Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của phụ huynh học sinh về việc Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký (Bình Dương) yêu cầu gia đình rút hồ sơ với học sinh đang điều trị trầm cảm, rối loạn lo âu.
Theo phụ huynh gửi phản ánh về Tạp chí cho rằng, con của họ nghỉ học vì lý do bất khả kháng nhưng nhà trường không đồng ý cho học sinh thi lại học kỳ II, bảo lưu mà yêu cầu rút hồ sơ ngay thời điểm trước khi năm học kết thúc.

Phụ huynh phản ánh nhà trường yêu cầu rút hồ sơ đối với học sinh đang điều trị trầm cảm
Theo anh T.M.Đ (ngụ tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thông tin, con trai anh là học sinh T.K.N trước đó học lớp 11 tại Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến (cơ sở Bình Dương).
Ngày 8/4/2025, anh Đ. đến trường xin cho con vào học tại Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký và được nhà trường hướng dẫn làm thủ tục rút hồ sơ chuyển trường từ Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Khuyến sang.
“Tôi và gia đình xin trân trọng cảm ơn việc trường nhận học sinh để tạo điều kiện cho học sinh tiếp tục theo học hết lớp 11. Tuy nhiên, do bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu bộc phát, sau khi nhập học và học được 3 ngày là: 11/4 , 12/4 và 14/4 thì con tôi không đến trường nữa. Ngày 26/4 tôi đưa con khám bệnh ở Bệnh viện Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh thì được kết luận là cháu bị bệnh trầm cảm và rối loạn lo âu.
Ngày 28/4 tôi có gửi đơn xin cho con thi lại trong hè kèm hồ sơ bệnh án nhưng không được nhà trường giải quyết. Tôi có đề nghị được gặp ban giám hiệu để trình bày nhưng bị từ chối. Ngày 6/5/2025 nhà trường mời phụ huynh lên làm việc.
Vợ tôi mong muốn xin cho con được thi lại hoặc được gặp ban giám hiệu nhưng phòng tuyển sinh từ chối. Gia đình có nguyện vọng được bảo lưu cho con học lại lớp 11 nhưng phòng tuyển sinh từ chối và nói gia đình phải rút hồ sơ”, anh Đ. cho biết.
Vị phụ huynh cho rằng, con của mình vì lý do bất khả kháng mới không tiếp tục đi học và tham dự kì thi học kỳ II chứ không vi phạm bất kỳ hình thức kỷ luật nào buộc phải thôi học nên việc nhà trường yêu cầu gia đình phải rút hồ sơ cho con là không phù hợp.
Bên cạnh đó, vị phụ huynh này viện dẫn, học sinh cũng không vi phạm quy định tại Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định các hành vi học sinh không được làm.
Điều 37, Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT quy định các hành vi học sinh không được làm như sau:
1, Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.
2, Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.
3, Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác, các chất gây cháy nổ.
4, Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.
5, Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.
6, Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.
7, Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật".
Phụ huynh chia sẻ thêm: “Trong nội dung giải trình của Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, nhà trường có giải thích yêu cầu phụ huynh rút hồ sơ để xin vào trường khác.
Thời điểm đó (6/5) liệu có trường nào sẽ tiếp nhận con tôi không? Việc đuổi học con tôi như đẩy một học sinh ra khỏi môi trường giáo dục của nhà trường?".
Bên cạnh đó, theo phụ huynh nhà trường còn đưa ra nhận định "phụ huynh thiếu thiện chí trong vụ việc". Điều này khiến phụ huynh bức xúc, nhà trường là bên đuổi học và đẩy học sinh vào chỗ bơ vơ, còn phụ huynh là bên bị động thì thiếu thiện chí ở điểm nào?

Hiệu trường Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký phản hồi ra sao?
Để có thông tin khách quan, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ lãnh đạo Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký để tìm hiểu. Qua trao đổi, thầy Phạm Ngọc Nam - hiệu trưởng nhà trường khẳng định những thông tin như phụ huynh phản ánh là chưa đầy đủ và thiếu chính xác.
