Ngày 26/1/2019, ngành Giáo dục huyện Vĩnh Thuận khai mạc “Ngày hội giáo dục huyện Vĩnh Thuận lần thứ II”.
Tham dự chương trình có 33/33 trường từ Mầm non đến cấp Trung học cơ sở của huyện Vĩnh Thuận.
Công tác này đã được chuẩn bị và xây dựng cụ thể bởi Kế hoạch số 163/KH-PGD ngày 37/12/2018.
Khai mạc "Ngày hội giáo dục" ở huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang (Ảnh tác giả) |
Có 04 giải thưởng của chường trình dành cho các cuộc thi, tiền khen thưởng mang tính chất cổ vũ, động viên nên chỉ tương đương 25% mức lương cơ sở cho giải nhất (350.000 đồng); 20% mức lương cơ sở cho giải nhì (280.000 đồng); 15% mức lương cơ cở cho giải ba (210.000) và 10% mức lương cơ sở cho gải khuyến khích (150.000).
Có thể nói, đây là một sự sáng tạo mang tính chất “ đột phá” rất đáng ghi nhận của việc tổ chức chương trình.
Mục đích của ngày hội là quảng bá, tuyên truyền các hoạt động giáo dục như: đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và giảng dạy;
Kỹ năng sử dụng đồ dùng dạy học, giao lưu văn nghệ, dạy và học tiếng Anh...
Thời gian gần đây, dư luận rất bức xúc trước các vấn đề tổ chức đủ kiểu hội thi trong ngành giáo dục.
Học sinh múa hát chào mừng ngày hội (Ảnh tác giả cung cấp) |
Các hội thi luôn mang tính cạnh tranh, hơn thua để đưa vào “thi đua” tranh giành quyền lợi nên sự thực “lượng” thì nhiều mà “chất” gần như không có.
Việc tham dự “hội thi” đa phần là bắt buộc, thiếu sự tự nguyện nên rất nặng nề.
Với cách làm mới đầy sáng tạo, việc tổ chức “ Ngày hội giáo dục” của ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận đã tạo ra luồng sinh khí mới cho công tác thi đua của ngành.
Nội dung chương trình gồm các hoạt động như giao lưu văn nghệ, giao lưu thể thao, ẩm thực, đồ dùng dạy học tự làm, thi sử dụng bảng tương tác, thi bài giảng E-learning, tiếng Anh tài năng...
Sự phấn khởi trong việc giao lưu và không khí tươi vui của ngày hội khiến tất cả các công việc tưởng như bó buộc, nặng nề và áp lực trong việc thi đua bỗng trở nên thật nhẹ nhàng.
Mô hình Lễ hội (Ảnh tác giả) |
Điểm đặc biệt trong chương trình là các đơn vị trường và giáo viên có thể tùy thích đăng ký nội dung mà đơn vị hay cá nhân giáo viên có sở trường để giao lưu.
Các nội dung giao lưu được ban tổ chức chấm điểm nhưng tất cả chỉ là giao lưu để tạo nên những niềm vui trong không khí đón xuân về.
Không đưa vào xét thi đua nên hầu như không có sự ganh đua giữa các đơn vị trường.
Không có sự ràng buộc, gò bó trong "thi thố, cạnh tranh" nên chất lượng các nội dung tham gia thi cũng trở nên thực chất, đây là điều khó tìm kiếm trong các hội thi khác.
Thông qua “Ngày hội giáo dục”, tính tương tác và thân thiện giữa các đơn vị trường học trong huyện được kết nối khăng khít và thân ái. Bởi hầu như áp lực của “ thi thố” được rũ bỏ.
Mô hình cây đa năng Trường Tiểu học Thị Trấn 2 (Ảnh tác giả) |
Thầy Trần Văn Ngoan, giáo viên trường Tiểu học Thị Trấn 2 đại diện cho nhóm giáo viên tham gia dự thi mô hình “Đồ dùng dạy học tự làm” bày tỏ:
"Tôi rất tự tin và thoải mái đại diện cho nhóm thuyết trình mô hình “Đồ dùng dạy học tự làm” có tên gọi : Cây đa năng.
Tôi không có bất cứ áp lực gì vì chỉ tiêu kết quả nên mạnh dạn chia sẻ những sáng kiến trong áp dụng mô hình “Cây đa năng” của nhóm mình.
Tôi nghĩ, chỉ cần giáo viên được tự do sáng tạo và áp dụng vào tiết học giảng dạy cho học sinh bằng chính những sản phẩm đồ dùng của mình làm ra thì sự hứng thú sẽ tăng hơn bội phần.
Hầu hết những người có mặt tại “Ngày hội giáo dục” đều cảm thấy thoải mái, vui tươi.
Chính các em học sinh tham gia ngày hội cũng thực sự cảm nhận đây là ngày hội chứ không phải là một kỳ thi, mặc dù các em chính là những thí sinh tham gia nội dung “tiếng Anh tài năng”.
Thầy Mai Văn Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phong Đông nhận xét:
"Trước đây, tôi chấm thi học sinh giỏi môn Tiếng Anh nhiều năm, nhưng chưa thấy có sự hiệu quả cao như khi áp dụng hình thức thi môn học này vào mô hình “Ngày hội giáo dục”.
Mô hình khu vui chơi trẻ em (Ảnh tác giả cung cấp) |
Huyện Vĩnh Thuận mới thực hiện mô hình này 2 lần (2 năm tổ chức 1 lần) nhưng kỹ năng tiếng Anh của học sinh dự thi có sự phát triển rõ rệt.
Ban tổ chức bố trí chương trình theo cụm trường thuộc địa bàn xã-thị và một cô giáo trẻ trong cụm trường thuộc địa bàn Thị Trấn Vĩnh Thuận chia sẻ:
“Em rất thích không khí thoải mái và thân thiện của ngày hội. Có cảm giác các trường trong cụm có điều kiện xích lại gần gũi hơn, gắn bó hơn, thân thiện hơn”.
Như vậy có thể thấy rằng, chưa hẳn các kỳ thi “ giáo viên dạy giỏi”, “ học sinh giỏi”…có tổ chức quy mô và được phân biệt thứ, hạng bằng cách xây dựng các tiêu chí thi đua bắt buộc đã đem lại hiệu quả cao cho công tác giáo dục.
Hoạt động giáo dục là hoạt động trí tuệ nên rất cần sự tự do sáng tạo và sự nhận định đánh giá khách quan công bằng.
Nếu cứ áp đặt và chỉ chăm chăm nhìn vào bảng thành tích thì hậu quả của bệnh thành tích trong giáo dục sẽ trở nên nặng nề hơn và chữa trị sẽ nan giải, khó khăn hơn rất nhiều.
Sự thay đổi để giáo dục tươi sáng hơn có lẽ cần thiết bắt đầu ngay từ các cơ sở giáo dục và để làm được điều đó rất cần sự sáng tạo và đột phá trong công tác quản lý của những nhà quản lý giáo dục từ địa phương đến Trung ương.