Thi môn Văn bằng hình thức trắc nghiệm, tại sao không?

02/03/2022 08:59
Trần Hinh
GDVN- Nên chăng “nhất thể hóa” phương thức trong một kì thi, là cũng cho phép môn Ngữ văn cũng được thi trong hình thức trắc nghiệm như các môn thi khác.

LTS: Tiếp tục chủ đề về tuyển sinh đại học, thầy Trần Hinh hiện giảng dạy tại Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ bài viết về việc "nhất thể hoá" các phương thức trong tuyển sinh đại học.

Nội dung, văn phong bài viết thể hiện quan điểm, góc nhìn của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

(Kỳ 1, Kỳ 2)

Lẽ ra không cần phải bàn luận tiếp về vấn đề này, vì trên thực tế, ngay cả trong kì thi Tốt nghiệp trung học phổ thông mấy năm gần đây, gần như tất cả các môn thi đều đã thực hiện theo hình thức trắc nghiệm Đánh giá năng lực.

Chỉ còn riêng môn Ngữ văn là vẫn giữ hình thức thi tự luận. Thế nên chúng ta vẫn phải bàn cho ra nhẽ. Và như tôi đã giải thích ngắn gọn lí do ở bài viết trước, vì người ta cho rằng, chỉ còn mỗi môn Văn là dạy học trò cách viết, cách tự luận, một kiểu viết luận truyền thống từ ngàn đời xưa.

Văn là cứ phải viết, phải abcd, mở bài, thân bài và kết luận, phải “analyse de texte” (phân tích văn bản) như “cụ” Dercarstes ở nước Pháp. Nay nếu bỏ nốt, học trò sẽ không còn khả năng tự luận nữa.

Thậm chí với cả môn Toán, một môn chủ yếu chỉ dành cho tư duy logic, tư duy con số, phần chữ nghĩa vốn rất ít, nhưng thời kì đầu môn thi này chuyển sang trắc nghiệm đánh giá năng lực, một số thầy cô dạy Toán cũng phản đổi.

Thực tế này chứng minh cho chúng ta thấy, ở nước ta, việc thay đổi, cải tiến bất cứ thứ gì cũng không hề dễ dàng.

Với người Việt, dường như đây đã là bản chất ngấm sâu trong máu. Giáo sư Trần Đình Hượu trong công trình nghiên cứu văn hóa nổi tiếng Đến hiện đại từ truyền thống, từng viết rằng, bản tính người Việt ta vốn: “Không ca tụng trí tuệ mà ca tụng sự khôn khéo. Khôn khéo là ăn đi trước, lội nước theo sau, biết thủ thế giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn. Đối với cái dị kì, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình, nhưng cũng chần chừ, dè dặt, giữ mình””[1].

Người Việt ta vốn rất “ngại” thay đổi. Tôi nhớ cách đây hơn chục năm (2013), trong câu hỏi đề thi nghị luận xã hội, người ta đã chọn dẫn đoạn viết trên của thầy Trần Đình Hượu (đề thi khối C), và một đoạn viết khác cho đề khối D của Trần Hùng Jonh, một thanh niên Việt kiều, trong cuốn sách nhan đề Jonh đi tìm Hùng.

Đoạn viết cụ thể là: “Đi dọc đất nước với tâm nguyện tìm hiểu cội nguồn bằng trải nghiệm của chính mình, chàng trai Việt kiều Tran Hung Jonh có một nhận xét: “Phần nhiều người Việt Nam có tính cách thụ động, là những người đi theo chứ không phải người đi tiên phong. Nếu có ai đó đi trước và thử trước, tôi sẽ theo sau chứ không phải là người dẫn đường. Áp lực xã hội khiến bạn phải đi theo con đường đã được vẽ sẵn”. Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Hãy trao đổi với Tran Hung Jonh và bày tỏ quan điểm của chính mình (bài viết khoảng 600 chữ” [2].

Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Ảnh minh hoạ: Hanoimoi.com.vn

Phần bình luận về đoạn văn của Trần Đình Hượu không có gì phải tranh luận, có lẽ, vì ông là giáo sư. (Mà đã là giáo sư thì viết gì cũng đúng!). Nhưng với Trần Hùng Jonh thì không thế.

Tưởng nội dung, ý nghĩa đoạn văn đã quá rõ ràng, cũng không có gì bàn cãi nữa, thì vẫn có một nhóm thí sinh, quay vào “đánh hội đồng”.

