Đánh giá năng lực môn Văn, nên thi trắc nghiệm những gì?

30/03/2022 06:45
Trần Hinh
GDVN- Thi văn theo hình thức đánh giá năng lực có thể giúp học sinh rèn luyện tư duy, giảm bớt tính thụ động (học tủ, học lệch), làm tăng khả năng sáng tạo với họ.

LTS: Thầy Trần Hinh, giảng viên Ngữ văn tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc thi tự luận Ngữ văn đã được thực hiện thường xuyên ở bậc học phổ thông nên cần một hình thức mới giúp đánh giá tổng thể tư duy của học sinh để tuyển chọn vào đại học.

Trên quan điểm này, thầy bày tỏ quan điểm ủng hộ hình thức trắc nghiệm môn Ngữ văn để để đánh giá mức độ hiểu sâu và sáng tạo của học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Gần nửa thế kỷ nghiên cứu và giảng dạy, đôi lúc ngẫm về cái gọi là môn “Ngữ văn” người ta dạy và học bấy lâu nay trong các trường phổ thông và đại học, tôi vẫn ngờ ngợ rằng, dường như mình vẫn chưa hiểu thật chính xác, ngọn ngành về môn học này.

Tại sao một môn học rõ ràng mang tên Ngữ văn, mà bấy lâu nay người ta luôn “đối xử” với nó như một môn Văn học thuần túy.

Cụ thể, trong giảng dạy, các thầy cô giáo thường dễ “bỏ qua” các phần học ngôn ngữ, tiếng Việt, mà chỉ chú ý phần tác phẩm văn chương; trong kiểm tra, đánh giá, đề thi môn học này, chủ yếu chỉ quanh quẩn trong những bài làm văn.

Nghiên cứu các hiện tượng, tác giả văn chương lại thường chỉ bàn đến, hoặc cái đẹp trong thơ Xuân Diệu, cái triết lý trong thơ Chế Lan Viên, cái lý tưởng trong thơ Tố Hữu, cái ngông trong văn Nguyễn Tuân, cái dâm trong văn Vũ Trọng Phụng, hoặc cái tình trong thơ Hồ Xuân Hương, cái bi thươngđịnh mệnh trong Nguyễn Du và Truyện Kiều

Tất nhiên, tôi không phủ định phần được coi là quan trọng nhất của môn học Ngữ văn rõ là như vậy.

Nhưng khách quan một chút, một người bạn đồng nghiệp, phó giáo sư giảng dạy và nghiên cứu Hán Nôm, người rất am hiểu văn hóa và giáo dục Nhật Bản tại khoa Văn, đã có lần băn khoăn hỏi tôi điều này: Tại sao môn Văn nước mình chỉ rặt những “mỹ văn” như thế?

Ở Nhật, người ta quan niệm Ngữ văn là Quốc văn. Tức là phần quan trọng nhất của nó là hồn cốt tiếng Nhật. Cớ sao môn văn của mình chủ yếu chỉ dành cho vui thú, nhâm nhi cái đẹp?

Ngẫm lại điều băn khoăn của anh bạn, tôi cũng thấy có lý. Ở một số nước phương Tây, người ta thường hiểu văn trước hết là ngôn ngữ, là tiếng.

Ở Pháp, Anh hay Mỹ, một giáo sư văn học trước tiên cũng được hiểu là một giáo sư ngôn ngữ. Ở đó, người ta thường phân biệt rất rạch ròi văn nghiên cứu (study) với văn sáng tạo (creature).

Chính tại nước ta, hồi thập niên 50, 60 thế kỷ trước, môn Văn trong quan niệm rất gần gũi với Triết và Sử. Hồi đó, người ta hay nói Văn, Triết, Sử bất phân chính là như thế.

Nhà văn người Pháp Albert Camus từng đoạt giải Nobel văn chương (1957) đồng thời cũng là một triết gia.

Vì thế mà văn của ông thường rất sâu sắc, giàu tính tư tưởng. Mở đầu bài viết bàn về môn Văn có thể thi trắc nghiệm được hay không, tôi dành lạm bàn những điều tưởng như ngoài lề vì chính lẽ đó…

(Ảnh minh họa: VTV)

(Ảnh minh họa: VTV)

Hình thức thi trắc nghiệm khách quan đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội chính là một cách tìm lại cho môn Ngữ văn “hồn cốt”, “hình hàì” vốn có của nó.

Đây là kỳ thi được tiến hành khoảng từ 5-6 năm trở lại đây, không chỉ riêng ở Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn cả ở Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; hay Đánh giá tư duy ở Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Đúng ra, những kì thi này về nội dung và hình thức, không hoàn toàn giống nhau (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thi trên giấy), nhưng về mục tiêu, phương thức và nội dung đánh giá có nhiều điểm trùng khớp nhau.

Vì lẽ đó, ở đây, trong bài viết này, tôi chỉ dựa vào cứ liệu từ kỳ thì thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, mà tôi cho là hoàn chỉnh nhất (đánh giá toàn diện, thi trên máy tính, kết quả được chấm và thông báo ngay sau khi thi) để phân tích và chứng minh lợi thế của phương thức thi tuyển sinh mới mẻ này.

Theo tôi được biết, kì thi được chuẩn bị xây dựng, tập huấn, thử nghiệm từ năm 2013, chính thức thực hiện từ năm 2015, bị dừng lại vào năm 2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch điều chỉnh tổng thể kì thi tuyển sinh đại học và kì thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia.

Theo Cổng thông tin tuyển sinh của Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, xét thấy yêu cầu đổi mới của thi tuyển sinh đại học, ngay từ đầu những năm 2010, trường đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu tìm một phương thức tuyển sinh mới, nhằm giảm thiểu khó khăn về thời gian, đi lại, học hành cho các thí sinh.

Qua đó cũng giảm bớt áp lực cho các gia đình và xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn, với hình thức thi này, việc đánh giá, chấm điểm bài thi cũng sẽ công bằng, khách quan và chính xác hơn.

Việc huy động một số lượng lớn giáo viên tham gia chấm thi trong một thời gian ngắn với số lượng bài khổng lồ trong kỳ thi truyền thống, không bao giờ có thể khách quan và chính xác được.

Trong khi, với việc làm bài trắc nghiệm và chấm điểm ngay trên máy rõ ràng tiết kiệm thời gian, chính xác, khách quan hơn. Đó là điều được nhiều người công nhận. Vậy một bài thi đánh giá năng lực là như thế nào? Chúng tôi xin được nêu và giải thích cụ thể dưới đây.

Tương tự như bài thi của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bài thi tại Hà Nội cũng được xây dựng dựa trên hai bài thi SAT (Sholastiic Assessment Test) của Mỹ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh.

Về cấu trúc bài thi đánh giá năng lực của học sinh trung học phổ thông tập trung vào 3 nhóm năng lực chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề; năng lực Toán, tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu, tự khám phá khoa học (tự nhiên và xã hội) và ứng dụng công nghệ theo hướng cá thể hóa.

Toàn bộ các câu hỏi gồm 150 câu (trong đó 132 câu trắc nghiệm có 4 đáp án và 18 câu hỏi dạng điền đáp án với thời gian làm bài cho thí sinh là 195 phút.

Vì bài thi được thực hiện trên máy tính, nên học sinh sẽ phải làm tuần tự từ phần 1 (định lượng), đến phần 2 (định tính) rồi sang phần 3 (khoa học). Sau khi kết thúc mỗi phần, máy tính sẽ tự chuyển sang phần tiếp theo. Nếu đang làm bài ở phần 2, học sinh sẽ không thể trở lại làm các câu hỏi ở phần 1. Cụ thể các phần được phân chia như sau:

+ Phần thi định lượng (Toán), 50 câu

+ Phần thi định tính (Ngữ văn), 50 câu

+ Phần thi Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và Khoa học xã hội (Sử, Địa, Giáo dục công dân), mỗi phần gồm 50 câu”[1] học sinh được chọn một trong hai phần[2].

