LTS: Hiện nay, việc tổ chức học thêm tại các nhà trường đã và đang diễn ra một cách phổ biến. Đây được xem là mảnh đất màu mỡ cho các thầy cô và ban giám hiệu nhà trường chia chác lẫn nhau.
Nhằm phản ánh và lên án tình trạng đáng buồn trên, tác giả Thảo Ly đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết về vấn đề này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Nhằm giúp sức cho việc dạy thêm trong nhà trường được thành công còn có sự tiếp tay của một số giáo viên dạy những bộ môn mà mọi người thường gọi là môn chính (nhưng không thể dạy thêm ở nhà vì học sinh chê không tới học) như Toán, Văn, Anh, Hóa, Lý.
Ở bậc trung học phổ thông có thêm một số môn thi tốt nghiệp như Sử, Địa. Bởi thế, để thực hiện thành công ý định mở những lớp học thêm như thế nhà trường đã có rất nhiều cách thức để thực hiện.
Việc dạy thêm trong các trường học vẫn còn diễn ra (Ảnh nguồn Internet). |
Trước hết, vai trò của hội phụ huynh nhà trường được phát huy triệt để. Hiệu trưởng làm việc với hội trưởng hội phụ huynh để tranh thủ sự đồng thuận.
Sau đó, hội phụ huynh lớp có nhiệm vụ thông qua cuộc họp phụ huynh toàn trường để nói về tầm quan trọng của việc học phụ đạo tại trường cho phụ huynh nghe trong cuộc họp đầu năm.
Những lý lẽ được đưa ra khó ai có lòng phản bác được như dạy ở trường giáo viên phải có giáo án, phải lên kế hoạch giảng dạy cụ thể để nhà trường kiểm tra. Chuyên môn nhà trường sẽ theo dõi, quản lý, giám sát về nội dung kiến thức, chất lượng giờ dạy…
Rồi những dẫn chứng được nêu ra như nhiều thủ khoa, nhiều học sinh thi đạt điểm cao trong kì thi trung học phổ thông quốc gia cũng chỉ học kiến thức trong nhà trường mà không cần phải ra ngoài học thêm.
Nắm được tâm lý hầu hết phụ huynh không có ý kiến gì dù họ không muốn cho con đi học hoặc chỉ một số người có ý kiến nên biên bản vẫn được ghi là nguyện vọng của phụ huynh muốn con được phụ đạo trong trường.
Vì sao ban giám hiệu lại muốn tổ chức dạy thêm trong trường? |
Bước tiếp theo, nhà trường phát phiếu đăng kí học thêm về cho phụ huynh kí để nộp lưu ở trường.
Có trường cẩn thận hơn vì sợ bị bắt bẻ việc phát phiếu đăng kí ghi sẵn nội dung nên yêu cầu học sinh viết tay theo gợi ý của giáo viên.
Có không ít phụ huynh phản ứng: “Mình muốn cho con học thì tự đăng kí, sao ngày nào đi học về con cũng hối thúc nói rằng thầy cô cứ bảo nộp gấp?”.
Giáo viên dạy thêm trong trường dù không phải giáo viên giỏi mà học sinh săn lùng nhưng lại có lợi thế là thầy cô dạy các em học chính khóa.
Ngoài một số học sinh giỏi xuất sắc hay một số em học không quan trọng điểm số, danh hiệu thi đua, còn hầu hết học sinh khác đều phải buộc đi học.
Bởi lẽ, nếu không đi học thêm ở trường sẽ có vô vàn điều bất lợi đang chờ như kiểm tra đột xuất không báo trước, cho câu hỏi khó, hỏi vặn vẹo lung tung khi bị gọi trả bài, không cho nợ điểm nếu lỡ không thuộc bài cũ, không biết dạng bài tập để làm trong đề kiểm tra, đề thi, thường xuyên bị nhắc nhở dù cho em có mắc những lỗi như một số bạn.
Và sẽ có nguy cơ các em bị lưu ban, thi lại khi bài làm bị vô vàn điểm kém…
Với những nguy cơ ấy, học sinh khó lòng nói không với việc học thêm ở trường. Một lớp học thêm ở trường đông đến vài chục em với nhiều trình độ. Có em nói vui học theo kiểu “lẩu thập cẩm”.
Thế rồi, hàng ngày tới lớp, các em cũng chỉ cho qua. Bởi, khi đã nộp tiền đi học rồi, trách nhiệm đã thuộc về phía thầy cô, về phía nhà trường. Không lẽ ngày học chính khóa, đêm học phụ đạo mà thi kiểm tra lại không làm được bài hay sao?
Đã được thi lại là sẽ lên lớp! |
Học sinh bị điểm kém người lo lắng lại chính là thầy cô. Thế mới có chuyện, có em được làm đi làm lại bài kiểm tra đến vài lần để cố đạt điểm trung bình.
Thậm chí, có giáo viên còn nhiệt tình chỉ ngay bài ngày mai sẽ kiểm tra để các em biết.
Đó chỉ là một vài hiện tượng cá biệt, chứ phần đông khi đi học thêm các em đã được ôn đi, luyện lại những dạng bài tập ấy nên hầu như các em đều dành luôn điểm tuyệt đối.
Nhà trường thường tung hô trong các bản báo cáo rằng nhờ tổ chức dạy phụ đạo thường xuyên trên trường nên chất lượng học sinh được nâng lên rõ rệt.
Một điều lạ là chất lượng chỉ đạt tốt khi nhà trường ra đề, còn để của Phòng, của Sở…điểm các em đạt được chỉ lẹt đẹt như pháo lép.
Điều này cũng lý giải vì sao cuối năm nhà trường đánh giá gần như 100% học sinh đạt yêu cầu về chuẩn kiến thức môn học nhưng qua một đợt thi lại có hàng trăm em bị điểm liệt.
Để đánh giá việc dạy và học một cách thực chất góp phần nâng cao chất lượng học tập cho học sinh một cách nghiêm túc nhất cũng đồng nghĩa với việc phải dẹp được nạn mượn danh nghĩa nhà trường để dạy thêm như nhiều trường học hiện nay vẫn đang áp dụng. Để làm được điều này, không ai khác ngoài chính ba mẹ của các em.