Trước tiên, họ “mắng chửi” Trần Hùng Jonh đã “no cơm rửng mỡ”, “khi đất nước khó khăn thì bỏ ra đi, tìm đường hưởng thụ”. Đến khi trở về nước đã không cảm thông chia sẻ với người dân trong nước thì chớ, “lại còn lên giọng chê bai”. “Anh cứ ở đây xem. Anh cứ từng trải qua khó khăn, gian khổ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lại phải căng mình chống bom đạn, chống cái khắc nghiệt của thiên nhiên như người dân Việt Nam, xem anh có thể nói được gì”, vân vân và vân vân.

Nói tóm lại, người ta ra đề thi là để anh trao đổi, bình luận cho ra nhẽ, chỉ ra cái sai, cái đúng, có khi ngay trong một câu nói cũng vừa sai vừa đúng, thi cứ bàn cho ra nhẽ, vội gì phải “cao đàm khoát luận”.

Vậy nhưng vẫn có những học sinh, dường như không hiểu hoặc cố tình không hiểu, lảng tránh vấn đề chính, chẳng khác nào Donkihote hùng hổ “đánh nhau” với cối xay gió.

Trên thực tế, họ đã phần nào tự bộc lộ sự “bảo thủ” cực đoan, ít chịu lắng nghe, không muốn thay đổi, “thủ cựu” của mình.

Ở thời điểm 2013, đất nước đã trải qua đổi mới gần 4 thập niên, vậy mà giáo dục trong nhà trường phổ thông vẫn còn tồn tại những suy nghĩ cực đoan, bảo thủ như thế. Bảo sao đất nước chậm phát triển?

Tuy nhiên, trường hợp trên chỉ là thí dụ hãn hữu về phương thức thi cũ, một cách kiểm tra kiến thức rất thông thường trong suốt thời gian qua.

Điều tôi muốn bàn đến ở đây, là chúng ta phải làm thế nào để có thể “vượt qua sự do dự”, nhanh chóng “nhất thể hóa” một kì thi dài nhất, tốn kém và cồng kềnh nhất, mà vẫn không đạt được tính khách quan và chính xác? Cần phải có một kì thi gọn nhẹ và hoàn hảo.

Tôi cho rằng, một kì thi “hoàn hảo”, trước tiên, phải đạt được nội dung đánh giá chuẩn mực. Mà để đạt được tiêu chí chuẩn mực, nội dung câu hỏi đề thi phải đạt được yêu cầu khoa học, chính xác, có tính phân loại cao. Đặc biệt, công tác chấm thi phải đạt được sự công bằng, khách quan tuyệt đối. Trên thực tế, chúng ta có đạt được điều này không?

Tôi xin khẳng định là không, bởi những lí lẽ rất đơn giản. Chúng ta hãy hình dung, ở nước ta, mỗi kì thi như thế phải có tới bảy tám trăm ngàn đến gần một triệu thí sinh tham gia.

Dù bài thi dài ngắn thế nào, mỗi năm Bộ Giáo dục và Đào tạo đều phải huy động hàng trăm ngàn giáo viên căng mình chấm thi, trong khoảng thời gian hai đến ba tuần. Đây là khoảng thời gian giáo viên lẽ ra được nghỉ hè để dành sức cho một năm học mới.

Việc “bị “đánh mất” khoảng thời gian quý báu này với họ là điều không cần thiết. Nhưng điều còn quan trọng hơn là sự như yêu cầu không cần thiết này thật ra chẳng mang tới những kết quả.

Tôi đã từng chấm thi đại học nhiều năm nên biết, việc đọc, đánh giá, so sánh đối chiếu bài viết của thí sinh với đáp án chấm thi của Bộ không hề là dễ.

Không dễ dàng bởi với một bài thi, đáp án “dài” tới hai, ba chục thành phần, việc theo sao cho sát, trừ trừ cộng cộng để không bị sót ý, đó là chưa nói chấm văn, với người này, có thể tính điểm thế này, người chấm kia lại tính điểm thế kia, có khi một bài Văn, hai thầy chấm 1 và 2 đã “vênh” nhau tới 1, 2 điểm. Thậm chí có bài vênh nhau tới 3, 4 điểm.

Khi cần hội ý, trao đổi, vẫn không ai chịu ai, đến người thứ ba cũng không thể quyết nổi. Mà điều khó khăn này không chỉ diễn ra với môn Văn, ngay cả với môn Toán đôi khi cũng có những “sự cố hi hữu” như thế.

Chẳng hạn, đáp án điểm cho một câu hỏi yêu cầu người làm bài phải thực hiện trọn vẹn, tuần tự tất cả các bước, mới được phép tính điểm tuyệt đối.

Trong trường hợp làm tắt, bài làm có thể không được tính điểm, dù đáp án cuối cùng vẫn đúng.

