Ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông cận kề, tâm trạng sĩ tử Hà Nội thế nào?

04/07/2022 07:00
Minh Ngọc - Mai Khanh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kì thi tốt nghiệp đã cận kề, nhiều thí sinh ôn thi trong tâm trạng bồn chồn vì không biết liệu hồ sơ xét tuyển học bạ của mình đã nằm trong vùng an toàn hay chưa?

Kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông diễn ra vào hai ngày 7-8/7, bên cạnh ôn luyện tốt những kiến thức đã học, việc chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho kì thi cũng quan trọng không kém.

Tính tới thời điểm hiện tại, các em học sinh lớp 12 khóa này đã phải trải qua hai năm học tập dưới tình trạng dịch bệnh diễn ra căng thẳng. Do đó, hầu hết các trường đại học đều tăng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng học bạ, điều này vừa tạo điều kiện hơn cho thí sinh, đồng thời các trường chủ động hơn trong tuyển sinh.

Tuy nhiên điều này cũng tạo ra những áp lực không nhỏ với những em học sinh vẫn đang ngày đêm ôn luyện.

Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định, năm nay, chưa đến 10% chỉ tiêu được các trường dành cho các phương thức khác. Do đó, tới 90% vẫn xét tuyển theo 2 phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Lo lắng về kết quả xét tuyển học bạ

Em Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam, cho biết em dự kiến sẽ dùng học bạ để xét tuyển vào đại học năm nay.

“Em thấy rằng mình có ưu thế khi vừa là học sinh trường chuyên vừa có chứng chỉ ngoại ngữ, vậy nên em muốn nộp học bạ xét tuyển sớm để có nhiều cơ hội đỗ hơn.”, nữ sinh Hà thành chia sẻ.

Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Quỳnh Trang, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh: NVCC)

Trang cho biết, mình chủ yếu nộp hồ sơ vào các trường khối xã hội như Học viện Ngoại giao, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, và nộp một trường khối kinh tế là Trường Đại học Ngoại thương.

“Mọi năm thì thông thường quy chế của Bộ sẽ ra sớm, và các trường ra đề án cũng sớm, nên học sinh nếu xét tuyển học bạ thì có thể yên tâm trước. Nhưng năm nay Bộ ra quy chế muộn, chưa đầy một tháng trước khi thi mới có, sau đó các trường mới ra đề án theo thì rất khó cho những học sinh muốn xét tuyển sớm như bọn em, vì vừa phải ôn thi giai đoạn cuối, vừa phải theo dõi sát sao, nghe ngóng rồi chạy theo đề án tuyển sinh của từng trường nên cũng hơi hoang mang và áp lực tâm lí.”, Quỳnh Trang chia sẻ thêm.

Tương tự, em Phạm Quốc Hào, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng cho biết rằng mình đã cố gắng cải thiện điểm số trên lớp từ đầu cấp ba và thi chứng chỉ ngoại ngữ để "làm đẹp" hồ sơ học bạ.

Hào cũng đã định hướng đi theo ngành luật từ sớm, và em cũng cho rằng “đây là một ngành đặc thù, đòi hỏi quá trình học tập, rèn luyện về nhiều mặt”.

Phạm Quốc Hào, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh: NVCC)

Phạm Quốc Hào, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội - Amsterdam. (Ảnh: NVCC)

Hiện tại, em đang chuẩn bị hồ sơ để nộp vào Trường Đại học Luật Hà Nội, và đang chờ kết quả xét tuyển từ Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh công bố kết quả vào ngày 4/7 - trước kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, còn Trường Đại học Luật Hà Nội mới mở cổng tuyển sinh từ ngày 1/7.

“Một khó khăn mà em gặp phải trong quá trình chuẩn bị hồ sơ là học bạ của em cũng không quá đẹp, không có nhiều thành tích, giải thưởng và chứng chỉ ngoại ngữ cũng không cao hẳn”, Quốc Hào chia sẻ.

“Ngoài ra em cũng thấy là đề án tuyển sinh của các trường năm nay cũng rất khác nhau. Có những trường họ ưu tiên giải quốc gia, quốc tế, hoặc có những trường ưu tiên chứng chỉ IELTS… Em thấy việc theo đuổi đề án tuyển sinh của các trường mà không thống nhất như vậy khiến cho những học sinh như em gặp vô vàn thử thách.”, nam sinh Hà Nội cho biết.

“Em thấy năm nay các trường cũng đã giảm chỉ tiêu cho xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, vậy nên nếu xét bằng con đường này thì cần ôn thi tập trung, điểm phải cao hẳn thì mới có khả năng đỗ.”, Hào nói thêm.

Đảm bảo sức khoẻ thể chất và tinh thần trước ngày thi

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp diễn và có những chuyển biến mới, hai thí sinh đều đề cập tới vấn đề đảm bảo sức khỏe trong quá trình ôn thi.

“Gần sát ngày thì em sẽ cố gắng không thức khuya nữa, đi ngủ sớm, dậy sớm cho tỉnh táo và quen với giờ giấc đi thi. Dù đây là một kì thi quan trọng nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe của mình là trên hết, khỏe mạnh thì mới tỉnh táo và làm bài tốt được.”, Quỳnh Trang chia sẻ.

Quốc Hào tâm sự: “Cá nhân em là một người rất hay lo, có khi không ngủ được nhiều, thường thức dậy sớm. Bây giờ em đang cố gắng bình tĩnh hơn, đi ngủ sớm hơn để cân đối với quá trình học tập”.

Chia sẻ tâm trạng trước kì thi, Quốc Hào cho biết: “Bây giờ em cũng khá lo vì kết quả xét tuyển học bạ chưa biết thế nào, khá là may rủi. Nhưng ngoài vấn đề đó ra thì em cũng sắp kết thúc 12 năm học, chuẩn bị bước sang một trang mới của cuộc đời, và em cũng muốn được trải nghiệm nhiều hơn ở môi trường đại học.”

Có thể thấy, tâm lý của học sinh nhìn chung là khá lo lắng trước thềm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài việc chuẩn bị tốt về kiến thức thì sự chuẩn bị về sức khỏe, tâm lý cũng vô cùng quan trọng. Kì thi đang đến gần, các thí sinh cần giữ sức khỏe, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, phân bổ thời gian học tập khoa học để đạt kết quả tốt nhất mà mình mong muốn.

Minh Ngọc - Mai Khanh