SV có nhiều trải nghiệm thực tế khi học ngành Quản trị dịch vụ du lịch & lữ hành

09/07/2024 10:53
Thu Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Ngoài việc học lý thuyết trên lớp, SV ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của Trường ĐH Hòa Bình được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp ngay từ năm nhất.

Trong những năm trở lại đây, ngành du lịch của Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước.

Với lợi thế là một quốc gia có bờ biển trải dài khắp đất nước, có tiềm năng du lịch biển phong phú, Việt Nam còn có cả lợi thế về du lịch miền núi, sông hồ, hang động, phong cảnh thiên nhiên trù phú cũng tạo nên một đất nước có địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Do đó nguồn nhân lực cần thiết làm việc trong ngành này là rất lớn.

Trường Đại học Hòa Bình là một trong những cơ sở giáo dục đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Những năm gần, Khoa Du lịch - Trường Đại học Hòa Bình luôn nhận được nhiều sự quan tâm mạnh mẽ của người học.

Chương trình đào tạo có tính thực tiễn cao

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình chia sẻ, chương trình đào tạo cử nhân ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành của trường luôn được ưu tiên đào tạo kết hợp thực hành, trải nghiệm thực tế.

Trong chương trình học, sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn được trải nghiệm thực tế, thực tập tại ngay từ năm nhất. Nhà trường cũng đã tổ chức các buổi dã ngoại, đi thực tế, trải nghiệm tại nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng giúp sinh viên có cơ hội cọ xát, tích lũy thêm cho bản thân những kỹ năng, kinh nghiệm, để ứng dụng vào thực tiễn.

Cũng theo cô Hằng, sinh viên của khoa luôn được đi thực tập từ sớm, khối lượng thực tập khoảng 35-40%, sinh viên khoa Du lịch Trường Đại học Hòa Bình có cơ hội vừa học lý thuyết vừa thực hành để ghi nhớ các kiến thức và kỹ năng chuyên môn.

Một điểm đặc biệt trong chương trình đào tạo ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành là những môn học lý thuyết cũng sẽ được học theo hình thức vận dụng, ứng dụng vào công việc sau này.

Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC
Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC

“Khi học môn Lịch sử văn minh thế giới, các bạn được học về văn hóa Ấn Độ, sinh viên sẽ phải có sự so sánh sự khác biệt giữa văn hóa Ấn Độ với văn hóa Việt Nam, như nếu tiếp 1 đoàn khách Ấn Độ sang Việt Nam thì các bạn cần lưu ý những gì, từ những môn học đó sinh viên sẽ áp dụng được từ lý thuyết sang thực tế trong công việc.

Tất cả những kiến thức mà sinh viên theo học không chỉ là kiến thức về lý thuyết đơn thuần mà các bạn sẽ học dưới góc độ là làm bài tập thực hành và làm bài tập nhóm để rút ra được những bài học, ứng dụng cho công việc các bạn làm”, cô Hằng chia sẻ.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh:NVCC
Lễ ký kết hợp tác chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực của Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh:NVCC

Bên cạnh đó, khoa Du lịch của Trường Đại học Hòa Bình được đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và thường có những ưu đãi như được các công ty, doanh nghiệp tài trợ học bổng hay thực tập có hưởng lương. Ngoài ra, những chuyên gia của doanh nghiệp cũng thường xuyên đến để chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn thực hành thực tập cho sinh viên. Đồng thời, doanh nghiệp cũng tham gia, đồng hành đào tạo cùng nhà trường.

Theo cô Hằng, trong suốt khóa học, ngoài việc học lý thuyết trên giảng đường, sinh viên sẽ được liên tục trải nghiệm các hoạt động như: sinh hoạt ngoại khóa, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, tham quan các công ty du lịch uy tín, thực hành các bài tập cá nhân, nhóm liên quan đến nghiệp vụ hướng dẫn viên, điều hành tour hay quản trị tuyến điểm du lịch.

Sinh viên Nguyễn Phương Thảo giành giải nhất “Đại sứ văn hoá du lịch sinh viên năm 2022. Ảnh: NVCC
Sinh viên Nguyễn Phương Thảo giành giải nhất “Đại sứ văn hoá du lịch sinh viên năm 2022. Ảnh: NVCC

Thời gian gần đây, sinh viên Khoa Du lịch đã tích cực tham gia và mang lại nhiều thành tích cho Khoa nói riêng và Trường nói chung. Cụ thể, có 2 nhóm sinh viên Khoa Du lịch của Trường Đại học Hòa Bình đã xuất sắc góp mặt top 20 vòng chung kết cuộc thi bảo tồn di sản văn hóa Châu Á của UNESCO.

Đặc biệt, vượt qua nhiều nhóm sinh viên đến từ các trường đại học, các nước khác như Malaysia, Indonesia, Macao, Trung Quốc,… Việt Nam vinh dự đạt 2 giải chung cuộc là giải ba và giải khuyến khích. 2 giải này đều thuộc sinh viên Khoa Du lịch Trường Đại học Hòa Bình.

