Không có con học trong trường cha vẫn làm Ban đại diện cha mẹ học sinh?

28/09/2018 10:28
Đăng Bình
(GDVN) - Có không ít trường học ở cả ba cấp đã và đang tồn tại câu chuyện khá nực cười, không có con em học trong trường nhưng cha, mẹ vẫn làm trưởng Hội phụ huynh

LTS: Từ câu chuyện kể của một người bạn về việc không có con học trong trường nhưng vẫn làm Ban đại diện cha mẹ học sinh do hiệu trưởng tín nhiệm, tác giả Đăng Bình đã có bài viết chia sẻ về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hội phụ huynh học sinh nay gọi là Ban đại diện cha mẹ học sinh là một hội, ban, tập hợp một nhóm thành viên của những bậc cha mẹ có con em đang theo học tại các trường học ở bậc tiểu học, trung học, phổ thông.

Hội phụ huynh học sinh trong các nhà trường phổ thông được lập ra với mục đích là cầu nối giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để giải quyết các vấn đề ngoài quyền hạn của nhà trường.

Hội phụ huynh được thành lập thông qua việc nhà trường phải tổ chức đại hội hội phụ huynh, bầu đại diện một cách công khai và dân chủ, sau đó đại diện được bầu mới hoạt động, triển khai các chính sách.

Từ những quy định trên, người được bầu vào Hội phụ huynh nhất định phải là người có con em hiện đang học tập tại chính ngôi trường ấy.

Không có con học trong trường cha vẫn làm Ban đại diện cha mẹ học sinh? ảnh 1Hiệu trưởng nào thì Ban đại diện phụ huynh đấy

Thế nhưng hiện nay không ít trường học ở cả ba cấp đã và đang tồn tại câu chuyện khá nực cười, không có con em học trong trường nhưng cha, mẹ vẫn làm trưởng Hội phụ huynh của nhà trường.

Nhận được cuộc điện thoại của một người bạn, trong câu chuyện hàn huyên, bạn cho biết mình đang làm hội trưởng Hội phụ huynh của một trường học hàng chục năm. Nhưng năm nay, “nhất quyết xin nghỉ mà hiệu trưởng năn nỉ mãi, nể lại phải nhận lời”.

Tôi biết con cái bạn đã vào đại học từ lâu nhưng bạn vẫn làm hội trưởng Hội phụ huynh cũng chẳng có gì lạ. Người ngoài biết chuyện có thể bất ngờ và thắc mắc.

Nhưng, người trong ngành chúng tôi thấy đó là “chuyện thường ngày ở huyện” nơi nào mà chẳng có. Chuyện tưởng vô lý nhưng nhiều trường áp dụng nên cũng trở thành có lý lâu rồi”.

Người của mình dễ làm việc

Vị hội trưởng Hội phụ huynh một trường học mà tôi biết vốn có con học tại trường. Nhiều năm nay, con của họ đã vào đại học lẽ ra phải thay người nhưng hiệu trưởng nhà trường vẫn không đồng ý với lý do “đã quá hiểu nhau nên dễ làm việc”.

Chúng tôi thì hiểu đó là kiểu dễ “bắt tay” thỏa hiệp với chính hiệu trưởng. Vì, để chọn được một vị đại diện cho phụ huynh mà đứng hẳn về phía nhà trường cũng chẳng dễ dàng gì.

Có người đã “nhắm”, đã “nuôi” từ bao năm. Ví như hiệu trưởng bậc trung học phổ thông đã để ý hội trưởng cho mình từ khi họ đang làm ở cấp tiểu học.

Nên khi chọn được rồi, những lãnh đạo này phải tìm mọi cách để giữ chân dù con cháu họ đã ra trường đến vài năm trước đó.

Do “hiểu nhau” nên những chủ trương về thu chi, về việc học của nhà trường, hay đúng hơn là của hiệu trưởng đều được thông qua một cách nhanh chóng.

Không chỉ thế, họ còn đóng vai trò là một tuyên truyền viên đến các lớp đang họp phụ huynh để làm công tác tư tưởng, rồi thuyết phục phụ huynh đồng ý.  

Không có con học trong trường cha vẫn làm Ban đại diện cha mẹ học sinh? (Ảnh minh họa: tienphong.vn).
Không có con học trong trường cha vẫn làm Ban đại diện cha mẹ học sinh? (Ảnh minh họa: tienphong.vn).

Năm trước, chính ngôi trường ấy gặp phải đơn khiếu nại của học sinh về việc không đồng ý học thêm tại trường.

Vị hội trưởng đã đứng ra nói rằng “đây chính là nguyện vọng của đa số phụ huynh. Người không đồng ý chỉ là thiểu số. Chúng tôi lấy đa số phải phục tùng thiểu số. Vì thế, tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường tuyệt đối không phải do nhà trường ép buộc”.

Có được một “hậu thuẫn” vững chắc như thế, bảo sao các hiệu trưởng không thể can tâm từ bỏ?

Cách nào dẹp chuyện nghịch lý trên?

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư 16 hạn chế quyền hạn của Hội phụ huynh trong việc thu chi tại trường, thế nhưng vai trò của Hội phụ huynh trong nhà trường vẫn còn rất lớn.

Đó là việc tổ chức dạy thêm học thêm, về việc dạy phụ đạo, dạy bồi dưỡng, về tổ chức ôn thi tốt nghiệp… nếu hội trưởng không đồng ý sẽ chẳng thể thông qua.

Hội trưởng hội phụ huynh, chuyện chưa kể bao giờ

Nhưng với danh nghĩa hội trưởng, họ đại diện cho tất cả phụ huynh (dù có phụ huynh không đồng ý) vẫn được thông qua một cách hợp lệ.

Ngăn chặn tình trạng này chỉ chính phụ huynh mới làm được. Hàng năm, nhà trường đều tổ chức họp phụ huynh học sinh. Bầu mới Ban đại diện để bổ sung cho những người cũ xin nghỉ.

Chính phụ huynh cần cương quyết yêu cầu nhà trường phải thay những hội trưởng không vì quyền lợi của đa số phụ huynh, những hội trưởng không có con cháu học tại trường. Và tiến cử những người chính trực, ngay thẳng vào vị trí ấy.

Sự đồng lòng của phụ huynh chắc chắn dù muốn nhà trường cũng không thể làm khác.

Đăng Bình