Không đăng ký thi đua sẽ không phải viết sáng kiến kinh nghiệm

08/01/2022 06:34
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sáng kiến đạt giải sẽ liên quan đến việc đánh giá năng lực, tiền thưởng, danh hiệu. Vì thế, ai sao chép, mua bán sáng kiến cần lên án thói giả dối, hư danh.

Đã qua cái thời năm nào mỗi giáo viên cũng phải viết một cái sáng kiến kinh nghiệm. Viết đến nỗi nhiều thầy cô giáo chỉ nghe từ “sáng kiến” đã thấy áp lực, mệt mỏi.

Nhưng dù thế, cũng chỉ vài ba ngày, thậm chí chỉ một đêm có giáo viên cũng kịp cho ra lò (mà chúng tôi hay nói vui là “đẻ” ra) một “sáng kiến” bằng việc sao chép, cóp nhặt trên mạng hay có người đặt mua cho đỡ nhọc công chỉnh sửa, và các thầy cô ưu ái gọi nó bằng cái tên “sáng kiến kinh ngạc”.

Muốn đạt các danh hiệu thi đua mà mua bán, sao chép sáng kiến thì cần lên án thói giả dối, hư danh (Ảnh: Ánh Dương)

Muốn đạt các danh hiệu thi đua mà mua bán, sao chép sáng kiến thì cần lên án thói giả dối, hư danh (Ảnh: Ánh Dương)

Trường ít giáo viên còn đỡ, trường năm bảy chục, thậm chí hàng trăm thầy cô giáo thì chỉ vài năm tủ lưu hồ sơ sáng kiến đã không còn chỗ chứa.

Và thế là, số phận những cái sáng kiến gọi là kinh ngạc kia lại chạy ra hàng buôn ve chai đồng nát để nhường chỗ cho những sáng kiến mới tiếp tục ra lò sau đó.

Nhiều quy định buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm đã bị bãi bỏ

Theo Nghị định số: 02/VBHN-BNV hợp nhất Nghị định 56 và Nghị định 88/NĐCP về đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức thì tiêu chuẩn cán bộ, công chức để đánh giá loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đều phải:

“Có sáng kiến, giải pháp cụ thể được áp dụng, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan, tổ chức hoặc của ngành, lĩnh vực được giao phụ trách và được cấp có thẩm quyền công nhận.”

Tuy nhiên, ngày 13/8/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020.

Trong đó có nội dung nổi bật là quy định đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không còn yêu cầu có sáng kiến kinh nghiệm như ở các văn bản trước đây.

Điều lệ về Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi trước đây cũng buộc giáo viên tham gia thi phải trải qua vòng thi đầu tiên là nộp sáng kiến kinh nghiệm.

Trong khi đó, Hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp trường thì năm nào cũng tổ chức, đồng nghĩa với việc năm nào giáo viên cũng phải có từ 1 đến 2 cái sáng kiến (nếu đề tài viết sáng kiến thi giáo viên dạy giỏi trùng với công tác chủ nhiệm thì giáo viên chỉ cần 1 cái sáng kiến, nếu không trùng bắt buộc giáo viên chủ nhiệm phải có 2 cái sáng kiến).

Thế nhưng, theo điều lệ về Hội thi giáo viên dạy giỏi mới ban hành năm 2020 thì giáo viên dự thi giáo viên giỏi (dạy giỏi, chủ nhiệm giỏi) không còn phải nộp sáng kiến kinh nghiệm nữa.

Điều này đã giải tỏa biết bao áp lực cho nhà giáo vì hàng năm không còn phải lo lắng buộc phải có ít nhất một sáng kiến kinh nghiệm.

Muốn được bằng khen, muốn đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua phải có sáng kiến

Tại khoản 3, Điều 9, Nghị định số 91/2017/NĐ-CP quy định danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” được xét tặng hàng năm cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau:

a) Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

sáng kiến để tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả công tác được cơ sở công nhận hoặc có đề tài nghiên cứu khoa học đã nghiệm thu được áp dụng tại cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được đơn vị công nhận.

Viên chức muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh/thành phố thì phải có 2 năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Hoặc để được khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì viên chức phải được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” liên tục từ 5 năm trở lên.

Như vậy, viên chức muốn đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua thành phố hay nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì bắt buộc phải có sáng kiến – thực hiện qua hàng năm.

Việc quy định, muốn đạt các danh hiệu thi đua như Chiến sĩ thi đua các cấp, bằng khen của Chính phủ yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến kinh nghiệm là hoàn toàn phù hợp.

Bởi, những danh hiệu này khi đạt được giáo viên không chỉ nâng cao danh tiếng còn được nhận tiền thưởng, được ưu tiên khi xét thăng hạng, có người còn được đưa vào nguồn để thăng tiến sau này.

Vì thế, không còn là bắt buộc phải viết sáng kiến tràn lan như trước đây để giáo viên lấy lý do sao chép, mua bán nộp cho đủ yêu cầu mà liên quan đến thi đua, đến việc đánh giá năng lực, đến tiền thưởng và danh hiệu về sau. Bởi thế, việc sao chép, mua bán sáng kiến cần lên án thói giả dối, hư danh.

Lần đầu tiên, 4 giáo viên ở Phan Rang- Tháp Chàm bị công khai tên vì sao chép sáng kiến kinh nghiệm.

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh có công văn số 3463/SGDĐT-VP gửi các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn xét công nhận sáng kiến và đề xuất công nhận phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến, đề tài khoa học phục vụ công tác thi đua, khen thưởng ngành giáo dục và đào tạo.

Theo đó, những quy định về một sáng kiến kinh nghiệm khá chặt chẽ:

- Không trùng nội dung của giải pháp trong đăng ký sáng kiến nộp trước;

- Chưa công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được;

- Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến;

Kiểm tra những điều quy định này khá dễ dàng, chỉ cần gõ nhẹ lên google là sẽ ra ngay những yêu cầu cần tìm.

Nếu các địa phương cũng thực hiện đúng những quy định này, chắc chắn ngành giáo dục sẽ có những sáng kiến kinh nghiệm thực chất. Và, chợ sáng kiến không cần phải dẹp cũng tự động tan rã.

Chúng tôi cho rằng, việc Bộ Giáo dục bỏ một số quy định viết sáng kiến kinh nghiệm như trước đây đã giảm nhiều áp lực cho giáo viên, đã xóa dần thói hư danh, thành tích ảo để hướng tới một nền giáo dục thực chất hơn.

Những thầy cô giáo thật sự có năng lực, có sáng kiến thật sự cải tiến chất lượng dạy học thì tình nguyện đăng ký thi đua. Những sáng kiến được viết bằng chính kinh nghiệm giảng dạy của mình cũng sẽ rất hữu ích để nhiều thầy cô giáo tham khảo, học tập.

Vấn đề còn lại là từng địa phương sẽ có cách làm hiệu quả để ngăn chặn nạn sáng kiến giả, để người đạt giải sáng kiến cũng như được công nhận các danh hiệu thi đua hoàn toàn xứng đáng.

Tài liệu tham khảo:

thuvienphapluat.vn/van-ban/bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-91-2017-ND-CP-huong-dan-Luat-thi-dua-khen-thuong-315685.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết