Giá xăng: Mất 7 nghìn đồng hay 7 nghìn tỷ đồng?

25/04/2012 13:18
Phạm Mai
Giá xăng vừa tăng gần 7000/lít, người ta than trời than đất. Nhưng có mấy ai biết, để có được giá xăng hiện giờ, Nhà nước phải bù lỗ hàng chục nghìn tỉ mỗi năm?

Trong suốt hai năm qua, cùng với giá điện, nước, giá xăng liên tục tăng mạnh không giảm. Người dân, báo chí và các phương tiện truyền thông lên tiếng cho rằng việc tăng giá các mặt hàng không thể thiếu đó làm đời sống sinh hoạt nói chung ngày càng khó khăn, nhưng liệu có ai đứng ở vị trí các doanh nghiệp và Nhà nước, bù lỗ một khoản ngân sách hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm?

Khủng hoảng kinh tế thế giới và những biến động về giá xăng dầu trên thế giới đã tác động rất lớn đến nền kinh tế quốc nội mỗi nước, không riêng gì Việt Nam. Một trong những biện pháp khắc phục và đối phó với tình trạng trên là việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, trong đó, giá xăng được xếp vào hàng ghế ưu tiên các mặt hàng tăng giá tiêu dùng.

Có thể nói rằng, bắt đầu từ năm 2010, giá xăng bắt đầu tăng mạnh và tăng nhiều lần, ví dụ đơn cử là giá xăng A95 từ giá 17.490 đồng/lít  (năm 2010) tăng lên 24.300 đồng/lít (tháng 4/2012). Làm một phép tính đơn giản, mỗi lít xăng người tiêu dùng đã phải méo mặt rút ví trả thêm gần 7 nghìn đồng/lít xăng. Trong khi còn rất nhiều khoản khác: chi phí ăn ở, sinh hoạt, mua sữa cho con nhỏ, con đi học cho đến tiền điện nước, sách vở, dụng cụ học tập, thuốc thang,... thì việc giá xăng tăng với mức độ trên quả là chóng mặt đối với người dân. Nhưng hãy khoan bàn luận, bức xúc.

Xác định đất nước đang trong giai đoạn khó khăn, thời kì đổi mới và hội nhập, Nhà nước ta đang dần thay đổi các chính sách kinh tế để phù hợp với sự cập nhật của thời đại, toàn cầu hóa. Để cân đối và tạo ra sự ổn định cho thị trường tiêu dùng trong nước, mặt hàng xăng nhập khẩu từ nước ngoài được Nhà nước bảo trợ và chỉ bán ra thị trường với mức giá gần bằng một nửa so với giá thực tế. Tuy vậy, như đã nói, tác động của khủng hoảng kinh tế như một cơn bão ồ ạt tạt vào tất cả các quốc gia, hàng trăm doanh nghiệp Việt Nam lỗ vốn, phá sản, Nhà nước gồng hai vai bù lỗ cho nền kinh tế quốc dân. Theo kết quả báo cáo mới nhất, Doanh nghiệp xăng dầu lỗ ít nhất 1.000 tỷ đồng mỗi tháng, để duy trì hoạt động cho các doanh nghiệp này và ổn định nền kinh tế trong nước, “bà mẹ” của chúng ta lại còng lưng bù lỗ.

So với việc bỏ thêm 7 nghìn đồng cho một lít xăng và việc hằng năm Ngân sách nhà nước mất trên 7 nghìn tỷ đồng bù lỗ cho doanh nghiệp, những công trình phúc lợi bị treo, trường học, đường xá không có kinh phí xây dựng, đâu là việc nên làm? Hẳn chúng ta sẽ nhận ra Chính phủ ta đang khổ sở như thế nào khi đưa tấm lưng của mình ra đỡ đòn cho doanh nghiệp, để tình hình kinh tế dần đi vào ổn định, mục đích cuối cùng giúp người dân có cuộc sống đầy đủ, sung túc hơn.

Bỏ ra 7 nghìn đồng có thể ta thiếu một bữa ăn sáng, còn mất 7 nghìn tỷ đồng, hàng ngàn trẻ em không có trường học, không ít người già, phụ nữ sinh nở chết vì xa bệnh viện, vì không được cứu chữa kịp thời. Bạn chọn nhịn ăn hay chọn nhìn người dân mình thiệt thòi, chết chóc?

Chúng ta có thể đứng từ vị trí của những người đứng mũi chịu sào, ở góc tiếp cận khác bỏ qua lợi ích cá nhân để nhận ra sự hợp lí của chính sách tăng giá xăng trong thời gian qua cũng như các mặt hàng khác. Hẳn, chúng ta sẽ cảm thấy tinh thần mình dễ chịu hơn rất nhiều, nhìn vào mặt tích cực của vấn đề vẫn tốt hơn là tâm trạng bức xúc, bất mãn. Vậy thì, thay vì những phản ứng quá tiêu cực, tạo sao chúng ta không cùng chung tay, hiệp lực, chia nhỏ những khó khăn cho từng người để Việt Nam nhanh chóng lớn mạnh và bền vững hơn?

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

  Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

 Chủ đề tuần này (15/4- 22/4): Tăng giá xăng

 
 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

  Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn

Phạm Mai