'Khát chữ' ở suối Rằm

04/04/2022 06:45
Thái Hồng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở khu vực suối Rằm, không có trường, trẻ con lớn lên thay vì ê a trong các lớp mầm non, Tiểu học, các em lại lăn lê với bùn đất trên những triền đồi.

Khu vực suối Rằm xã Cun Pheo (Mai Châu, Hòa Bình) là khu vực giáp ranh của 03 tỉnh (Hòa Bình, Sơn La và Thanh Hóa), có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cách trung tâm xóm khoảng 10km, giao thông đi lại khó khăn, đường dốc đá hiểm trở.

Theo lời ông Lò Minh Quân - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Cun Pheo (Mai Châu, Hòa Bình): “Khu vực suối Rằm đang có hơn 20 hộ di dân tự do chủ yếu họ di chuyển từ Sơn La, chỉ có một vài hộ là từ Yên Bái và Thanh Hóa xuống, cộng với hơn 31 hộ dân ở Hang Kia xuống khu vực suối Rằm sinh sống được nhiều năm.

Đến nay Uỷ Ban Nhân Dân xã Cun Pheo đang có chủ trương xây dựng khu tái định cư, để đưa các hộ dân di cư xuống. Tuy nhiên, cho đến nay khu tái định cư vẫn đang trong quá trình xây dựng nên chưa thể đón xuống được.

Hiện xã đang chờ chỉ đạo của tỉnh Hòa Bình và huyện Mai Châu làm các thủ tục nhập khẩu xuống xã Cun Pheo cho hộ dân di cư, để họ hưởng các chế độ chính sách nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, con cháu được học tập đầy đủ.

Đối với việc các hộ di dân trên khu vực suối Rằm không đồng ý xuống khu tái định cư, Uỷ ban Nhân dân xã Cun Pheo sẽ yêu cầu họ trở về địa phương cũ, vì các hộ dân di cư hiện đang không có tạm trú, tạm vắng, không có ai quản lý”.

Những người ở suối Rằm, chủ yếu di chuyển từ Bắc Yên, Sơn La xuống suối Rằm sinh sống.

Khi phóng viên hỏi vì sao không cho con đi học, một số người di dân ở đây cho biết: vì đất ở trên Sơn La không đủ để khai thác nên họ mới di chuyển xuống để khai hoang, chỗ này không có trường, có lớp dẫn đến việc học sinh trên này phần lớn không đi học.

Đường vào khu suối Rằm. Ảnh: TH

Đường vào khu suối Rằm. Ảnh: TH

Ông Mùa A Su (dân tộc Mông) chia sẻ “gia đình di chuyển từ Phịnh Ôn, Bắc Yên, Sơn La xuống Suối Rằm từ năm 2015, vì trên kia đất canh tác ít, Đất dốc cao, canh tác khoảng 20 năm sẽ bị xói mòn nên mới di chuyển xuống suối Rằm.

Mấy năm nay Ủy ban nhân dân huyện Mai Châu cũng vận động xây khu tập thể để chuyển mọi người xuống ở, tạo điều kiện thuận tiện hơn cho việc đi học của các cháu, nhưng xuống chỉ cho chỗ ở, còn đất làm ăn không có, nên không ai đồng ý xuống.

Nếu bây giờ muốn người Mông xuống khu tái định cư, phải chia đất để cho họ canh tác còn không thì, họ thà ở lại, con cháu không được đi học còn hơn là xuống đi làm thuê, họ không muốn đi làm thuê cả đời đâu”.

Gia đình ông Mùa A Su chuyển từ Phịnh Ôn, Bắc Yên, Sơn La xuống khu vực suối Rằm. Ảnh: Thái Hồng

Gia đình ông Mùa A Su chuyển từ Phịnh Ôn, Bắc Yên, Sơn La xuống khu vực suối Rằm. Ảnh: Thái Hồng

Khu vực này những người di cư tự lập thành thôn, bản nên mọi ý kiến đều được thống nhất, đồng tình với nhau, chính vì vậy khi hỏi có muốn xuống khu tái định cư để thuận tiện cho con cái đi học không, họ đều thống nhất là nếu không có đất làm nương sẽ không xuống.

