Học viện Ngoại giao thông báo tuyển sinh hệ đại học chính quy năm 2025. Theo đó, nhà trường tuyển sinh tổng 2.200 chỉ tiêu với 8 ngành đào tạo.
Về phương thức tuyển sinh, Học viện Ngoại giao bỏ phương thức xét tuyển sớm dựa trên kết quả phỏng vấn, sử dụng 4 phương thức tuyển sinh chính, gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển; Xét kết hợp học bạ và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế; Xét kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và chứng chỉ quốc tế/bài thi chuẩn hóa năng lực quốc tế; Xét kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phương thức 2: Xét tuyển kết hợp dựa trên kết quả học tập trung học phổ thông và chứng chỉ quốc tế đối với các thí sinh học chương trình trung học phổ thông của Việt Nam.
Đối tượng xét tuyển là các thí sinh có điểm trung bình chung kết quả học tập của 6 học kỳ (tất cả các môn học) lớp 10, 11, 12 đạt từ 8.0 trở lên kết hợp với chứng chỉ quốc tế.
Chứng chỉ tiếng Anh yêu cầu IELTS Academic từ 6.0 trở lên, hoặc TOEFL iBT từ 60 trở lên, hoặc PTE-A từ 46 điểm trở lên, hoặc các chứng chỉ Cambridge English Qualifications từ 169 điểm trở lên, hoặc SAT 2 từ 1200 điểm trở > lên, hoặc ACT từ 23 điểm trở lên.
Chứng chỉ tiếng Pháp yêu cầu từ DELF-B1 trở lên hoặc TCF tout public (5 bài thi nghe hiểu, cấu trúc ngữ pháp, đọc hiểu, viết, nói) đạt xếp loại chung từ B1 trở lên.
Chứng chỉ tiếng Trung Quốc yêu cầu từ HSK 4 (mức điểm từ 260) trở lên.
Chứng chỉ tiếng Hàn Quốc yêu cầu từ Topik 3 trở lên và chứng chỉ tiếng Nhật Bản phải đạt từ JLPT N3 trở lên.
Chứng chỉ tiếng Đức đạt từ DSH 1 hoặc Goethe-Zertifikat B1 hoặc ÖSDZertifikat B1 hoặc TELC B1 hoặc DSD I B1 trở lên.
Phương thức 3: Xét tuyển đối với thí sinh có chứng chỉ A-level của Trung tâm Khảo thí Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) hoặc bằng tú tài quốc tế IВ Diploma.
Điểm xét tuyển (thang điểm 30) được tính bằng tổng điểm đạt được cộng với điểm ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo (nếu có).
Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 theo các tổ hợp môn.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, học viện thêm 5 tổ hợp xét tuyển mới, gồm DD2 (văn, toán, tiếng Hàn); D09 (toán, sử, tiếng Anh); D10 (toán, địa, tiếng Anh); D14 (văn, sử, tiếng Anh); D15 (văn, địa, tiếng Anh).
Ngoài ra, còn 8 tổ hợp xét tuyển tương tự năm ngoái, gồm A00 (Toán, Lý, Hóa); A01 (Toán, Lý, tiếng Anh); C00 (Văn, Sử, Địa); D01 (Văn, Toán, tiếng Anh); D03 (Văn, Toán, tiếng Pháp); D04 (Văn, Toán, tiếng Trung); D06 (Văn, Toán, tiếng Nhật); D07 (Toán, Hóa, tiếng Anh).
Đối với các tổ hợp xét tuyển có môn Ngoại ngữ, điểm môn Ngoại ngữ của thí sinh khi xét tuyển vào Học viện theo phương thức này có thể được xét theo 1 trong 2 cách: Sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 môn Ngoại ngữ tương ứng trong tổ hợp xét tuyển theo quy định của học viện hoặc thay thế điểm thi môn Ngoại ngữ trong tổ hợp bằng điểm quy đổi từ chứng chỉ quốc tế theo quy định của học viện. Học viện chấp nhận chứng chỉ quốc tế không trùng với ngoại ngữ trong tổ hợp gốc.

Bên cạnh đó, năm nay Học viện Ngoại giao dự kiến giữ nguyên mức học phí so với năm 2024. Cụ thể, mức học phí 4,5 triệu đồng/tháng/sinh viên áp dụng đối với các ngành Quan hệ quốc tế, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế quốc tế, Luật quốc tế, Truyền thông quốc tế, Kinh doanh quốc tế.
Còn ngành Châu Á - Thái Bình Dương học dự kiến 3,6 triệu đồng/tháng; ngành Luật thương mại quốc tế dự kiến 3,4 triệu đồng/tháng.
Về chính sách ưu tiên, chính sách học bổng, hệ liên kết đào tạo quốc tế và hồ sơ đăng ký xét tuyển của Học viện Ngoại giao, phụ huynh và học sinh xem chi tiết TẠI ĐÂY.