Nhiều sinh viên khoa cũng đã tham gia hoạt động do các đơn vị, các tỉnh thành khác nhau tổ chức. Qua đó giúp các em vừa tăng cường thêm kỹ năng sống, bạo dạn hơn khi có cơ hội được giao lưu, học hỏi, vừa để tăng thêm cơ hội việc làm sau khi ra trường.

Sinh viên Khoa Du lịch đạt giải 3 (nhóm Tràng An- áo vàng); giải khuyến khích (nhóm Hoàng Thành- áo hồng) tại cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hoá và các giải pháp bền vững lần thứ nhất” do UNESCO tổ chức tháng 4/2023. Ảnh: NVCC
Sinh viên Khoa Du lịch đạt giải 3 (nhóm Tràng An- áo vàng); giải khuyến khích (nhóm Hoàng Thành- áo hồng) tại cuộc thi “Bảo tồn di sản văn hoá và các giải pháp bền vững lần thứ nhất” do UNESCO tổ chức tháng 4/2023. Ảnh: NVCC

Về định hướng phát triển, khoa luôn không ngừng cải tiến, đổi mới và không ngừng mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sinh viên, đồng thời liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học với các đơn vị trong nước và quốc tế để đáp ứng các xu hướng phát triển đa dạng của ngành Du lịch.

Sinh viên Phạm Thị Trang - Khoa Du lịch đại diện thanh niên châu Á phát biểu tại Lễ khai mạc “Diễn đàn thanh niên châu Á hành động bảo vệ di sản”- IACF lần thứ 4 tại Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc tháng 4/2023. Ảnh: NVCC
Sinh viên Phạm Thị Trang - Khoa Du lịch đại diện thanh niên châu Á phát biểu tại Lễ khai mạc “Diễn đàn thanh niên châu Á hành động bảo vệ di sản”- IACF lần thứ 4 tại Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc tháng 4/2023. Ảnh: NVCC

Những kỹ năng nào cần có để học tốt ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành?

Theo Tiến sĩ Trần Diễm Hằng, du lịch là ngành có tính hướng ngoại cao, vì vậy, sinh viên du lịch ngoài việc cần có những kiến thức về lịch sử, văn hóa, địa lý thì cần có những kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp.

Cũng theo cô Hằng, sinh viên theo học ngành này không nhất thiết phải là người hướng ngoại nhưng cần chịu khó học hỏi, tự tin, chủ động tìm hiểu để nắm vững kiến thức cơ bản và tổng quan về ngành, xu hướng và thị trường du lịch hiện nay,… bởi du lịch là công việc phải giao tiếp với nhiều người và nhiều đất nước khác nhau.

Vì vậy, các bạn nên trau dồi thêm các kiến thức có trong sách vở, báo, đài để có cái nhìn đa chiều hơn trong việc đón tiếp các vị khách trong công việc sau này.

Sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình trong chuyến đi thực tế. Ảnh: NVCC
Sinh viên khoa Du lịch, Trường Đại học Hòa Bình trong chuyến đi thực tế. Ảnh: NVCC

Ngoài ra, kỹ năng làm việc nhóm cũng là một kỹ năng vô cùng quan trọng bởi nếu làm hướng dẫn viên tour du lịch thì việc hoạt động theo nhóm sẽ thường xuyên xảy ra, đằng sau hướng dẫn viên du lịch còn có những nhân viên điều hành giúp các hướng dẫn viên tiếp nhận thông tin từ các chương trình du lịch về yêu cầu của khách, các vấn đề phát sinh trong tour. Vì vậy, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý để đem đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Cuối cùng, kỹ năng ứng biến, xử lý tình huống của một người làm ngành du lịch là không thể không có. Bản thân các bạn phải là những người xử lý linh hoạt dựa trên nguyên tắc là tôn trọng khách hàng nhưng vẫn phải mềm mỏng để đảm bảo được quyền lợi của khách mà vẫn đúng với pháp luật và không gây ảnh hưởng quá nhiều đến đơn vị chủ quản của mình.

Đồng thời, sinh viên theo học ngành này cũng cần trau dồi thêm vốn ngoại ngữ nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay, du lịch Việt Nam đã và đang phát triển. Vì vậy, nếu có thêm thế mạnh về ngoại ngữ thì cơ hội việc làm sẽ được rộng mở hơn và đặc biệt là những bạn thông thạo thêm tiếng Hàn, tiếng Trung, tiếng Nhật.

“Nhiều bạn thắc mắc là không thành thạo ngoại ngữ thì có học du lịch được không? Câu trả lời là hoàn toàn học được, các bạn có thể làm hướng dẫn viên nội địa. Tuy nhiên, các bạn nên giao tiếp ngoại ngữ ở mức cơ bản để tăng thêm cơ hội việc làm cho mình”, cô Hằng chia sẻ.

