Không học đơn môn Lý, Hóa, Sinh bậc THCS, HS vào lớp 10 chuyên có vướng mắc?

04/09/2023 06:43
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Học môn tích hợp ở THCS, các em cũng khó có kiến thức chuyên sâu để có thể thi vào các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ở THPT.

Đến giai đoạn hiện nay đã đến năm thứ ba triển khai chương trình tích hợp bậc trung học cơ sở gặp vô số vướng mắc, bất cập từ việc phân công thời khóa biểu, phân công giáo viên dạy, mạch nội dung kiến thức, kiểm tra đánh giá, thiết kế sách giáo khoa,…

Tuy nhiên, không chỉ có vướng mắc trong quá trình thực hiện ở bậc trung học cơ sở mà khi lên đến bậc trung học phổ thông cũng sẽ có nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Học sinh bậc trung học cơ sở không học đơn môn Lý, Hóa, Sinh, Lịch sử, Địa lý

Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc trung học cơ sở xuất hiện 2 môn mới đó chính là Khoa học tự nhiên (tích hợp Vật lý, Hóa học, Sinh học), môn Lịch sử và Địa lý (tích hợp Lịch sử, Địa lý).

Nội dung môn Khoa học tự nhiên ở bậc trung học cơ sở được xây dựng dựa trên sự kết hợp các chủ đề khoa học: Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.

Môn học Lịch sử và Địa lý gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,... Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, môn học có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,...

Như vậy, môn Lịch sử và Địa lý vẫn còn có nội dung của phân môn Lịch sử, Địa lý và kiến thức liên môn.

Tuy nhiên, đối với môn Khoa học tự nhiên đã không còn khái niệm về các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà giáo viên và học sinh chỉ còn học các chủ đề Chất và sự biến đổi của chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.

Trong quá trình tập huấn chương trình, sách giáo khoa hay các buổi tập huấn chứng chỉ môn Khoa học tự nhiên các báo cáo viên, giảng viên cũng nêu giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên phải quên đi các môn học Vật lý, Hóa học, Sinh học, phải hướng đến các chủ đề trên, cũng phải dạy học sinh không còn khái niệm về các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học trong chương trình trung học cơ sở.

Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đến thời điểm này được yêu cầu phải dạy theo logic tuyến tính, dạy tuần tự các chủ đề, không được chia thành các đơn môn như trước đây. Nếu chưa có giáo viên “tích hợp” thì 2,3 giáo viên cùng dạy một môn nhưng đều hướng đến 1 giáo viên dạy được cả môn tích hợp.

Học tích hợp ở bậc trung học cơ sở đến bậc trung học phổ thông học đơn môn, học sinh có vướng?

Học sinh bậc trung học cơ sở chỉ học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý không học các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là học sinh sang lớp 10 và suốt bậc trung học phổ thông sẽ có thể phải học các môn trên. Dưới đây là một số vướng mắc khi thực hiện ở bậc trung học phổ thông:

Thứ nhất, không có cơ sở để chọn môn lựa chọn ở trung học phổ thông

Đối với môn lựa chọn ở bậc trung học phổ thông, học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật.

Học sinh từ 6 đến lớp 9 chỉ học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý không học các đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học,…nhưng đến lớp 10 học sinh dựa vào cơ sở nào để chọn các môn tự chọn ở bậc trung học phổ thông, rõ ràng điều này gây nhiều khó khăn cho học sinh.

Thứ hai, thi môn chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ở bậc trung học phổ thông ra sao?

Đây cũng là một câu hỏi khó, khó có lời giải khi học sinh ở bậc trung học cơ sở chỉ học môn tích hợp, liệu các em nếu muốn thi vào các lớp chuyên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ở bậc trung học phổ thông sẽ ra sao khi không học về các đơn môn trên suốt bậc trung học cơ sở.

Khi học môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở, các em cũng khó có kiến thức chuyên sâu để có thể thi vào các lớp chuyên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý ở bậc trung học phổ thông, điều này cũng phần nào thiệt thòi cho các em.

Bên cạnh đó, học sinh học các môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở nên việc bồi dưỡng và thi học sinh giỏi các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ở lớp 8, 9 cũng nhiều vướng mắc khi một giáo viên không thể bồi dưỡng học sinh giỏi cả 2,3 phân môn và nếu 2,3 giáo viên dạy 1 môn thì việc chi trả chế độ bồi dưỡng cũng nhiều khó khăn, cũng không đúng với định hướng chuyên sâu, phân hóa trong các kỳ thi học sinh giỏi.

Tóm lại, quá trình triển khai các môn tích hợp tại bậc trung học cơ sở đến trung học phổ thông và cả bậc đại học hiện nay còn bất cập, vướng mắc chưa có lời giải, mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có những thay đổi, điều chỉnh phù hợp để góp phần thực hiện thành công chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi