Mỗi nơi học một SGK: Bỏ lớp không chuyên sẽ khiến học sinh gặp khó

10/11/2022 06:57
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Mỗi trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, do vậy việc học sinh chuyển từ trường chuyên về các trường trung học phổ thông khác là bài toán khó.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức trường trung học phổ thông chuyên. Từ đây, nhiều vấn đề của các trường chuyên lại được sự quan tâm, thảo luận của dư luận xã hội: Có nên tồn tại mô hình trường chuyên, lớp chọn không khi hiệu quả đầu ra như thế nào lại không có đánh giá cụ thể; Nên hay không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên; Làm sao để đánh giá, tuyển chọn tốt nguồn tài năng cho các trường chuyên,...

Trường chuyên muốn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực học sinh nhưng khó thực hiện

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Lê Bá Thơm - Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha (tỉnh Tây Ninh) đánh giá mô hình trường chuyên hiện đang làm rất tốt vai trò, chức năng của mình và không nên bỏ đi mô hình trường chuyên.

“Theo tôi hiện nay về cơ bản các trường chuyên đều đã làm tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng học sinh có năng khiếu, có tố chất. Một số trường còn vượt trội hơn, thể hiện xuất sắc vai trò của mình, là mô hình mẫu cho các trường khác học tập.

Ngoài ra, trường chuyên còn giúp đảm nhận vai trò bồi dưỡng học sinh giỏi các trường trung học phổ thông khác để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi”.

Học sinh trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh “Speak to Lead”. Ảnh: Báo Tây Ninh

Học sinh trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha tham gia cuộc thi hùng biện tiếng Anh “Speak to Lead”. Ảnh: Báo Tây Ninh

Đồng quan điểm với thầy Thơm, Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ (tỉnh Hòa Bình), thầy Bùi Văn Đường nhấn mạnh vai trò xây dựng lực lượng nòng cốt của các trường chuyên, không chỉ là học sinh mà còn bao gồm cả đội ngũ giáo viên giỏi:

“Các trường chuyên trước hết là môi trường giáo dục các em phát triển toàn diện, từ đó phát hiện ra những em học sinh có tố chất, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, cùng tranh tài với các nước trong khu vực và quốc tế.

Mặt khác, đội ngũ giáo viên trường chuyên - những thầy cô đều được tuyển chọn kĩ lưỡng sẽ là lực lượng chính của các địa phương, các Sở Giáo dục và Đào tạo trong triển khai các nội dung về chuyên môn, phương pháp giảng dạy, đổi mới tiếp cận chương trình học…”.

Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để có cơ chế tuyển chọn và thu hút nhân tài ở các trường chuyên có hiệu quả và chất lượng nhất. Phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha cho biết, lãnh đạo nhà trường đã nhiều lần bàn về việc nên xây dựng một bài thi đánh giá năng lực học sinh căn cứ theo các yếu tố: chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ),... tuy nhiên, việc thực hiện trong thực tế không dễ dàng do đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực và cần sự chỉ đạo thống nhất chung.

“Chúng tôi cũng muốn tổ chức một kỳ thi nhằm phát hiện ra các em có tốt chất trước khi cho học sinh tham gia vào kỳ thi chung. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện còn phụ thuộc vào thời gian, quá trình giảng dạy của các trường, rồi thời điểm tổ chức, quy mô, ai là người ra đề, thành lập hội đồng… Và cũng cần phải có quyết định của Hội đồng nhân dân nữa, chứ không phải mình muốn làm là làm được ngay,...”, thầy Thơm bày tỏ trăn trở.

Theo đó, hiện nay việc tuyển chọn học sinh trường chuyên Hoàng Lê Kha đang được tổ chức theo hình thức: Vòng thi đầu tiên nhà trường lấy kết quả của kỳ thi tuyển sinh vào các trường học thông khác trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tổ chức thêm một kỳ thi riêng theo môn chuyên học sinh đăng kí để tiến hành chọn lựa.

Lãnh đạo trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Lê Kha lí giải, việc nhà trường gộp kỳ thi chọn học sinh chuyên vào kỳ thi chung nhằm giảm áp lực thi cử cho học sinh, đồng thời để tạo thuận lợi cho học sinh có thể thi tuyển vào các trường trung học phổ thông khác nếu không may các em không đủ điều kiện vào trường chuyên.

Sàng lọc học sinh như thế nào khi đã bỏ lớp không chuyên?

