Một điểm đáng chú ý tại dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi, hiện đang được nhiều cơ sở giáo dục đại học quan tâm là phương án không thành lập hội đồng trường trong các trường đại học thành viên thuộc đại học vùng, đại học quốc gia.

Nếu không có hội đồng trường, cơ sở giáo dục đại học không thể thực hiện tự chủ và phát triển bền vững
Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Chi - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Huế) có một số chia sẻ, góp ý.
Theo đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Chi đề nghị cơ bản giữ các quy định hiện hành về tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, tăng cường phân cấp và trao quyền tự chủ cho các trường đại học thành viên thuộc đại học vùng và đại học quốc gia, để khai thông mọi nguồn lực, giải phóng sức sản xuất, tinh giản cấp trung gian và thủ tục hành chính để có những bước phát triển đột phá, bảo đảm bình đẳng như các cơ sở giáo dục đại học khác.
Điều này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII là “Tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Kiên quyết giảm và không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể hoặc sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả” và mục tiêu cụ thể là “Cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian, giảm cấp phó”, nhằm giảm thủ tục hành chính, tránh chồng chéo nhiều cấp trung gian, khai thông nguồn lực, phát huy thế mạnh, hướng đến phát triển bền vững.
Căn cứ Thông tư số 03/2025/TT-BGDĐT ngày 07/02/2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mối quan hệ công tác giữa hội đồng trường và cơ quan quản lý cấp trên, giữa hội đồng trường và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo quy định tại điểm b và c, khoản 5, Điều 7 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.

“Trong mô hình đại học 2 cấp, hội đồng trường của trường đại học thành viên là hội đồng quản lý trực tiếp, trong khi đó, hội đồng đại học vùng hoặc đại học quốc gia là cấp trung gian.
Việc bỏ hội đồng trường (tức là bỏ hội đồng quản lý trực tiếp) là chưa phù hợp với chủ trương, tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Đồng thời, Nghị quyết 66-NQ/TW ngày 18/11/2024 của Bộ Chính trị nêu rõ “dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm””; “...khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực phát triển”.
Do đó, không những cần phải duy trì mà còn phải trao quyền thực chất hơn nữa cho hội đồng trường của các trường đại học thành viên (đặc biệt là các trường tự chủ mức 1, 2) để tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học thành viên phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn,…
Đồng thời, với vị trí là thiết chế quản trị đại học, nếu không có hội đồng trường thì cơ sở giáo dục đại học sẽ không thể thực hiện nhiệm vụ tự chủ đại học và phát triển bền vững” - vị Chủ tịch Hội đồng trường phân tích thêm.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, đại diện một trường đại học thành viên của một đại học vùng khác cũng đề nghị giữ nguyên cơ cấu tổ chức Hội đồng trường của các trường đại học thành viên.
“Trong mô hình đại học 2 cấp, hội đồng đại học/hội đồng trường quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị; đồng thời, người đứng đầu phải quản lý và thực hiện các nghị quyết của hội đồng, chịu trách nhiệm trước hội đồng về kết quả thực hiện.
Nếu loại bỏ cơ chế Hội đồng trường với tư cách là hội đồng quản lý cấp cơ sở của trường đại học thành viên (không phải là cấp trung gian) trong mô hình đại học 02 cấp là không phù hợp với chủ trương, tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Cần duy trì cơ chế hội đồng trường, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng, phù hợp và bám sát với tình hình thực tế trong mọi quyết định về chiến lược, kế hoạch, các vấn đề quan trọng,… của mỗi trường đại học thành viên, do đặc thù đa ngành, đa lĩnh vực trong đại học vùng và đại học quốc gia” - vị này cho biết.
Do đó, Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Văn Chi bày tỏ: “Trong bối cảnh tăng cường tự chủ đại học và tinh giản bộ máy quản lý, do đó, tôi đề nghị lựa chọn phương án tiếp tục duy trì cơ chế hội đồng trường của các trường đại học thành viên trong đại học”.
Bỏ Hội đồng trường đại học thành viên thực chất không phải tinh gọn
Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) cũng cho rằng, việc loại bỏ thiết chế quản trị nội bộ cao nhất này đồng nghĩa với việc quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình ở cấp trường đại học thành viên có nguy cơ suy giảm nghiêm trọng.
Theo đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa chỉ ra các hệ quả tiềm năng: “Mô hình theo Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34) hiện tại đã chứng tỏ có hiệu quả tích cực, dù chỉ mới được triển khai trong giai đoạn ngắn một nhiệm kỳ (gần 5 năm qua), với sự phát triển rõ nét ở hầu hết các trường đại học thành viên, mà Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) là một minh chứng.
Cấu trúc đó đem lại lợi ích lớn cho sự phát triển của nhà trường: Trước mắt là được tự chủ về tổ chức nhân sự, học thuật. Nhờ thế, đã tạo ra bước phát triển mạnh mẽ so với trước đây, có thể nói là tương đối vượt bậc. Theo lộ trình, tới đây, nhà trường tự chủ cả về tài chính thì có thể phát triển rất tốt.
Với mô hình nêu trong dự thảo, các nhiệm vụ của Hội đồng trường đại học thành viên được chuyển lên Hội đồng đại học, tiềm chứa nguy cơ kém hiệu quả rõ ràng. Bởi lẽ, các đại học vùng hiện nay đã được hình thành và phát triển mấy chục năm, là cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực. Một Hội đồng trường đại học thành viên mới đủ năng lực quán xuyến các công việc một cách trực tiếp. Hội đồng đại học không thể trực tiếp giải quyết các vấn đề chiến lược “sát sườn” của các trường đại học thành viên hiện tại.
Hiện nay, với các vấn đề cần giải quyết thì quy trình là Hội đồng trường của trường đại học thành viên báo cáo lên các ban chức năng để nghiên cứu, báo cáo Giám đốc đại học, Giám đốc cho tổng hợp, gửi sang Thư ký Hội đồng đại học, rồi Hội đồng đại học mới xem xét, cho ý kiến và quyết định, chuyển về cho Giám đốc đại học. Giám đốc đại học lại chuyển về các ban chức năng và giải quyết vấn đề của trường đại học thành viên.
Do đó, nếu thành viên Hội đồng đại học không nắm rõ bối cảnh cụ thể của một trường thành viên, dẫn đến giải quyết công việc kém hiệu quả…".