Cũng do cách xa trung tâm xã, đường đi lại khó khăn, toàn dốc, đá cao chênh vênh, đường lên hoàn toàn là bùn, đất, tiền xăng xe không đủ để đưa đi học, cũng một phần là đang học dở ở trường cũ đến lúc di dân thì cũng thôi không đi học nữa.

Chính vì thế dẫn đến việc hầu hết (khoảng 90%) trẻ em trên khu vực suối Rằm không được đi học...

Đi dọc đường chúng tôi gặp một số trẻ em đang độ tuổi đi học, đang nghịch đất, tự chơi với nhau ở đường, để bố, mẹ đi làm nương làm rẫy.

Khi được hỏi có muốn đi học không, các em đều ngơ ngác vì nhiều đứa không biết cái "đi học" là gì. Thậm chí, với những trẻ lớn, khi được hỏi tuổi, chúng cũng chẳng biết mình bao nhiêu tuổi.

Do không đi học, nhiều trường hợp ở suối Rằm khi mang đồ xuống dưới trung tâm xã bán, họ không biết tính tiền.

Những đứa trẻ thay vì đến lớp chơi những đồ chơi con trẻ, chúng chơi với đất, đá ven đường. Ảnh: Thái Hồng

Những đứa trẻ thay vì đến lớp chơi những đồ chơi con trẻ, chúng chơi với đất, đá ven đường. Ảnh: Thái Hồng

Theo ông Mùa A Su cho biết, trước đây, cũng có một số đoàn tình nguyện lên quyên góp sách, vở trẻ em trên này do không được đi học nên mang lên nương xé hoặc nhóm củi.

Hỏi về mong muốn cho con đi học, nhiều người dân cho biết, bản thân họ cũng mong muốn được cho con, em mình đi học.

Tuy nhiên do đường từ khu vực suối Rằm xuống xã Cun Pheo đi lại khó khăn, trời mưa thì hoàn toàn bị cô lập, bởi đường toàn bùn đất, dốc cao, có nhiều khúc cua khó đi.

Cũng theo ông Su, trước kia họ cũng muốn di chuyển xuống khu tái định cư để thuận tiện hơn cho việc đi học, nhưng do trình độ văn hóa kém, chỉ biết lên nương làm rẫy, xuống khu tái định cư cũng không biết làm gì để sinh sống, nên họ chọn ở lại mặc kệ dù con cháu có được đi học hay không.

Ông Khà A Sò (người dân tộc Mông) di chuyển từ xã Hang Kia,(huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) xuống suối Rằm sinh sống cho biết: “một số hộ dân, họ đều có mong muốn rằng nhà nước tạo điểm trường lên khu vực này, họ muốn cũng muốn con em mình được đi học, nhưng phải cho thầy, cô giáo lên khu vực này dạy học, họ chỉ cần dạy họ học để biết tính toán làm ăn.

Dân ở đây chỉ cần cho học đến hết cấp 1, hoặc hết cấp 2 thôi là được rồi, không mong muốn gì nhiều.

Nếu nhà nước cho thầy, cô giáo lên đây dạy học, người dân nơi đây sẵn sàng đi xẻ gỗ để xây dựng lớp học.

Còn nếu không vào đây dạy học thì họ cũng không xuống dưới khu tái định cư để ở, họ thà không được đi học còn hơn không có gì để ăn”.

