.

Còn ở Việt Nam, nhiều trường cao đẳng nghề ngang nhiên quảng cáo chiêu sinh: "Vào lớp 10 hệ song bằng; Học sinh vừa học văn hóa Trung học phổ thông vừa học nghề; Học sinh học 2 chương trình đào tạo (Trung học phổ thông và Cao đẳng); Sau 4 năm học, tốt nghiệp nhận nhận 2 bằng (Trung học phổ thông, Cao đẳng chính quy)". Đó là thực tế rất đáng lo ngại và cần được xem xét, kiểm tra.

Mạnh Đoàn