Tạ Trí Hải, một cái tên đã trở nên quen thuộc với hầu hết các khán giả của sân khấu đường phố, sân khấu ngàn sao, một góc công viên, đôi khi là bên cạnh tượng đài. Sau mấy chục năm sống và cống hiến cho âm nhạc tự do, ông đã lần lượt tấu lên hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn những giai điệu du dương trên khắp các ngả đường phố.
Cuộc chuyện trò thân mật giữa tôi và ông được thực hiện vào một ngày đẹp trời, khi ông có chuyến “công du” ra Hà Nội. Gốc cây lộc vừng là góc thân thuộc nơi ông thường lui tới để đánh lên những bản nhạc hay nhất về trái tim hồng của tổ quốc.
Ông bảo không hiểu sao, nhưng mỗi lần có dịp ghé thăm Hà Nội, ông đều có một cảm nhận rất riêng. Cảnh vật thì vẫn thế, phố phường vẫn vậy, chỉ có duy nhất một thứ khiến ông nhớ mãi, ấn tượng mãi ấy là tấm lòng yêu âm nhạc, là tình người với người trong âm nhạc mà khán giả Thủ Đô dành cho ông - người không gia đình, không vợ con và không biết phấn đấu vì cái gì hơn thế.
Ông bảo không hiểu sao, nhưng mỗi lần có dịp ghé thăm Hà Nội, ông đều có một cảm nhận rất riêng. Cảnh vật thì vẫn thế, phố phường vẫn vậy, chỉ có duy nhất một thứ khiến ông nhớ mãi, ấn tượng mãi ấy là tấm lòng yêu âm nhạc, là tình người với người trong âm nhạc mà khán giả Thủ Đô dành cho ông - người không gia đình, không vợ con và không biết phấn đấu vì cái gì hơn thế.
Người nước ngoài cũng bị cuốn hút bởi tiếng đàn đầy ma lực của nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải |
* Thưa nghệ sĩ Tạ Trí Hải, “lão nghệ sĩ du ca đường phố” là một tên gọi trìu mến mà khán giả vẫn dùng để đặt cho ông trong thời gian qua. Vậy ai hay điều gì thôi thúc khiến ông quyết định theo đuổi danh phận mong manh ấy?
- Tôi nghĩ, đó không phải là danh phận mong manh mà là niềm hạnh phúc sâu thẳm mà cuộc đời đã lỡ ưu ái ban tặng cho tôi. Tôi luôn tự hào vì điều đó. Đã gần 10 năm nay, tôi mang cây đàn, ngày rong ruổi trên phố đàn hát cho mọi người nghe, đêm lại trở về ngôi nhà ẩm mốc, lụp xụp ở phố Ngô Đức Kế. Một mình, lặng lẽ. Gia tài tôi có được, đó là những người bạn, không phân biệt tuổi tác, không phân biệt quốc tịch, biên giới ở khắp mọi miền, trở thành nỗi nhớ cho họ khi đi xa. Thậm chí, tình cảm ấy lớn đến độ, đã có người bạn nước ngoài vì mê tiếng đàn mà lấy tên của tôi để đặt cho mình.
* Khi chuyển tải các nhạc phẩm bằng Violin hay guitar, ông thường lựa chọn góc độ nào để người nghe vẫn có thể cảm thụ được mà không gây nhàm chán?
- Tôi đến với âm nhạc bằng bản năng. Tôi không có dự định, tính toán gì về nó trước khi biểu diễn. Tôi đến với âm nhạc, nhiều khi chỉ là để đồng điệu, để đắm chìm vào cái không khí ở đó, sống hoài tưởng cùng các nhạc phẩm của mình ngay cả khi nó đã trở thành dĩ vãng. Cái quan trọng là phải biết lần theo cảm xúc của mình để tìm tới những kí ức của nó. Tôi không có ý thức gì khi biểu diễn, kể cả với Violin hay Guitar. Bởi âm nhạc đâu chỉ nghe bằng tai mà còn có thể bằng cảm nhận, bằng trái tim của mình. Đứng trước mỗi bản nhạc, tôi đều nhập tâm hết thảy rồi cứ vậy đánh theo cảm xúc.
Đã không ít lần, được say ngắm độc giả bủa vây, người vỗ tay, người đăm chiêu ánh mắt thả hồn theo giai điệu Violin, thực sự lúc đó mình không muốn ngừng bản nhạc đang chơi, chỉ vì nếu dừng lại ngay thôi mình sẽ vĩnh viễn mất đi chuỗi cảm xúc, sự đồng điệu với người cảm thụ âm nhạc. Hiếm người chơi nhạc làm được điều này. Phải nói, mình là người làm nghệ thuật hạnh phúc nhất thế gian vì được khán giả yêu mến, chấp nhận, và cả chiều chuộng nữa.
* Có ai đó nói rằng, họ cảm nhận nỗi mất mát khôn cùng trong tiếng đàn Tạ Trí Hải mỗi khi ngược về với quá khứ, thấy viễn cảnh cuộc đời trôi chảy trước mắt. Dường như nghe âm nhạc của nghệ sĩ, họ thấy yêu đời và thiết tha muốn sống hơn. Vậy cá nhân nghệ sĩ thấy điều này có đúng không?
- Thực ra, những ai làm nghệ thuật đều mong muốn người nghe thấu hiểu được cái ý nghĩa, cái tư tưởng cũng như suy nghĩ của mình thông qua mỗi tác phẩm. Tôi nghĩ, người nghệ sĩ cũng như bao người khác, nhưng cuộc đời họ là một thế giới phong phú với rất nhiều những phẩm chất đặc biệt. Trong cuộc sống có bao nhiêu hệ giá trị thì người nghệ sĩ họ cũng có bấy nhiêu khúc thức tâm hồn tương ứng. Vì thế nếu không nhạy cảm và tinh tế, không trau dồi vốn sống, chất sống, tìm tòi và đào sâu thì, người nghệ sĩ không thể cho ra được những tác phẩm có hồn. Âm nhạc là một địa hạt tương đối nhạy cảm, người viết nhạc, chơi nhạc cũng là người tương đối nhạy bén.
Văn chương nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng không cần những suy nghĩ nông cạn, không cần những cái bằng phẳng và dễ dãi, nhạt nhẽo và vô vị của một tâm hồn tẻ nhạt và hời hợt. Nó cần người có tài năng và bản lĩnh, cần tâm hồn, tấm lòng và cả sự khổ luyện của người nghệ sĩ. Không giống bất kì một lĩnh vực văn hóa nào, âm nhạc chú trọng trước hết đến cá tính và “điệu hồn” riêng của người nghệ sĩ. Nó không thể sống nếu mất đi cái riêng độc đáo cụ thể, cá biệt và sinh động ấy.
Chẳng hạn, nếu một bài hát, hay một khúc được tấu lên, mà ta có thể cảm thấy những gì là sự rung động từ con tim, đôi khi muốn trào lên khóc, hoặc đôi khi hạnh phúc, thì nghĩa là âm nhạc đã đạt đến cảnh giới. Sở dĩ, nhiều người đôi khi nghe tiếng đàn của tôi mà trĩu nặng âu tư, phiền cảm, hoặc tưng bừng vui nhộn cũng bởi trong tâm hồn họ đã chứa đựng sẵn cảm xúc này, tâm trạng này, chỉ đến khi có âm nhạc tác động thì vô hình chung được khơi dậy mà thôi.
Mà làm được như thế, theo tôi là niềm khát khao không phải người sáng tạo nghệ thuật nào cũng đạt được. Âm nhạc khơi gợi sự đồng cảm của nhiều con tim cùng một lúc, gắn kết nhiều tâm hồn cùng vào một thời điểm, ấy chính là thứ âm nhạc không biên giới.
* Vậy có vẻ như ông rất hài lòng với những thành công hiện tại?
- Theo tôi, ở đây không phải là hài lòng hay không hài lòng mà tôi muốn ví mình như người đang leo núi và bắt buộc phải leo. Tôi cảm thấy mình thật may mắn và hạnh phúc khi đem được âm nhạc đến gần hơn với mọi người, mọi nhà và tôi muốn suốt đời mình theo đuổi nó.
* Một câu hỏi riêng tư nhé, ông có thể tiết lộ người khiến Tạ Trí Hải có nhiều kỉ niệm nhất là ai không?
- Là khán giả (cười). Chính khán giả đã tạo dựng nên một ông lão Tạ Trí Hải. Nếu như không có khán giả sẽ không có một Tạ Trí Hải như ngày hôm nay. Chính vì thế tôi rất biết ơn và yêu khán giả vô cùng.
* Nhìn lại gần 10 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật tự do, theo ông điều gì khiến ông nhớ nhất, khi mái tóc đã hoa râm?
- Phải nói rằng, chặng đường gần 10 năm làm nghệ thuật đường phố của tôi vui có, buồn có, trăn trở có, nhưng điều khiến tôi nhớ nhất là khán giả - những người đã luôn theo sát và ủng hộ tôi. Bằng chứng là 14 cuốn sổ ghi cảm tưởng là kỉ niệm trong suốt gần 10 năm một chặng đường tôi đi biểu diễn, từ đồng bằng cho tới miền núi, từ thành thị tới nông thôn. Tất cả khán giả ở nơi tôi đến và tôi qua đều đã nhiệt tình và ủng hộ tôi hết lòng… Qua đây, tôi thật lòng muốn cảm ơn họ - những người đã luôn bên tôi, đồng điệu cùng tôi qua mỗi nốt nhạc và khúc thức tâm hồn.
Còn điều mà tôi trăn trở nhất và chưa làm được là tôi chưa đem tiếng đàn đến với những vùng quê khác. Tôi hi vọng, trời cho đủ sức khỏe để trong thời gian tới sẽ đem tiếng đàn đi phục vụ nhân dân khắp mọi miền tổ quốc, để không phụ lòng mong mỏi và tin yêu của khán giả gần xa dành cho tôi.
Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!
Hồ Phương Phúc, Báo in K29A1