Dưới đây, tôi chỉ xin phép được nói riêng về phần thi môn Ngữ văn. Cũng giống hai phần định lượng và khoa học, đề Ngữ văn được cấu trúc theo dạng ma trận, từ dễ, trung bình và khó, với 30% câu hỏi dành cho phần kiến thức tiếng Việt (ngôn ngữ) trong 3 cấp độ (trường từ vựng, hoàn thành câu, sửa lỗi câu).

70% còn lại dành cho phần đọc hiểu (cấp độ đoạn văn), bao gồm các mảng tri thức trải rộng từ văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo, khoa học kĩ thuật, nhiều nhất là văn chương.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về nội dung câu hỏi, tôi xin được dẫn ra đây một số ví dụ cụ thể:

1. Nhóm câu hỏi trường từ vựng

+ Từ nào sau đây không cùng nghĩa với các từ còn lại:

- khắc kỉ [a]; vị kỉ [b]; tự kỉ [c]; ích kỉ [d];

- lẹ làng [a]; sẽ sàng [b]; khẽ khàng [c]; nhẹ nhàng [d]

2. Nhóm câu hỏi hoàn thành câu:

Chọn từ/cụm từ điền vào chỗ trống trong câu hỏi sau đây:

Chọn từ/cụm từ điển vào chỗ trống trong câu dưới đây:

“Khẳng định văn hóa soi đường cho………. đi”, Hồ Chí Minh đã thấy rõ ý nghĩa, vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển của xã hội, con người và xác định để hướng dẫn nhân dân thì “mình cần phải làm... cho người ta bắt chước”

- quốc dân - mực thước [a]; quốc gia - nguyên tắc [b]; dân sinh - mẫu mực [c]; quốc gia - tấm gương [d]

3. Nhóm câu hỏi sửa lỗi câu

Xác định một từ/cụm từ sai (về ngữ pháp, ngữ nghĩa, logic, phong cách):

Dù viết về phong tục, hay con người, trong tác phẩm của Kim Lân, ta vẫn thấy thấp thoáng cuộc sống người nông dân nghèo khổ, thiếu thốn, mà vẫn yêu đời, thật thà, chất phác, mà thông thái, hóm hỉnh, tài hoa.

- thiếu thốn [a]; - yêu đời [b] - chất phác [c]; thông thái [d]

4. Nhóm câu hỏi đọc hiểu

1.1. Câu hỏi đọc hiểu đơn

Đọc đoạn trích và trả lời các câu hỏi: “…Trong anh và em hôm nay/ Đều có một phần Đất Nước? Khi hai đứa cầm tay/ Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm/ Khi chúng ta cầm tay mọi người/ Đất Nước vẹn tròn to lớn/ Mai ngày con ta lớn lên/ Con sẽ mang Đất Nước đi xa/ Đến những tháng ngày mơ mộng…”

Tác giả viết hoa từ Đất Nước với dụng ý gì?

a. Thể hiện thái độ thành kính, trang trọng

b. Thể hiện thái độ gần gũi, thân mật

c.Thể hiện thái độ chân thành, chia sẻ

d. Thể hiện thái độ với tên riêng

1.2. Câu hỏi đọc hiểu phức

Đọc đoạn trích và trả lời câu hỏi:

“Giữa các dân tộc, chúng ta không thể tự hào là nền văn hóa của chúng ta đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Ở một số dân tộc, hoặc là một tôn giáo, hoặc là một trường phái triết học, hoặc một ngành khoa học, một nền âm nhạc, hội họa… phát triển rất cao, phổ biến và lâu dài đến toàn bộ văn hóa, thành đặc sắc văn hóa của dân tộc đó, thành thiên hướng văn hóa của dân tộc đó. Ở ta, thần thoại không phong phú – hay là có, nhưng một thời gian nào đó, đã mất hứng thú lưu truyền? Tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Người Việt Nam không có tâm lí kiền thành (cung kính, thành khẩn), cuồng tín tôn giáo, mà cũng không say mê tranh biện triết học. Các tôn giáo đều có mặt, nhưng thường là biến thành một lối thờ cúng, ít ai quan tâm đến giáo lý. Không có một ngành khoa học, kĩ thuật, giả khoa học (các bộ môn bề ngoài giống như khoa học, những không phải là khoa học) nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kĩ (khéo léo đến cực đỉnh). Trong các ngành nghệ thuật, cái phát triển nhất là thơ ca. Hầu như người nào cũng có thể, cũng có dịp làm dăm ba câu thơ. Nhưng số nhà thơ để lại nhiều tác phẩm thì không có”.

