Nhà báo: Trước tiên cần học cách tự bảo vệ mình

19/05/2012 15:37
Nguyễn Thơm
(GDVN) - Nghề báo là một nghề vinh quang nhưng cũng đầy hiểm nguy. Vì thế, các nhà báo cần tự bảo vệ mình trước khi dựa vào luật pháp.

Con đường còn lắm chông gai

“Vinh quang” – một từ cao quý dành cho mọi nỗ lực, những thành quả mà nhà báo với “mắt sáng, lòng trong, ngòi bút sắc” đã góp phần làm cho xã hội công bằng và tốt đẹp hơn. Chúng ta tự hào vì có những nhà báo không vì “nén bạc mà đâm toạc tờ giấy” và cuối cùng đã tìm ra sự thật, ra chân lý.

Nhưng làm nên  hai chữ “vinh quang” cao quý kia phải đánh đổi bằng nhiều thứ. Nghề báo không chỉ tạo nên sức ép và áp lực lớn mà còn chứa đựng đầy rẫy hiểm nguy. Hoạt động của nghề báo đa dạng, phong phú. Đặc thù của nghề nghiệp đòi hỏi nhà báo đi nhiều, cọ xát với nhiều đối tượng trong xã hội nên cũng dễ nguy hiểm cho bản thân.

Trên thế giới, người ta công nhận nhà báo là nghề nguy hiểm. Theo thống kê của Hiệp hội liên hợp phóng viên thế giới cho biết: Tỷ lệ tử vong của phóng viên thuộc lĩnh vực điều tra ngày càng tăng. Số phóng viên bị đe dọa, bị hành hung, bắt cóc cũng không ngừng tăng lên.

Ở Việt Nam, mặc dù không có chiến tranh, khủng bố… như một số nước trên thế giới nhưng nhà báo vẫn không thể tránh khỏi những hiểm nguy. Các nhà báo phải đối mặt với những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, mua chuộc, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, quấy rối tình dục, vu khống, tấn công, gây thương tích, trả thù và vô số những việc làm khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả tinh thần và thể xác của các nhà báo.

Tự trang bị kỹ năng và “ vũ khí” bảo vệ

Trước tình trạng đáng báo động đó, mỗi nhà báo cần phải học cách tự bảo vệ lấy chính mình trước khi dựa vào luật pháp.

Làm báo đồng nghĩa với việc những nhà báo tự nung mình trong lò lửa. Trước một sự việc cần phản ánh thì sự mạo hiểm là cần thiết nhưng cần hơn cả là sự thận trọng.

Để bảo vệ mình, nhà báo cũng cần phải biết tỉnh táo để có được những thông tin hữu ích nhất và đúng luật cho mục đích công việc cuối cùng của mình. Và phải chuẩn bị cho mình những tình huống xấu nhất để có thể “giải cứu” cho mình khỏi những tai nạn nghề nghiệp đáng tiếc xảy ra.

Nhà báo cũng nên học võ – không chỉ để tăng cường thể lực mà còn giúp nhà báo có thể tự vệ khi gặp nguy hiểm.

Một nhà báo giỏi không chỉ cần có sức khỏe tốt, được trang bị kiến thức  về chuyên môn, những hiểu biết về luật pháp mà còn phải có kĩ năng nghiệp vụ vốn kinh nghiệm sống tốt.

Một tâm thế bình tĩnh, tự tin và bản lĩnh vững vàng sẽ giúp những nhà báo vượt qua mọi hiểm nguy và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình!


Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (14/5- 20/5): Nghề báo - Nghề nguy hiểm

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
                                                                                                 
Nguyễn Thơm