LTS: Câu chuyện lạm thu đầu năm học đang khiến nhiều phụ huynh rất bức xúc. Trong bài viết này, cô giáo Phan Tuyết bàn về vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Mới vào năm học được 2 tuần mà đã có khá nhiều trường học vướng vào lạm thu. Có lẽ điển hình nhất phải kể đến Trường Tiểu học Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Thành phố Hà Nội) với 18 khoản thu trong đó rất nhiều khoản vô lý.
Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm lớn nhất thuộc về các cấp chính quyền địa phương thiếu sự kiểm tra giám sát thường xuyên.
Bên cạnh đó, vai trò của Ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường cũng làm nhiều người đặt câu hỏi “vì sao họ làm thinh trước sự việc này? Về nguyên tắc, Ban đại diện không đồng ý thì mọi khoản thu trong trường không thể tiến hành. Phải chăng chính ban này đã bị Hiệu trưởng nhà trường vô hiệu hóa?”.
Vấn đề lạm thu đang gây bức xúc dư luận xã hội. Ảnh minh họa: Laodong.vn |
Đủ chiêu kéo làm "đồng minh"
Ban đại diện cha mẹ học sinh được ra đời trên cơ sở bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp cho tất cả phụ huynh trong nhà trường.
Thế nhưng trong thực tế, phần nhiều Ban đại diện cha mẹ học sinh lại trở thành "cánh tay nối dài" cho Hiệu trưởng. Họ gần như chỉ làm công tác vận động phụ huynh nhà trường đóng góp càng nhiều tiền càng tốt.
Không ít người thắc mắc "vì sao Ban đại diện lại thay đổi vai trò, lại cúc cung tận tụy phục vụ Hiệu trưởng như thế?"
Nhiều Hiệu trưởng hiện nay, đã trổ chiêu lấy lòng và “khống chế” Ban đại diện cha mẹ học sinh. Nói là khống chế bởi họ thả cho ít quyền lợi và “há miệng mắc quai” nên cũng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Trong một lần kiểm tra quỹ hội phụ huynh một trường trung học phổ thông, Ban thanh tra bất ngờ vì số tiền nhà trường chi đổ xăng đi lại cho Ban đại diện cha mẹ học sinh lên đến 11 triệu đồng/năm học.
Nếu không có sự bao che sao hiệu trưởng dám liều mình đến thế? |
Có Hiệu trưởng dành hẳn một số suất trái tuyến cho con cháu các vị này.
Người lại giúp đỡ bằng cách tạo thêm công ăn việc làm như việc sửa chữa nhỏ trong trường, bàn ghế, tủ, điện, quét vôi ve…
Hiệu trưởng nam thì Ban đại diện mà chủ yếu là hai vị trưởng và phó ban cũng thường được tham gia các tiệc nhậu.
Đôi khi mọi công việc thu chi đều được bàn trực tiếp ngay trên các bàn nhậu.
Hàng năm vào các dịp lễ, Tết nhà trường cũng đặc biệt dành những phần quà để tặng. Rồi họ thường xuyên trở thành những vị khách mời danh dự trong những cuộc liên hoan, du lịch của nhà trường.
Mối quan hệ giữa Ban đại diện cha mẹ học sinh với Hiệu trưởng càng khăng khít thì chuyện lạm thu của trường càng dễ xảy ra.
Cách nào để Ban đại diện cha mẹ học sinh phát huy vai trò?
Công bằng mà nói, hầu như phụ huynh học sinh chẳng mặn mà gì với vai trò này. Nhiều người được cử cứ lấy hết lý do này đến lý do khác thoái thác.
Thế nên có người miễn cưỡng làm cũng chỉ nhận cho có. Họ thường chẳng có ý kiến gì kiểu “ai sao mình vậy”.
Vụ 18 khoản thu cao ngất ở trường Sơn Đồng, Sở sốt sắng, Phòng thờ ơ |
Riêng Ban đại diện cha mẹ học sinh trường phần nhiều do Hiệu trưởng “nhắm sẵn” và chọn ra từ cấp học dưới.
Tiêu chuẩn để chọn là người "có tiếng nói" ngoài xã hội nhưng phải hiền, không có tính phản kháng.
Vì những lý do trên, gần như những ý muốn của Hiệu trưởng đều được thống nhất và thông qua.
Nay, muốn ban đại diện làm đúng chức năng thực sự là tổ chức bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho tất cả phụ huynh học sinh. Thì những phụ huynh có tiếng nói, thẳng thắn, công tâm nên tự mình ứng cử vào vai trò đó.
Hoặc khi ai đó được phụ huynh tín nhiệm bầu cử cũng nên dành nhiệt huyết để làm tròn trách nhiệm. Tuyệt đối không làm cho có, không buông xuôi hoặc cả nể.
Có thế mới khống chế được những khoản thu và chi hết sức vô lý của một số Hiệu trưởng “giàu lòng tham” nhưng khiếm khuyết lòng nhân ái.