Về việc tồn tại các Hội đồng trường đại học thành viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa cho rằng, đó không phải là “phình” bộ máy. Bởi lẽ: “Thành viên Hội đồng trường hiện nay cũng hầu hết là các thầy cô kiêm nhiệm, gần như không có phụ cấp. Chỉ có Chủ tịch Hội đồng trường, Thư ký Hội đồng trường là có thêm phụ cấp, còn toàn bộ thành viên khác là những thầy cô kiêm nhiệm hoặc các đại diện bên ngoài nhà trường. Như vậy, Hội đồng trường tồn tại không làm tăng thêm bộ máy.
Đó là thực tiễn hoạt động của các Hội đồng trường hiện nay. Chính vì vậy, đề xuất bỏ Hội đồng trường các trường đại học thành viên của đại học vùng, về bản chất, không phải làm tinh gọn bộ máy”.
Từ những phân tích trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa kiến nghị các phương án, cụ thể: “Một là, phương án an toàn là giữ nguyên mô hình hiện tại của các trường đại học thành viên thuộc đại học vùng. Hai là, phương án đột phá là xây dựng đại học vùng theo mô hình mới”.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa, mô hình mới được đề cập chính là một mô hình “Liên hiệp đại học vùng” - nơi các trường có tư cách độc lập, hoạt động tự chủ đầy đủ, chủ động liên kết học thuật, nghiên cứu, chia sẻ tài nguyên dùng chung trên cơ sở trách nhiệm, không hành chính hóa bộ máy tổ chức quản lý. Bộ máy hành chính của đại học vùng - sẽ có động lực để tinh gọn và chuyển hóa thành một cơ quan điều phối trung tâm về học thuật, trung tâm dữ liệu vùng mà không phải làm nhiệm vụ điều hành tổ chức hoặc can thiệp vào nhân sự, tài chính của từng trường.
“Điều quan trọng hơn, Luật Giáo dục đại học sửa đổi sắp tới cần phải là luật “khung”, mang tinh thần cởi mở hơn trong xây dựng mô hình đại học. Không nên đóng khung cứng mô hình đại học vùng, mà mở ra các lựa chọn tổ chức phù hợp theo điều kiện từng vùng.
Nơi nào đủ điều kiện thì tách các trường thành đại học độc lập, không ngại đổi mới mà khuyến khích các trường tự đánh giá khả năng, tiềm năng, động lực phát triển và chủ động đề xuất tách. Phải quan niệm, “tách” không phải một bước lùi mà là động lực để các trường phát triển vững mạnh hơn.
Hành động đúng lúc, đúng cách - không chỉ để cải cách một mô hình, mà còn để giữ lại những gì đáng giá nhất đã góp phần làm nên uy tín học thuật quốc gia” - thầy Khoa chia sẻ.