Đa dạng cơ hội việc làm

Theo cô Hằng, một trong lý do khiến ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành luôn nhận được nhiều sự quan tâm của các thí sinh bởi ngành du lịch của Việt Nam ngày càng phát triển, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, lĩnh vực Dịch vụ – Du lịch cũng chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế.

Xã hội, kinh tế phát triển dẫn tới nhu cầu đi du lịch cũng tăng cao, ngoài việc chọn du lịch để khám phá, trải nghiệm, nhiều người còn chọn du lịch để nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, khám phá những không gian văn hóa mới lạ,…

Do đó nguồn nhân lực cần thiết làm việc trong ngành này là rất lớn, các bạn sinh viên có nhiều cơ hội để tìm kiếm những công việc phù hợp, những vị trí việc làm với mức lương hấp dẫn.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có các vị trí việc làm rất rộng mở như hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế, điều hành du lịch, sales tour, giám đốc công ty du lịch, MC, điều phối viên sự kiện, giám đốc công ty sự kiện, điều hành nhà xe, điều hành phòng vé…. hoặc làm trong sở, ban ngành về du lịch, cơ quan truyền thông về du lịch.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Hòa Bình luôn có ưu đãi về học bổng dành cho các ngành nói chung và mỗi 1 năm thì các chính sách ưu đãi sẽ áp dụng mỗi khác.

Cô Hằng chia sẻ, năm nay, riêng với khoa Du lịch, 100 sinh viên nhập học đầu tiên sẽ được tặng 1 chuyến du lịch Sapa 3 ngày 2 đêm, phần quà này là trường dành tặng cho các bạn để sinh viên có những trải nghiệm đầu tiên giúp các bạn hiểu hơn về ngành và hình dung ra công việc sau này các bạn sẽ làm.

Bạn Nguyễn Mạnh Tùng, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Hòa Bình đã đạt giải 3 chung kết cuộc thi “Vườn ươm tài năng văn hóa Du lịch” năm 2023 do Sở văn hóa, thể thao và Du lịch Hà Nội phối hợp Công ty trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và Du lịch Tam chúc tổ chức.

Tùng chia sẻ, bản thân chọn học ngành Quản trị du lịch và lữ hành bởi thích sự di chuyển, tìm tòi, khám phá lịch sử, văn hóa, địa lý của các quốc gia khác nhau.

Trong suốt khóa học, ngoài việc học lý thuyết trên giảng đường, học hỏi thực hành, sinh viên sẽ được liên tục trải nghiệm các hoạt động như: sinh hoạt ngoại khóa, tham quan các điểm du lịch nổi tiếng, tham quan các công ty du lịch uy tín, thực hành các bài tập cá nhân, nhóm liên quan đến nghiệp vụ hướng dẫn viên, điều hành tour hay quản trị tuyến điểm du lịch.

“Sinh viên được tạo điều kiện đi thực tập, tham quan ngay từ năm nhất, điều này giúp em có được những trải nghiệm, thực tế. Khi được đi đến nhiều nơi, các bạn sẽ được trải nghiệm nhiều nét văn hóa vùng miền khác nhau, từ đó tăng thêm hiểu biết về lịch sử, địa lý của từng địa phương đó”, Tùng chia sẻ.

Chương trình học thực tế tại Sapa, Lào Cai của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC
Chương trình học thực tế tại Sapa, Lào Cai của sinh viên Trường Đại học Hòa Bình. Ảnh: NVCC

Bạn Nguyễn Phương Thảo, sinh viên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Trường Đại học Hòa Bình cũng đã giành giải nhất “Đại sứ văn hoá du lịch sinh viên năm 2022”, cho hay, nhà trường luôn tạo môi trường học tập năng động, sáng tạo, khuyến khích sinh viên phát huy tiềm năng và đam mê của mình.

Chia sẻ về kinh nghiệm học tập của mình, theo Thảo, các môn chuyên ngành đều ghi chép đầy đủ để nắm vững kiến thức, từ đó sẽ không quá vất vả trong việc ôn thi. Đặc biệt nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên được đi thực tập tại các doanh nghiệp trong suốt quá trình học, giúp sinh viên củng cố lại kiến thức được học trên lớp, ghi nhớ kỹ năng chuyên môn và áp dụng vào thực tế.

“Được đi thực tập tại các doanh nghiệp giúp em có kĩ năng về nghiệp vụ tốt hơn bởi khi đi thực tập, sinh viên được tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, được tiếp xúc với nhiều khách hàng giúp em hiểu được tâm lý khách hàng và về vị trí việc làm của ngành.

Bên cạnh đó các nhà tuyển dụng được các thầy, cô trong khoa giới thiệu đều là những người có nhiều năm kinh nghiệm, các khách sạn, nhà hàng nổi tiếng giúp sinh viên có cơ hội làm việc trong môi trường chuyên nghiệp”, Thảo chia sẻ.

Thu Trang