Thầy Nam thông tin, ngày 08/4/2025, ông T.M.Đ có tới trường để xin đăng ký học cho em T.K.N. Qua tìm hiểu, nguyên nhân học sinh muốn chuyển trường là do em T.K.N bị áp lực dẫn đến trầm cảm nên không muốn tiếp tục đi học ở trường cũ, đã nghỉ học ở trường cũ 2 tuần.
Nhà trường đã xem xét bảng điểm của em T.K.N có các môn học phù hợp với môn học hiện tại của trường, đại diện ban giám hiệu có gặp gỡ trao đổi và em T.K.N khẳng định muốn đi học ở môi trường mới nên nhà trường đã đồng ý tiếp nhận và hướng dẫn phụ huynh làm các thủ tục chuyển trường, nhập học cho con.
Trong ngày 9/4/2025, giáo viên chủ nhiệm đã liên hệ với phụ huynh của học sinh T.K.N qua zalo để trao đổi một số thông tin ban đầu. Đồng thời, nhà trường hướng dẫn phụ huynh chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập cần thiết, dặn dò phụ huynh đưa em đến văn phòng trường trước 07 giờ sáng hôm sau để được lớp trưởng và giáo viên chủ nhiệm đón lên lớp.
Giáo viên chủ nhiệm cũng thông tin với phụ huynh: sau khi em T.K.N đến lớp giáo viên sẽ gặp để trao đổi, nắm bắt tình hình học tập, đồng thời kiểm tra xem em có thiếu hụt nội dung môn học nào không để có phương án hỗ trợ, bổ sung kịp thời.
Theo phụ huynh cho biết, em T.K.N sau khi rút hồ sơ tại trường cũ đã nghỉ ở nhà thêm hai tuần và chỉ mới đồng ý đi học ở trường mới sau nhiều lần động viên, thuyết phục. Đến ngày 10/4/2025 em T.K.N chưa đến lớp với lý do chưa chuẩn bị kịp để nhập học.
Học sinh T.K.N bắt đầu đến lớp vào ngày 11/4/2025 và tiếp tục học tập vào hai ngày sau là 12/4 và 14/4/2025. Tuy nhiên, vào sáng ngày 15/4/2025, em T.K.N không đến lớp nữa. Lúc 07 giờ 03 phút ngày 15/4, giáo viên chủ nhiệm đã gọi điện cho phụ huynh để tìm hiểu tình hình. Phụ huynh cho biết học sinh không chịu đi học.
Theo báo cáo, tối cùng ngày (15/4/2025), giáo viên chủ nhiệm tiếp tục nhắn tin cho phụ huynh để hỏi thăm tình trạng của em, đồng thời nhờ phụ huynh tìm hiểu xem em có gặp khó khăn hay vấn đề gì trong quá trình học tập và sinh hoạt ở lớp để có cơ sở hỗ trợ, xử lý kịp thời.
Ngày 16/4/2025, em T.K.N vẫn tiếp tục không đến trường. Giáo viên chủ nhiệm tiếp tục liên hệ với phụ huynh để hỏi rõ nguyên nhân thì được mẹ học sinh phản hồi như sau: “Bạn nói không phải do trường mới mà là do bệnh phức tạp. Tối hôm kia khi mình rước về, dọc đường N. nói toàn những điều rất tích cực và hào hứng về lớp mới và tương lai mà ngủ một đêm dậy thì lại thay đổi hoàn toàn, trở nên tiêu cực khác hẳn”.
Ngày 17/4/2025, phụ huynh thông tin cho giáo viên chủ nhiệm như sau: “Hôm qua khi đưa em N. đi tái khám, bác sĩ có khuyến nghị rằng việc đi học cần được duy trì song song với quá trình điều trị, nếu chỉ ở nhà thì sẽ không mang lại kết quả”.
Giáo viên chủ nhiệm có hỏi khi ở nhà T.K.N sẽ làm gì thì mẹ em cho biết: “N. nói có sự ám ảnh gì không cụ thể, mình nghĩ bây giờ phải gặp chuyên gia tâm lý, mình đang thuyết phục theo hướng này. Ở nhà toàn nhắn tin với bạn, với xem mấy video tiếng Anh nên nó giỏi anh văn lắm, rồi chơi games nữa mới tai hại, kêu đi học cầu lông thì không đi”.
Thầy Nam cho biết thêm: “Do em T.K.N nghỉ học nhiều ngày liên tục, giáo viên chủ nhiệm đã báo cáo trường hợp này với ban giám hiệu. Sau khi xem xét, ban giám hiệu chỉ đạo tiếp tục quan tâm, theo dõi và cố gắng động viên em T.K.N trở lại trường học. Tuy nhiên, em T.K.N vẫn tiếp tục không chịu đi học trở lại”.
Ngày 28/4/2025, phụ huynh (ba của T.K.N) có gửi cho giáo viên chủ nhiệm một lá đơn với nội dung xin kiểm tra học kỳ II trong hè và muốn gặp hiệu trưởng. Ban giám hiệu đã phản hồi: “Nếu phụ huynh gặp để trao đổi và tìm hướng giải giải quyết cho em học và hoàn thành chương trình lớp 11 thì sẽ gặp, nhưng nếu gặp chỉ để xin giải quyết đơn xin kiểm tra vào hè thì không vì em này không tham gia học tập”, ngoài ra nếu học sinh T.K.N tiếp tục nghỉ học nữa sẽ vượt quá số buổi nghỉ theo quy định là 45 buổi thì sẽ không được lên lớp.
Ngày 29/4/2025, giáo viên chủ nhiệm có trao đổi với mẹ T.K.N qua điện thoại thì được biết: do phải đổi thuốc điều trị nặng hơn, em T.K.N chưa sẵn sàng đi học lại. Mẹ em cũng muốn em tập trung điều trị và sẽ học lại vào năm sau. Giáo viên chủ nhiệm đã hướng dẫn phụ huynh xuống văn phòng để bộ phận học vụ hướng dẫn hoàn tất việc rút hồ sơ.
Đến ngày 6/5/2025, phụ huynh báo đã đến trường rút hồ sơ. Tuy nhiên sau đó nhà trường có nhận được thông tin phụ huynh khiếu nại tới Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương và các cơ quan báo đài về việc nhà trường đuổi học, yêu cầu em T.K.N rút hồ sơ.
Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học không có quy định về bảo lưu kết quả học tập như phụ huynh yêu cầu.
Thầy Phạm Ngọc Nam tiếp tục khẳng định: “Tất cả việc giải quyết đều xuất phát từ mong muốn hỗ trợ của nhà trường đối với học sinh, nhà trường rất thiện chí khi tiếp nhận học sinh và đã cố gắng tạo điều kiện để học sinh có thể học tập tại trường nhưng không được.
Tôi cũng rất mong em T.K.N sớm tìm được môi trường học tập phù hợp, đồng thời chúc em sẽ có được sự ổn định và tiến bộ về sau”.
Về việc phụ huynh thắc mắc nhà trường nhận định gia đình thiếu thiện chí trong vụ việc, thầy Phạm Ngọc Nam cho rằng: “Trong khi nhà trường, cụ thể là giáo viên chủ nhiệm đã hỗ trợ hết sức nhưng học sinh vẫn không đi học, ba T.K.N khi sự việc không được như ý lại gửi đơn khiếu nại đến các phòng, sở, cơ quan báo đài.
Trong đơn khiếu nại, tôi có thấy phụ huynh cảm ơn nhà trường nhưng rõ ràng phụ huynh không nhìn thấy cả một quá trình nhà trường liên hệ, quan tâm, động viên bạn học sinh này”.
Bên cạnh đó, trong nội dung giải trình với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương, lãnh đạo Trường Trung - Tiểu học Pétrus Ký cũng nhận sai sót về việc giải quyết cho học sinh chuyển trường vào thời điểm không đúng theo quy định.