(Trần Đình Hượu, Đến hiện đại từ truyền thống, Ngữ văn 12, tập 2, NXB GDVN, 2014)

Câu hỏi:

1. Theo tác giả đoạn trích, người Việt có ở trường nhất ở môn nghệ thuật nào?

- Thơ ca (a); - Kiến trúc (b); Âm nhạc (c); Hội họa (d)

2. Phong cách ngôn ngữ của đoạn trích là gì?

- khoa học (a); - nghệ thuật (b); - chính luận (c); - báo chí (d)

3. Đoạn trích thể hiện thao tác lập luận chính gì?

a. Giải thích; b. Phân tích; c. Chứng minh; d. Bình luận

4. Đoạn trích bàn chủ yếu về vấn đề gì?

a. văn hóa VN; b. kiến trúc VN; c. khoa học VN; d. tôn giáo VN

5. Theo tác giả, văn hóa VN thể hiện rõ nhất đặc điểm nào dưới đây

a. Không có lĩnh vực nào bị cấm đoán

b.Không có lĩnh vực nào bị kì thị

c. Không có tôn giáo nào phát triển đến đỉnh cao

d. Không có lĩnh vực nào phát triển đến đỉnh cao[3]

Trên đây, chỉ là những ví dụ cụ thể về hình thức và nội dung của một một số câu hỏi trắc nghiệm khách quan trong bài thi đánh giá năng lực.

Nên nhớ, một bài thi đầy đủ môn Ngữ văn sẽ gồm 50 câu hỏi với độ khó dễ khác nhau.

Phần câu hỏi ngôn ngữ, nhằm kiểm tra ba kỹ năng chính là từ ngữ, hoàn thành sửa lỗi câu.

Phần Đọc hiểu kiểm tra khả năng đọc hiểu văn bản của thí sinh trên nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng văn học. Chúng tôi cho rằng, một bài thi như thế sẽ giúp đánh giá toàn diện học sinh hơn.

Vì như trên đã nói, cách thi truyền thống với chủ yếu bài tập làm văn, có thể giúp kiểm tra kỹ năng viết tự luận của học sinh.

Nhưng chúng tôi cho rằng, kỹ năng này học sinh đã được rèn luyện trong suốt thời gian học phổ thông.

Một bài thi tuyển sinh đại học như trắc nghiệm khách quan đánh giá năng lực, khó có thể làm ảnh hưởng đến kỹ năng viết của họ.

Trong khi, thi theo hình thức đánh giá năng lực có thể giúp học sinh rèn luyện tư duy, giảm bớt tính thụ động (học tủ, học lệch), làm tăng khả năng sáng tạo với họ.

Một kỳ thi tuyển sinh đại học dù rất quan trọng với chặng đường phát triển tương lai của một học sinh, nhưng thực ra nó chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi. Thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan đánh giá năng lực chắc chắn “nhẹ nhàng” và chính xác hơn so với bất cứ hình thức thi nào.

Chúng ta vẫn có thể thực hiện thi theo kiểu truyền thống cho những kỳ thi chuyên sâu, nhỏ gọn.

Những học sinh dự thi tuyển sinh đại học thuộc rất nhiều chuyên ngành, thậm chí có những chuyên ngành ít hoặc không sử dụng kiến thức văn chương.

Đó là lý do tôi cho rằng, môn Ngữ văn vẫn có thể sử dụng hình thức thi trắc nghiệm.

Tài liệu tham khảo:

[1][2]. Theo Cổng thông tin Trung tâm khảo thí, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đề thi mẫu đánh giá năng lực.

[3] . Toàn bộ phần viết về bài thi đánh giá năng lực, đều được dẫn từ thông tin của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, đã được công khai trên báo chí

Trần Hinh