Tôi nghĩ không một đất nước nào giống như nước ta (có thể cả Trung Quốc, Hàn Quốc nữa, nhưng tôi không rõ họ tổ chức chấm bài thế nào), người ta lại huy động cả một bộ máy thầy cô giáo trong kì nghỉ, “đánh vật” với cái nóng như thiêu đốt giữa những ngày hè!

Cái nóng khắc nghiệt đó ngày nay có thể khắc phục được bằng quạt máy, điều hòa không khí. Nhưng còn quá trình đi lại? Quan trọng hơn còn sự công bằng, khách quan, với những “cái đầu nóng” của các thầy cô? Họ là những con người bằng da, bằng thịt, trong mỗi kì thi, ngoài việc căng mình đọc bài, họ còn có hàng trăm ngàn mối quan hệ tình cảm “vân vi” khó nói khác”.

Chỉ cần một “chút xao lòng”, kết quả bài thi đã thay đổi về bản chất? Hãy nhìn lại sự kiện hi hữu xảy ra tại kì thi 2018 ở một số cơ sở giáo dục như Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Lạng Sơn…, thì biết.

Mà không chỉ ở kì thi 2018, tôi tin những kì thi trước đó, và không chỉ ở những địa phương đã được nêu tên, hẳn còn nhiều, nhiều hơn nữa sự không “rõ ràng” trong các bài thi “điểm cao chót vót” những năm trước, từng được công bố.

Vài ba năm gần đây, hiện tượng này tưởng đã chấm dứt, thì lại nảy sinh một hiện tượng khác, hàng trăm bài thi xét tuyển đại học đạt điểm 30 (tuyệt đối), nhưng vẫn không đủ điểm vào đại học.

Đến đây, chúng ta quả thực không còn đủ lí do để kiên nhẫn thêm nữa. Phải nhanh chóng tìm ngay lối thoát thay đổi hình thức và nội dung kì thi. Nhưng thay đổi như thế nào?

Tôi không dám so sánh, đánh giá một hình thức thi bất kì nào đó là hay nhất, đúng nhất. Một kì thi hàng mấy chục thập kỉ nay, sở dĩ nó vẫn tồn tại, thì không hẳn là “dở”. Nhưng nói không dở thì chắc chắn không thể là “hay”.

Tại sao lại không tìm kiếm một giải pháp nào khác khả dĩ hơn. Trong hoàn cảnh đó, tôi thiết tha đề nghị, chúng ta nên “nhất thể hóa” hình thức trong tất cả các môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Tức là, nên chăng “nhất thể hóa” phương thức trong một kì thi, là cũng cho phép môn Ngữ văn cũng được thi trong hình thức trắc nghiệm như các môn thi khác.

Làm như vậy, chúng ta sẽ chấm dứt được tình trạng để con người “can thiệp” vào việc đánh giá trực tiếp bài thi. Việc đánh giá trực tiếp bài thi chỉ nên vận dụng trong một kì thi nhỏ hẹp, mà bản thân những học sinh trong đó có thể tự kiểm tra lẫn nhau được.

Việc xét tuyển đại học cũng có thể kết hợp thêm các phương thức khác do chính các trường tự đặt tiêu chí cho mình.

Ví như, kết hợp điểm thi tốt nghiệp với thành tích học tập, chứng chỉ tiếng Anh, kết quả học bạ. Một số trường đặc thù nào đó như FPT, Nghệ thuật (Điện ảnh, Sân Khấu, Văn Chương…) thậm chí cũng có thể mở thêm các kì thi phụ như phỏng vấn trực tiếp, tổ chức khảo sát thêm bằng các môn thi chuyên ngành.

Tốt hơn hết hãy khuyến khích các trường tổ chức các kì thi cho riêng mình. Trong trường hợp khó khăn, họ có thể dựa vào các kì thi như Đánh giá năng lực hoặc Đánh giá tư duy của một số trường lớn.

Theo tôi tìm hiểu, đây là những kì thi được chuẩn bị công phu, kĩ lưỡng, khoa học để đánh giá học sinh. Thậm chí kì thi như Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, học sinh còn có thể dự thi đại học trong một buổi (150 phút), trên máy tính, học sinh có thể nhận được kết quả ngay sau hoàn tất những câu hỏi cuối cùng.

Một kì thi như thế, trước mắt có thể gọn nhẹ, tiết kiệm, công bằng, chính xác để chúng ta chọn được những học sinh tốt nhất vào đại học.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, dẫn theo Ngữ văn 12, Nâng cao, NXB GDVN, 2014, tr.95

[2] . Đề thi đại học môn Ngữ văn, khối C, năm 2013

Trần Hinh