Một hiệu trưởng thừa nhận có dạy thêm, xáo trộn lớp và được quà cáp

18/09/2014 06:40
Xuân Trung
(GDVN) - Theo phản ánh, mỗi năm trường cho thi kiểm tra trình độ để xáo trộn lại các lớp, muốn ở lại lớp phụ huynh phải “đi đêm” cho thầy.

Sự việc trên xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Du, H. Thanh Oai, Hà Nội. 

Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con học tại trường THPT Nguyễn Du phản ánh có tình trạng như trên, theo đó để được ở lại lớp phụ huynh phải đến “cầu cứu” thầy hiệu trưởng, mỗi lần cầu cứu sẽ cảm ơn thầy một khoản không nhỏ?

“Phụ huynh chúng tôi không hiểu việc xáo trộn lại các khối là chủ trương chuẩn của Bộ hay đây là "sáng kiến" của nhà trường , phụ huynh chúng tôi rất bức xúc nhưng không biêt hỏi ai” vị phụ huynh này cho biết.

Một hiệu trưởng thừa nhận có dạy thêm, xáo trộn lớp và được quà cáp ảnh 1

Ông Nguyễn Đình Lập khi làm việc với phóng viên. Ảnh Xuân Trung

Để xác minh sự việc, ngày 17/9 phóng viên đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng nhà trường là ông Nguyễn Đình Lập. Tại buổi làm việc ông Lập cho hay, đúng là có việc tổ chức kiểm tra trình độ học sinh, nhưng là theo nguyện vọng của học sinh muốn được vào các lớp tốt để định hướng nghề nghiệp và vào đại học sau này. 

“Nếu theo nguyện vọng của các em học sinh thì chúng tôi có xáo trộn lớp, tuy nhiên không làm tất cả trường. Đặc biệt đối với những học sinh có nguyện vọng thi đại học thì được “tuyển” vào một lớp. Tôi cũng đoán nếu có thể xảy ra việc mà phụ huynh phản ánh là do phụ huynh chưa hiểu, thực tế cũng thấy học sinh khá thoải mái, như thế mới nâng cao được chất lượng” ông Lập cho hay.

Cũng theo vị hiệu trưởng này, trường đang làm từng bước để nâng cao chất lượng, đây cũng là nguyện vọng của phụ huynh. Việc xáo trộn các lớp cũng là chọn ra những học sinh tốt để đào tạo bồi dưỡng đội tuyển, được vào các lớp “chọn” các em còn có điều kiện học thêm, học các thầy cô giỏi…(việc tổ chức học thêm, ông Lập thừa nhận chỉ thu mỗi học sinh 6.000đ/tiết), đối với những em ở lớp thường mà không thi đại học, không có nguyện vọng, thậm chí không học hè thì trường cũng không ép buộc.

Một hiệu trưởng thừa nhận có dạy thêm, xáo trộn lớp và được quà cáp ảnh 2

Trường THPT Nguyễn Du được xem là ngôi trường có nhiều truyền thống, chất lượng đào tạo của trường được nhân dân tin tưởng.

Theo thông tin của ông Lập, số lượng lớp theo nguyện vọng kiểu này có khoảng hơn 1/2 số học sinh nhà trường (toàn trường có khoảng hơn 1.500 học sinh, trong đó 500 học sinh lớp 12). Và theo ông Lập, năm qua với tỷ lệ 4,8 học sinh/10 học sinh đỗ vào đại học, đó cũng là điều phản ánh đúng với chất lượng của trường. 

Trao đổi thêm, ông Nguyễn Đình Lập cũng cho hay, giả sử toàn phụ huynh có nguyện vọng muốn con em họ đăng ký vào lớp tốt 100% thì trường cũng không đáp ứng được vì không có giáo viên. Việc xáo trộn như phản ánh là căn cứ vào số lượng học sinh đăng ký, học sinh muốn vào lớp theo nguyện vọng đó cũng không nhất thiết phải trải qua kiểm tra trình độ. 

Một hiệu trưởng thừa nhận có dạy thêm, xáo trộn lớp và được quà cáp ảnh 3Nhiều chuyện ngược đời và trái khoáy ở ngành giáo dục

(GDVN) - Nói như vậy thật chẳng ngoa khi mà đã hô hào đổi mới mấy chục năm trời nhưng hệ thống giáo dục vẫn rối rắm, quản lý nhà nước chồng chéo, thiếu tính tiêu chuẩn.

Trước câu hỏi, các lớp được xáo trộn theo nguyện vọng của học sinh thì chương trình đào tạo có gì khác với các lớp bình thường, ông Lập cho biết, các lớp theo nguyện vọng chương trình đào tạo hoàn toàn bình thường như cơ bản, thời khóa biểu, chương trình hoàn toàn giống nhau, có chăng khác là những học sinh ở lớp này có nhu cầu học thêm trường sẽ tổ chức.

Đặt thẳng vấn đề, vậy khi tuyển những học sinh tốt vào các lớp theo nguyện vọng đó liệu có cơ chế xin – cho giữa hiệu trưởng và phụ huynh hay không? Ông Lập cho biết, đó là quy luật chung và không có trường nào là không có chuyện đó, thậm chí ngay cả các lớp tiểu học. Để minh chứng cho lời mình nói, ông Lập còn lấy ví dụ vợ ông cũng là giáo viên tiểu học dạy tại Q. Hà Đông cũng đã có cơ chế đó!

“Đó là xu hướng, nhưng thực ra không phải lúc nào cũng đáp ứng được. Nói về hiện tượng thì trường nào cũng có, không có nhiều thì có ít và có trở thành vấn nạn hay không? Có thể phụ huynh đến chơi cũng có, đề đạt nguyện vọng cũng có, thậm chí mình giúp được, giả sử người ta cảm ơn mà mình thấy hợp lý thì vẫn nhận, có thể chỉ là gói bánh, gói kẹo, chuyện này không có gì ghê gớm” ông Lập khẳng định.

Nếu như lời vị hiệu trưởng này nói là thực, có thể khẳng định chuyện “đi đêm” giữa phụ huynh và hiệu trưởng là có cơ sở khi ông Nguyễn Đình Lập chia sẻ một số quan điểm trên. 

Tuy nhiên, nếu thử làm phép tính đơn giản với 1/2  học sinh nhà trường được xáo trộn để kiểm tra trình độ được vào lớp “chọn” thì cứ coi ông Lập nhận hộp bánh, gói kẹo của một phần ba số phụ huynh thì sẽ không biết nhiều tới cỡ nào?

Lần đầu tiên, một hiệu trưởng thừa nhận có chuyện tổ chức kiểm tra đầu vào để tạo lớp tuyển, trái quy định của ngành giáo dục; đồng thời cũng thừa nhận có "quà cáp" và con số xáo trộn cần quà cáp lên tới một nửa sĩ sỗ toàn trường. Vị hiệu trưởng này cũng thừa nhận có dậy thêm tại chỗ...

Những việc làm trên, là tiến bộ, sáng tạo trong tư duy giáo dục, hay là mầm mống của tiêu cực, vi phạm và tham nhũng? Đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội khẩn trương vào cuộc làm rõ vấn đề.
 

Xuân Trung