Học viện Thanh thiếu niên VN: Không có giáo sư, nguồn thu 2 năm "y hệt nhau"

19/11/2023 06:32
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê, năm 2020 và 2021, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của học viện giữ nguyên là 35.007.000 đồng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, tại đề án tuyển sinh của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của học viện có biến động qua các năm.

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: T.L

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Ảnh: T.L

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm giảm mạnh, giảm ít nhất là 5,92%

Theo đề án tuyển sinh năm 2020 và năm 2021, số sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm theo khối ngành của học viện như sau:

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thống kê theo khối ngành Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thống kê theo khối ngành Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021.

Theo đó, năm 2018, khối ngành VII có 401 sinh viên tốt nghiệp, chiếm 70,3% (tổng là 570 sinh viên nhập học) thì 65,85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Khối ngành VII của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam gồm có các ngành: Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Công tác thanh thiếu niên, Công tác xã hội, Luật, Quản lý nhà nước, Quan hệ công chúng.

Năm 2019, có 316 sinh viên tốt nghiệp, chiếm 75,77% (tổng là 417 sinh viên nhập học) thì 64,25% tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Năm 2020, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khối ngành VII là 316 người, chiếm 55,43% (tổng là 570 sinh viên trúng tuyển nhập học) với 81,5% tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Cũng theo khảo sát tại đề án tuyển sinh năm 2022 và năm 2023, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm được học viện thống kê theo từng ngành học. Qua số liệu cho thấy, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm có xu hướng giảm.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thống kê theo ngành học của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023.

Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm thống kê theo ngành học của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023.

Cụ thể, tỷ lệ sinh viên có việc làm ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước năm 2023 giảm 9,16% so với năm 2022. Tỷ lệ sinh viên có việc làm Ngành Công tác xã hội giảm 5,92% so với năm 2022 xuống còn 81,58%.

Bên cạnh đó, số sinh viên tốt nghiệp của học viện thấp. Năm 2023, số sinh viên tốt nghiệp ngành Công tác thanh thiếu niên chưa đạt 50% so với số sinh viên nhập học.

Số sinh viên tốt nghiệp của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023.

Số sinh viên tốt nghiệp của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2022, 2023.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm có biến động nhẹ

Học phí dự kiến với sinh viên chính quy của học viện có biến động nhẹ trong 4 năm gần đây. Theo đó, mức học phí dự kiến các ngành học tại học viện năm 2020 là 980.000 đồng/tháng/sinh viên. Năm 2021, tăng 100.000 đồng so với năm 2020, nâng tổng mức học phí dự kiến là 1.080.000 đồng/tháng/sinh viên.

Năm 2022, mức thu học phí của sinh viên ngành Luật là 1.250.000 đồng/tháng/sinh viên; các ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước, Công tác thanh thiếu niên, Công tác xã hội, Quản lý nhà nước, Quan hệ công chúng, Tâm lý học là 1.200.000 đồng/tháng/sinh viên.

Năm 2023, ngành Luật tăng 160.000 đồng (tăng 12,8%) so với năm 2022, nâng mức học phí dự kiến lên thành 1.410.000 đồng/tháng/sinh viên. Các ngành còn lại có mức học phí dự kiến là 1.500.000 đồng/tháng/sinh viên, tăng 300.000 đồng (tăng 25%) so với năm 2022.

Học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Học phí dự kiến đối với sinh viên chính quy của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của học viện trong 4 năm có biến động nhẹ. Năm 2020 và năm 2021, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của học viện giữ nguyên là 35.007.000 đồng (hơn 35 tỷ đồng).

Năm 2022, tổng nguồn thu hợp pháp/năm giảm hơn 6 tỷ đồng so với năm 2021, giảm xuống còn 29 tỷ đồng.

Năm 2023, tổng nguồn thu hợp pháp/năm của học viện là 31 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2022.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh 2020, 2021, 2022, 2023.

Tổng nguồn thu hợp pháp/năm của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh 2020, 2021, 2022, 2023.

Nói về việc tổng nguồn thu hợp pháp/năm của học viện được giữ nguyên là 35.007.000.000 đồng (năm 2020, 2021), Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung - Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam cho biết, nguồn thu chính của học viện gồm học phí, ngân sách nhà nước, chi đầu tư cho các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, bồi dưỡng cán bộ,....

Năm 2020, 2021, nguồn thu từ học phí, từ đề án đào tạo, bồi dưỡng đoàn và công tác nghiên cứu khoa học không có chuyển biến nhiều do quy mô đào tạo không có biến động nên tổng nguồn thu hợp pháp/năm được giữ nguyên.

“Chưa kể, năm 2020, 2021 nguồn thu của học viện lớn hơn so với năm 2022 và 2023 là do học viện đã bồi dưỡng hàng nghìn lượt cán bộ cho Đoàn, Hội, Đội theo đề án của Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2015 - 2020; đề án bồi dưỡng cho cán bộ Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Lào và Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác đối ngoại của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thời điểm dịch Covid - 19, hoạt động bồi dưỡng bị gián đoạn nên nguồn thu của học viện có giảm. Thêm nữa, các lớp trung cấp lý luận chính trị, các đề tài cấp cơ sở, cấp Bộ và cấp Nhà nước có thời gian thực hiện khác nhau nên nguồn thu mỗi năm cũng có sự tăng giảm khác nhau.

Năm 2023, nguồn thu tăng do học viện khởi động lại các lớp trung cấp lý luận chính trị do Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho phép đào tạo ở 2 khối: doanh nghiệp trung ương và cơ quan trung ương. Bên cạnh đó, quy mô đào tạo của học viện tăng so với các năm trước.

Ngoài ra, năm 2022, 2023, bộ phận tài chính của học viện đã làm tròn số liệu tổng nguồn thu hợp pháp/năm”, Phó Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam thông tin.

Học viện không có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư

Ghi nhận tại đề án tuyển sinh trong 4 năm gần nhất, số lượng giảng viên cơ hữu của học viện có xu hướng tăng.

Giảng viên cơ hữu của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Giảng viên cơ hữu của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Năm 2020, tổng giảng viên cơ hữu của học viện là 135 người, trong đó, giảng viên trình độ tiến sĩ là 40 người; giảng viên trình độ thạc sĩ là 74 người; 21 giảng viên là cử nhân và 4 giảng viên có chức danh phó giáo sư.

Năm 2023, tổng giảng viên cơ hữu của học viện là 194 người, theo đó, giảng viên trình độ đào tạo tiến sĩ giảm 18 người so với năm 2022 (tổng là 48 người); giảng viên trình độ đào tạo thạc sĩ giảm 4 người so với năm 2022 (tổng là 111 người); tăng 23 giảng viên là cử nhân đại học so với năm 2022 (tổng là 35 người). Giảng viên có chức danh phó giáo sư là 4 người, giảm 8 người so với năm 2022.

Hiện, học viện không có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư.

Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Nhung chia sẻ rằng: “Việc không có giảng viên cơ hữu có chức danh giáo sư sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công tác đào tạo. Bởi, hiện học viện có 2 giảng viên có chức danh phó giáo sư, đủ điều kiện mở đào tạo tiến sĩ ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền nhà nước nhưng sẽ đỡ vất vả hơn nếu học viện tuyển dụng được giảng viên có chức danh giáo sư.

Để chất lượng đào tạo được nâng cao phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đồng thời cũng là quá trình lâu dài. Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam luôn chú trọng làm tốt các yếu tố cốt lõi để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, trong đó việc tập trung nâng cao số lượng và chất lượng của đội ngũ giảng viên được học viện rất quan tâm.

Bởi, trong tương lai, ngoài đào tạo hệ đại học chính quy, học viện mong muốn mở đào tạo các trình độ cao hơn nên học viện đang chuẩn bị, triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về giảng dạy.

Năm 2023, học viện tổ chức tuyển dụng giảng viên, trong đó khuyến khích giảng viên là tiến sĩ tham gia ứng tuyển. Vì ngoài đầu tư về cơ sở vật chất, muốn nâng cao chất lượng đào tạo cần phải đầu tư thêm nguồn nhân lực chất lượng cao".

Ngoài ra, số lượng giảng viên thỉnh giảng của học viện có xu hướng tăng.

Giảng viên thỉnh giảng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Giảng viên thỉnh giảng Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam theo đề án tuyển sinh năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Năm 2020, 2021, tổng số giảng viên thỉnh giảng của học viện là 31 người. Đến năm 2023, số giảng viên thỉnh giảng của học viện tăng mạnh, tăng 8 người, chiếm 25% (tổng là 40 người).

Tuy nhiên, giảng viên thỉnh giảng trình độ đào tạo tiến sĩ tăng 26 người (tăng hơn 3,15 lần) so với năm 2022 (tổng là 38 người); giảng viên thỉnh giảng trình độ đào tạo thạc sĩ giảm 18 người (so với năm 2022 (tổng là 2 người).

Lý giải về số lượng giảng viên thỉnh giảng trình độ đào tạo tiến sĩ tăng, cô Nhung nói: “Với chiến lược phát triển học viện đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam phấn đấu trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành theo hướng ứng dụng có chất lượng, uy tín, đứng đầu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Đoàn và nghiên cứu khoa học về công tác đoàn, phong trào thanh thiếu nhi, từng bước phát triển mô hình đại học thông minh và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu và yêu cầu ngày càng cao của xu hướng trên thế giới, học viện tập trung tăng số lượng giảng viên thỉnh giảng là tiến sĩ và luôn có chính sách đặc biệt ưu tiên đối với nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này giúp thầy, cô được học hỏi thêm cách giảng dạy, sinh viên được lĩnh hội kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của học viện hiện nay và trong thời gian tới”.

Thảo Ly