Thầy Lê Bá Thơm chỉ ra một điểm khó nếu thực hiện theo dự thảo mới, đó là việc đánh giá sàng lọc học sinh. Cụ thể, Thông tư 06/2012/TT-BGDĐT quy định học sinh không đáp ứng yêu cầu sẽ phải chuyển về lớp không chuyên hoặc chuyển về các trường trung học phổ thông khác; Tuy nhiên, dự thảo mới không đề cập đến việc đánh giá, sàng lọc học sinh này, mà chỉ có mục chuyển học sinh chuyên sang trường chuyên khác (quy định tại Điều 18, Dự thảo Thông tư ban hành quy chế tổ chức trường trung học phổ thông chuyên).

Thầy và trò trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ tham dự cuộc thi Solve for Tomorrow (tháng 1 năm 2022). Ảnh: Fanpage nhà trường

Thầy và trò trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ tham dự cuộc thi Solve for Tomorrow (tháng 1 năm 2022). Ảnh: Fanpage nhà trường

Hiện nay, cả nước đang thực hiện theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, mỗi trường có quyền lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, do vậy theo thầy Thơm, việc học sinh chuyển từ trường chuyên về các trường trung học phổ thông khác là bài toán khó; Chưa kể, học sinh được học theo môn lựa chọn, trường học sinh chuyển về nếu không có môn lựa chọn mà các em đang học thì việc học tiếp chương trình cũng là một vấn đề.

Khi phóng viên đặt câu hỏi, vậy làm sao để sàng lọc học sinh trong điều kiện như hiện nay, thầy Thơm cho rằng đây là một vấn đề khó và cần thêm sự bàn bạc, thảo luận để có hướng giải quyết phù hợp.

Liên quan đến nội dung này, thầy Đường cho rằng việc giữ lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ giúp giải quyết được. Theo đó, khi duy trì lớp không chuyên trong trường chuyên sẽ đảm bảo cho các em không đủ điều kiện học ở lớp chuyên có thể về lớp không chuyên.

“Dù sao trong cùng một trường thì các em sẽ được học chung một chương trình, còn việc chuyển học sinh từ trường này qua trường khác thật sự là một bài toán khó với các trường.

Bây giờ học sinh học Lý, Hóa, Sinh nhưng về trường khác họ chỉ tổ chức các lớp như Địa lý, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật,... thì phải làm sao”, thầy Đường băn khoăn.

Đánh giá về cơ sở vật chất của hệ thống các trường chuyên hiện nay, hiệu trưởng trường chuyên Hoàng Văn Thụ cho rằng, cơ sở vật chất được đầu tư thì cơ bản mới chỉ ở khía cạnh về văn bản chung, trên thực tế mức độ đầu tư còn tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương.

Hiện Nhà nước cũng dành nhiều ưu tiên cho các trường chuyên, hay ban hành đề án xây dựng trường chuyên theo từng giai đoạn… Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhiều trường trung học phổ thông chuyên, mức đãi ngộ của Nhà nước hiện nay chỉ mới đạt ở mức độ tương đối, về cơ bản vẫn dựa vào chủ yếu nguồn lực của tỉnh địa phương.

Thầy Lê Bá Thơm chỉ ra một thực tế về việc cạnh tranh nguồn nhân lực giáo viên dạy chuyên ở thành phố lớn, khi các trường chuyên phải cạnh tranh với hệ thống các trường tư thục.

“Ở trường tôi thì chưa xảy ra trường hợp này, nhưng ở các thành phố lớn, đã có tình trạng giáo viên trường chuyên chuyển sang dạy ở các trường tư thục. Mức đãi ngộ cho giáo viên trường chuyên so với trường không chuyên đã tốt rồi, nhưng mức đãi ngộ của các trường tư thục còn tốt hơn. Do đó hiện nay các trường cũng đang gặp khó khăn rất lớn khi làm sao để giữ chân được giáo viên giỏi, trong khi nguồn lực của trường có hạn, sự cạnh tranh giữa các trường lại rất cao”, thầy Thơm đặt vấn đề.

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông chuyên Hoàng Văn Thụ nêu thêm, trong khâu xây dựng đội ngũ, việc tuyển chọn cần có chính sách đãi ngộ tốt là một phần, nhưng cũng cần có thêm các chế độ đãi ngộ cho việc thầy cô bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn trong quá trình công tác giảng dạy.

“Hiện nay nếu các thầy cô muốn nâng cao trình độ chuyên môn đều phải tự mình bỏ chi phí để tự bồi dưỡng. Nhà nước hiện nay chưa có chính sách hỗ trợ chi phí nào, vì vậy về phía nhà trường, chúng tôi chỉ có thể tạo điều kiện về mặt thời gian”, thầy Đường cho biết.

Ngoài ra, thầy Đường kiến nghị các tỉnh cần có đầu tư hơn về cơ sở vật chất cho các trường chuyên, mục đích về lâu dài đều phục vụ chung cho ngành, đồng thời cũng là mô hình để các trường học tập.

Doãn Nhàn