Có rất nhiều điều băn khoăn mà trong bài viết nhỏ này tôi chỉ dám nêu một vài suy nghĩ về phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn hiện nay trong nhà trường.
Phương pháp mới áp dụng vài năm gần đây gọi là phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực.
Một giờ dạy môn Ngữ văn (Ảnh minh họa: giaoducthoidai.vn). |
Theo đó, giáo viên sẽ tổ chức tiết học theo định hướng giúp học sinh tự tìm hiểu bài bằng cách nêu các câu hỏi theo yêu cầu nội dung.
Học sinh sẽ được chia theo nhóm (từ 4 đến 6 em một nhóm) để thảo luận, tìm ra lời giải và cử người lên trình bày.
Các nhóm còn lại sẽ tranh luận, phản biện cho rõ vấn đề. Giáo viên lúc này làm vai trò “cố vấn”, định hướng kiến thức cho học sinh…
Việc ghi bài không còn kiểu “thầy đọc, trò chép” (sau này là “chiếu - chép) mà các em hiểu thế nào thì tự ghi thế ấy.
Một số giáo viên khi được hỏi, theo cách dạy mới này, thì việc soạn bài giảng như thế nào? Các giáo viên cho biết việc soạn bài rất cực, phải tìm lời giải, định hướng kiến thức cho học sinh.
Mặt khác, phải đặt các tình huống phát sinh để chủ động trong việc giải quyết vì không thể lúc nào, bài nào cũng “xuôi chèo mát mái” cả.
Khi được hỏi làm bài tập, khi thi, bài kiểm tra thì học sinh lấy kiến thức ở đâu làm bài thì các giáo viên cho biết các em tự tìm trên mạng để làm bài vì bài mẫu trên mạng khá phong phú.
Trăn trở của cô giáo dạy Ngữ văn trong thời đại 4.0 |
Như vậy, kiến thức qua phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực này không phải tự các em tìm ra mà do vay mượn, “sao y bản chính” của người khác.
Vậy thì “phát triển năng lực” từ đâu? Đâu phải em nào cũng có năng lực học bộ môn để phát triển? Muốn “phát triển” một điều gì đó, trước hết phải có cái “gốc” của nó.
Một cây con muốn phát triển, phải có gốc cây. Từ gốc cây, người ta mới vun xới, tưới tắm, bỏ phân, che nắng… thì cây sẽ phát triển.
“Phát triển” từ số không, từ cái không có, không rõ thì làm sao đi đến kết quả được?
Các giáo viên còn cho biết, nếu có dự giờ, khi dạy bài, giáo viên nào say sưa giảng nhiều cũng vi phạm, coi như không đạt.
Theo quy định của phương pháp này, giáo viên phải thường xuyên đặt câu hỏi, tổ chức cho học sinh được thảo luận, được tìm hiểu bài chứ giáo viên không hiểu thay, cảm thụ thay các em.
Từ đó, tiết học Ngữ văn bây giờ giống tiết học một bộ môn khoa học tự nhiên, chỉ thấy toàn câu hỏi làm nát vụn bài thơ, đoạn văn…
Một giờ học Ngữ văn phải có đặc trưng của nó. Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, là cảm xúc mãnh liệt của tác giả mới nên hồn của tác phẩm.
Không còn sự cảm thụ, sự đồng cảm của người thầy, không còn ngọn lửa đam mê của người thầy “truyền lửa” cho học sinh thì giờ học Ngữ văn sẽ trở thành vô vị, nhạt nhẽo…