Không có chứng chỉ hạng II, giáo viên hạng I có bị "đánh tụt" xuống hạng III?

06/11/2021 07:09
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới để được bổ nhiệm hạng II mới bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Một trong nhiều thắc mắc việc chuyển xếp hạng giáo viên theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT về bổ nhiệm xếp lương giáo viên trung học cơ sở là giáo viên hạng I cũ hiện nay nếu thiếu tiêu chuẩn giáo viên hạng I mới (có thể là bằng thạc sĩ hoặc thiếu tiêu chuẩn khác) thì có thể chuyển xuống hạng II mới, tuy nhiên giáo viên trên có thể không có chứng chỉ hạng II hoặc thiếu tiêu chuẩn khác của giáo viên hạng II mới thì liệu họ có bị chuyển xếp xuống 2 bậc từ hạng I cũ xuống hạng III mới hay không?

Trong bài viết này, tôi xin được phân tích các quy định hiện hành, ngõ hầu góp tiếng nói cùng trao đổi làm rõ vấn đề được nhiều bạn đồng nghiệp trong hoàn cảnh trên quan tâm.

Giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ nếu thiếu tiêu chuẩn hạng I mới thì được bổ nhiệm hạng II mới

Xin được trích lược các tiêu chuẩn giáo viên hạng I mới theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT thì về tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở có một số tiêu chuẩn mà giáo viên thường bị vướng mắc như sau:

Ở mục 1. Nhiệm vụ: Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải thực hiện những nhiệm vụ sau:

“a) Tham gia biên soạn hoặc thẩm định hoặc lựa chọn sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương hoặc các tài liệu dạy học khác và tài liệu bồi dưỡng cho giáo viên;…”

Ở mục 3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng

“a) Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên;….”

Tại mục 2 - Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở Thông tư 03 trên có quy định: “…giáo viên trung học cơ sở hạng I (mã số V.07.04.10) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 5 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31).”

Do đó, tại Thông tư 03 này quy định giáo viên trung học cơ sở đang giữ hạng I cũ theo Thông tư 23/2015/TTLT-BNV-BGDĐT nếu không đạt tiêu chuẩn hạng I mới theo Thông tư 03 thì được bổ nhiệm hạng II mới có hệ số lương 4,0 - 6,38 tức là tương đương hệ số lương đang nhận.

Ảnh minh họa: Lã Tiến
Ảnh minh họa: Lã Tiến

Giáo viên hạng I không có chứng chỉ hạng II có bị xếp hạng III mới không?

Trong số những giáo viên hạng I cũ hiện nay thì có những giáo viên được chuyển ở năm 2015 và cũng có những giáo viên mới chuyển sau này do thi hoặc xét thăng hạng do các địa phương tổ chức ở các năm gần đây.

Trong số này hầu hết đã có chứng chỉ giáo viên trung học cơ sở hạng I.

Giáo viên hạng I cũ trên không đủ tiêu chuẩn hạng I mới thì quy định bổ nhiệm hạng II mới tuy nhiên tiếp tục có trường hợp giáo viên trên không đảm bảo cả tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới thì việc xếp lương mới ở hạng nào?

Trong tiêu chuẩn hạng II mới ở mục 3. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng thì lại có quy định phải đảm bảo:

“a) Có bằng cử nhân trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học cơ sở.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho giáo viên trung học cơ sở theo chương trình do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

b) Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.”

Tức là theo đúng quy định trên thì ở tiêu chuẩn giáo viên hạng II mới để được bổ nhiệm hạng II mới bắt buộc phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Do tại mục 1- Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở

“1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên trung học cơ sở quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt các tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.”

Do đó ở nguyên tắc bổ nhiệm là phải đảm bảo các tiêu chuẩn, mà trong tiêu chuẩn là phải có Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II.

Mặc dù đã là giáo viên hạng I cũ, có chứng chỉ hạng I tuy nhiên nếu không có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng II thì cũng khó bổ nhiệm giáo viên hạng II mới. Nên một số địa phương xếp họ vào giáo viên trung học cơ sở hạng III mới.

Đây cũng là một bất cập nữa trong việc xếp hạng giáo viên làm khó cho các địa phương, tại quy định về bổ nhiệm thì chỉ quy định giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ không đạt các tiêu chuẩn hạng I mới thì được bổ nhiệm hạng II mới mà không có quy định nào chuyển giáo viên từ hạng I cũ xuống hạng III mới.

Các địa phương cũng khó khăn, chuyển qua hạng II mới thì không đảm bảo tiêu chuẩn, chuyển qua hạng III mới thì lại không có quy định, hướng dẫn,…

Ngày 18/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Ở mục chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức đã không còn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp hạng I, II, III,… mà thay bằng chứng chỉ duy nhất là chứng chỉ chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành.

Tuy nhiên đến ngày 10/12 thì mới Nghị định trên mới có hiệu lực trong khi đó các địa phương đang hoàn thiện phương án chuyển xếp lương vẫn có địa phương vẫn yêu cầu giáo viên trung học cơ sở hạng I cũ, đã có chứng chỉ hạng I sang giáo viên hạng II vẫn phải có chứng chỉ hạng II nên rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể điều này, tránh gây thiệt thòi cho giáo viên.

Giáo viên hạng I cũ đã có chứng chỉ hạng I, không đủ điều kiện hạng I mới thì được bổ nhiệm hạng II mới mà yêu cầu có thêm chứng chỉ hạng II khi đã là giáo viên hạng I là bất cập, trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn, có yêu cầu giáo viên trên phải bổ sung chứng chỉ hạng II, còn chứng chỉ hạng I được bảo lưu sau này khi thăng hạng I mới.

Nhưng đã nói ở trên, do Nghị định 89 mới do Chính phủ đã ban hành đã không còn chứng chỉ hạng I, II,… nên xin Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn mới trong khi chờ Nghị định mới có hiệu lực, để tránh tình trạng các địa phương yêu cầu giáo viên phải học và bổ sung thêm các chứng chỉ tốn thời gian, kinh phí rồi sau khi Nghị định 89 mới có hiệu lực thì không còn tác dụng.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM