Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng ít cơ hội học sau đại học vì hiếm nơi đào tạo

13/08/2024 06:12
Lương Hiền
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang, cả nước hiện chỉ có 2 cơ sở giáo dục đào tạo ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng trình độ thạc sĩ.

Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng là ngành học nằm trong lĩnh vực khoa học sức khỏe và hệ thống dịch vụ y tế, đào tạo ra những kỹ thuật viên, chuyên gia y tế, chăm sóc sức khỏe cho người bệnh.

Hiện nay, phục hồi chức có vai trò lớn đối với cuộc sống xã hội. Phục hồi chức năng giúp cho người khuyết tật, người bệnh phục hồi khả năng tự chăm sóc, giao tiếp, vận động; ngăn ngừa các thương tật thứ cấp, tăng cường các khả năng còn lại để hạn chế hậu quả khuyết tật. Đồng thời, thay đổi thái độ, hành vi ứng xử của xã hội, chấp nhận người khuyết tật là thành viên bình đẳng của xã hội.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số cơ sở giáo dục đại học, cử nhân ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng hiện nay ít có cơ hội học lên cao. Nguyên nhân là do cả nước hiện chỉ có 2 cơ sở giáo dục đào tạo ngành này ở trình độ thạc sĩ, không có trường nào đào tạo ngành này ở trình độ tiến sĩ.

unnamed (11).png
Ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng có vai trò quan trọng thuộc nhóm ngành Sức khỏe. (Ảnh: Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam cung cấp)

Chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng ở các trường đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, trong những năm tuyển sinh gần đây ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng tại Trường Đại học Y tế công cộng thuộc nhóm các ngành có tỷ lệ cạnh tranh đầu vào cao.

Chuẩn đầu ra chương trình đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng của trường chú trọng kiến thức và kỹ năng lượng giá, lập kế hoạch và thực hiện các kỹ thuật can thiệp phục hồi chức năng cho người bệnh và người khuyết tật bao gồm các lĩnh vực vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu. Đồng thời sinh viên cũng được đào tạo các kỹ năng mềm như: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giao tiếp khi làm việc với người bệnh và cộng đồng.

Do chương trình hướng tới rèn luyện tay nghề cho sinh viên nên nhà trường chú trọng hoạt động thực hành, thực tế. Sinh viên được thực hành tại các phòng thực hành phục hồi chức năng tại trường với đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế. Sau đó, sinh viên được đi thực tập chuyên ngành khoảng 32 tuần chia làm nhiều đợt tại khoa phục hồi chức năng của nhiều bệnh viện uy tín như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108, Bệnh viện E…

Trong khi đó, Thạc sĩ Đỗ Minh Hải, giảng viên ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam cho biết: Kỹ thuật phục hồi chức năng là một lĩnh vực vô cùng rộng lớn bao gồm nhiều lĩnh vực/ngành học thành phần như: Vật lý trị liệu, Hoạt động trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Tâm lý trị liệu, Dụng cụ chỉnh hình chân tay giả...

Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản. Nhà trường đào tạo ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng lấy Vật lý trị liệu làm trọng tâm. Chương trình đào tạo được mang tới từ Nhật Bản có sự cập nhật thường xuyên theo từng năm giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có đủ điều kiện về kiến thức để dự thi chứng chỉ hành nghề tại Nhật Bản. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức chuyên môn sinh viên còn được học tiếng Nhật cũng như trải nghiệm văn hóa Nhật Bản, phong cách giáo dục Nhật Bản giúp các bạn có nhiều cơ hội sau khi ra trường.

unnamed (13).png
Thạc sĩ Đỗ Minh Hải (bên phải), giảng viên ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo

Chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình đào tạo ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang cho biết: Trong những năm qua, việc tuyển sinh và đào tạo ngành Kỹ thuật Phục hồi chức năng của trường có một số thuận lợi bởi sự đầu tư đồng bộ vào chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và cơ sở thực hành phục vụ giảng dạy. Nhà trường đã đầu tư hệ thống máy móc vật lý trị liệu phục vụ đào tạo tại các phòng học thực hành phục hồi chức năng của trường. Trường cũng xây dựng mạng lưới cơ sở thực hành với các bệnh viện lớn, có uy tín về cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng tại Hà Nội.

Nhiều sinh viên ra trường mong muốn có cơ hội phát triển sự nghiệp, học tiếp các chương trình đào tạo sau đại học về Kỹ thuật phục hồi chức năng. Tuy nhiên, hiện nước ta mới chỉ có 2 cơ sở đào tạo kỹ thuật phục hồi chức năng trình độ thạc sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh (Trường Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng). Còn ở miền Bắc và miền Trung chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo thạc sĩ ngành này.

Ngoài 2 cơ sở giáo dục đào tạo thạc sĩ hiện cũng chưa có cơ sở đào tạo nào cung cấp chương trình đào tạo Kỹ thuật phục hồi chức năng trình độ tiến sĩ nên cơ hội học tập lên bậc cao hơn của người học còn hạn chế. Đây cũng là động lực để nhà trường hướng tới phát triển thêm các chương trình đào tạo sau đại học về Kỹ thuật phục hồi chức năng trong tương lai.

Trong khi đó, Thạc sĩ Đỗ Minh Hải cho biết: Trong suốt quá trình từ khi thành lập trường đến khi mở ngành và đào tạo ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam nhận được rất nhiều sự hỗ trợ to lớn của Chính phủ Việt Nam, các bộ ban ngành và đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, tỉnh Hưng Yên cũng như sự quan tâm, tìm hiểu và nhập học của nhiều quý bậc phụ huynh, các bạn thí sinh trong cả nước và sự hợp tác nhiệt tình từ các bệnh viện đối tác.

Tới thời điểm hiện tại chương trình đào tạo của ngành đang được triển khai tốt từ công tác đào tạo tại trường cũng như đào tạo thực hành tại các cơ sở thực tập lâm sàng. Chương trình đào tạo thực tập lâm sàng được các bệnh viện đối tác đánh giá cao, nhiều cơ sở giáo dục tham khảo học tập.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai ban đầu do có một số khác biệt về chương trình đào tạo và đặc biệt là đào tạo thực tập lâm sàng nên còn gặp một số khó khăn trong việc áp dụng. Tuy nhiên cùng với sự trao đổi, phối hợp, điều chỉnh giữa các cơ sở thực tập lâm sàng và nhà trường hiện tại chương trình đào tạo cũng như các công tác đã đi vào quỹ đạo, hướng tới giáo dục lấy sinh viên làm trung tâm.

Tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng có thể làm những công việc gì?

Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang cho biết, sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng có thể làm các công việc chuyên môn tại các khoa phục hồi chức năng của bệnh viện công lập, ngoài công lập, các cơ sở chăm sóc người khuyết tật, người cao tuổi và các trung tâm điều dưỡng…

“Ngoài ra các bệnh viện chuyên khoa về phục hồi chức năng trong cả nước cũng là địa chỉ tốt cho sinh viên sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó nếu yêu thích giảng dạy, nghiên cứu, các bạn có thể trở thành giảng viên tại các cơ sở đào tạo thuộc khối ngành sức khỏe liên quan đến phục hồi chức năng hoặc trở thành các nghiên cứu viên, cán bộ chương trình, dự án tại các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến phục hồi chức năng”, Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang chia sẻ.

unnamed (12).png
Tiến sĩ Đỗ Thị Hạnh Trang, Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường Đại học Y tế công cộng. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, cô Trang cũng cho rằng, nếu sinh viên ra trường có khả năng sử dụng ngoại ngữ, khả năng nghiên cứu thì đó cũng là một lợi thế để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Trong khi đó, Thạc sĩ Đỗ Minh Hải cho rằng, với chương trình đào tạo mang tới từ Nhật Bản trên cơ sở tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật Việt Nam nên sinh viên Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có đủ điều kiện về kiến thức và chuyên môn để làm việc tại Nhật Bản cũng như Việt Nam và các nước khác khi có được chứng chỉ hành nghề của nước sở tại.

Tùy theo quy định của nước sở tại sinh viên sau tốt nghiệp có thể làm việc với vị trí là các chuyên viên y tế tại cơ sở y tế - phòng khám/khoa/trung tâm phục hồi chức năng, huấn luyện viên thể lực/thể hình trong lĩnh vực thể thao, chăm sóc sắc đẹp, thư ký y tế, giảng viên ngành kỹ thuật phục hồi chức năng... hoặc có thể học nâng cao ở trình độ sau đại học....

Với nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực phục hồi chức năng đang tăng cao tới thời điểm hiện tại tất cả sinh viên của Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam sau khi ra trường đều tìm được cho mình một công việc ổn định. Ngoài một số sinh viên có nguyện vọng học tập nâng cao - sau đại học, một số cử nhân khác đang công tác tại các cơ sở y tế lớn của Việt Nam như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec,...

Anh Phạm Văn Nhân, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam, hiện đang làm tại bộ phận vật lý trị liệu tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF.

Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, anh đã tìm cho mình công việc đúng ngành để tiếp tục theo đuổi đam mê.

Anh Nhân cho biết, sinh viên học ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng sẽ học được kiến thức về giải phẫu và sinh lý học để hiểu rõ cấu trúc và chức năng của cơ thể con người. Từ đó xác định vị trí các cơ quan và cách chúng phối hợp để duy trì sự sống. Đồng thời, các bạn cũng được học về những nguyên nhân và cơ chế gây ra các vấn đề sức khỏe, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình chẩn đoán và điều trị.

Bên cạnh đó, kiến thức từ môn tâm lý học giúp các bạn có thể thấu hiểu và đồng cảm với bệnh nhân, đồng hành cùng họ vượt qua khó khăn tâm lý trong quá trình tập phục hồi, duy trì động lực và tinh thần lạc quan.

“Hiện tại, tôi là một chuyên viên vật lý trị liệu thể thao, đồng hành cùng các vận động viên bị chấn thương. Với kiến thức chuyên môn, tôi đã giúp họ từng bước hồi phục, từ những bước đi chập chững đầu tiên, cùng họ vượt qua những gánh nặng tâm lý, cho đến khi thấy họ nở nụ cười vui vẻ khi cuối cùng cũng có thể trở lại với đam mê. Điều này khiến tôi cảm thấy công việc của bản thân thật sự ý nghĩa”, anh Nhân bày tỏ.

unnamed (14).png
Anh Phạm Văn Nhân, cựu sinh viên ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ về mức lương của ngành Kỹ thuật phục hồi chức năng, anh Nhân cho biết: “Theo tôi, mức lương của kỹ thuật viên phục hồi chức năng tại Việt Nam thay đổi tùy theo kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và địa điểm làm việc.

Kỹ thuật viên mới ra trường thường có mức lương khởi điểm từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. Với kinh nghiệm từ 3-5 năm, mức lương có thể tăng lên từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào năng lực và nơi làm việc.

Kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm hoặc ở các vị trí quản lý có thể nhận lương từ 15 - 25 triệu đồng/tháng.

Đối với người điều trị bệnh nhân tại nhà hoặc mở phòng khám riêng, thu nhập có thể dao động từ 30 - 100 triệu đồng/tháng, tùy theo uy tín và lượng khách hàng”.

Lương Hiền