Ông Khà A Sò và cháu trai đã đến tuổi đi học nhưng thay vì đến trường, bé phải ở nhà với ông. Ảnh: Thái Hồng

Ông Khà A Sò và cháu trai đã đến tuổi đi học nhưng thay vì đến trường, bé phải ở nhà với ông. Ảnh: Thái Hồng

Theo những người lớn tuổi ở khu vực suối Rằm cho biết, trẻ em trên khu vực ở độ tuổi 14-16 tuổi hầu hết đều chưa được tiếp cận với trường học, nên có một số còn không biết tiếng phổ thông, con gái thì tảo hôn sớm do văn hóa nơi đây, cũng một phần do không đi học nên việc lấy chồng sinh con trên này rất sớm.

Trẻ em ở độ tuổi mầm non ở suối Rằm chỉ biết tự chơi với nhau hoặc theo bố mẹ đi nương, dù ý thức được cho con trẻ đi học, nhưng những người di cư ở đây họ vẫn giữ quan điểm một là cho giáo viên lên dạy, hai là nếu xuống dưới khu tái định cư, phải được chia đất làm ăn. Nếu không, họ lại tiếp tục cuộc sống lang bạt.

Khu vực suối Rằm không được quy hoạch khu dân cư, không được đầu tư hạ tầng kỹ thuật (điện, đường, trường, trạm..), phần lớn diện tích các hộ hiện đang xâm canh, xâm cư đã được Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho doanh nghiệp quản lý, đầu tư để trồng rừng phòng hộ, kết hợp kinh tế, tạo vùng nguyên liệu tập trung.

Nói về việc học của trẻ em trong độ tuổi đi học ở khu vực suối Rằm, ông Lò Minh Quân - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân xã Cun Pheo cũng cho biết thêm:

“Xã Cun Pheo cũng đã nhiều lần lên vận động các hộ dân di cư xuống học tập. Phụ huynh nghe nói cho con đi học cũng rất nhiệt tình và bày tỏ mong muốn cho con em họ đi học. Tuy nhiên, mối quan tâm chính của họ hiện nay vẫn là việc có cái gì để ăn hay không chứ việc học cho con họ vẫn coi là thứ yếu."

Khi được hỏi về tình trạng "trắng trường, trắng lớp" ở khu vực suối Rằm, ông Vũ Đức Hạnh - Trưởng phòng giáo dục huyện Mai Châu cho biết:

"Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã biết được tình trạng trẻ em ở khu vực suối Rằm ít được đến lớp.

Phòng Giáo dục huyện cho rằng đi học là quyền của trẻ em, trên này không nhất thiết là có hộ khẩu mới được đi học, nếu học sinh có mong muốn đi học, các trường sẽ sẵn sàng đón các em xuống học.

Bà con trên khu vực suối Rằm mong muốn được điểm trường, nhưng vì chưa có kinh phí nên chưa xây điểm trường trên khu vực suối Rằm được, hơn nữa muốn có điểm trường thì khu vực suối Rằm phải trở thành điểm dân cư chính thức.

Theo chúng tôi được biết, khu vực suối Rằm là điểm di dân mới, tỉnh cũng đang có định hướng muốn khu vực Suối Rằm trở thành điểm dân cư chính thức, tuy nhiên đây mới chỉ là dự định".

Ghi nhận của phóng viên trong buổi sáng mà lẽ ra chỗ của các em học sinh đang ở trường học:

Trẻ em ở khu vực suối Rằm không được đi học, không biết mình bao nhiêu tuổi và cũng không nói được tiếng phổ thông. Ảnh: TH
Trẻ em ở khu vực suối Rằm không được đi học, không biết mình bao nhiêu tuổi và cũng không nói được tiếng phổ thông. Ảnh: TH
Đi học là gì các em cũng chẳng biết. Ảnh: TH
Đi học là gì các em cũng chẳng biết. Ảnh: TH
Thay vì đến trường, các em nghịch với đất.
Thay vì đến trường, các em nghịch với đất.
Dân cũng muốn cho con đến trường nhưng cái quan trọng là có gì mà ăn hay không mới quan trọng.
Dân cũng muốn cho con đến trường nhưng cái quan trọng là có gì mà ăn hay không mới quan trọng.
Đi học là gì thế?
Đi học là gì thế?
Thái Hồng