Nghỉ hè, phó hiệu trưởng đi bán thắng cố, mèn mén để có thêm thu nhập

04/07/2023 06:39
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghỉ hè, nhiều giáo viên vẫn phải chật vật làm đủ công việc như cộng tác viên bán hàng, đi họp chợ phiên... để có thêm thu nhập, lo tiền đóng học cho con.

giáo viên nghỉ hè vẫn được hưởng lương nhưng điều kiện đời sống sinh hoạt của giáo viên vùng cao vẫn còn nhiều khó khăn nên thầy cô phải làm đủ mọi việc để có thêm thu nhập.

Cô giáo Tẩn Thị Lèn, sinh năm 1987, ở xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đầu tháng 7, cô Lèn mới nhận chức Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Pù (tỉnh Hà Giang), ngoài mức lương hàng tháng sẽ được cộng thêm phụ cấp chức vụ từ 300-400 nghìn đồng. Nhưng trong những ngày nghỉ hè, cô Lèn vẫn đi bán hàng ở chợ phiên Mèo Vạc để có thêm tiền sinh hoạt và chuẩn bị tiền đóng học phí cho 2 con khi vào năm học mới.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Lèn cho biết, từ ngày nghỉ hè, cô chỉ ở nhà nấu cơm, trông con và mong ngóng đến cuối tuần để đi bán hàng ở chợ phiên Mèo Vạc.

Cô Lèn bán thắng cố, mèn mén, má lợn, chân giò, bún chả, xôi ngũ sắc, phở gà,… Những nguyên liệu này được cô đặt ở các cửa hàng, lò mổ (gà, lợn...) tại địa phương.

Cô giáo Tẩn Thị Lèn đang bán hàng trong phiên chợ Mèo Vạc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô giáo Tẩn Thị Lèn đang bán hàng trong phiên chợ Mèo Vạc. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

“Chợ phiên Mèo Vạc chỉ nhộn nhịp vào thứ bảy, chủ nhật nên tôi sẽ bán được hàng vào những ngày này. Nhà tôi cách chợ 2km. Ngày chủ nhật, tôi dậy từ 3 giờ sáng để kịp chuẩn bị đồ mang lên chợ nấu nướng, chế biến món ăn phục vụ khách vào lúc 6 giờ.

Chợ phiên mùa hè cũng ít khách du lịch nên bán hàng chẳng được bao nhiêu. Có hôm bán được hàng nhưng có những hôm không bán được thì tôi sẽ mang cho những người xung quanh vì để ở nhà cũng không có cách nào bảo quản", cô Lèn chia sẻ.

Cô Lèn không thành thạo sử dụng mạng xã hội nên không biết đăng bài bán hàng online như các đồng nghiệp khác. Nhà cô Lèn cũng không có đất vườn, ruộng nương nên nguồn thu nhập chính vẫn chỉ từ tiền lương đi dạy của cô Lèn và lương viên chức của chồng cô.

“Tôi công tác ở trường mầm non nằm trong vùng III - vùng điều kiện kinh tế xã hội khó khăn nên hiện tại, lương hàng tháng khoảng hơn 8 triệu đồng. Với mức lương này, tôi chỉ đủ chi trả tiền điện, nước, tiền đóng học cho con nhiều lúc còn phải đi vay mượn”, cô Lèn chia sẻ.

Trường Mầm non Lũng Pù cách nhà cô Lèn 20km. Cô di chuyển bằng xe máy, xuất phát từ 6 giờ sáng, đi hết 40 phút mới đến trường. Hết giờ làm việc, cô trở về nhà cũng gần 6 giờ tối.

“Đường đến Trường Mầm non Lũng Pù quanh năm có sương mù vào buổi sáng; mùa hè mưa suốt nên đi lại rất vất vả”, cô Lèn chia sẻ.

Không bán hàng ở chợ phiên như cô Lèn, trong dịp hè, cô giáo Phạm Thị Thanh Hoa, sinh năm 1989, quê gốc ở huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) làm cộng tác viên bán hàng online.

Cô Hoa tâm sự, sau khi kết hôn, cô về huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) sinh sống cùng chồng.

Tính đến nay, cô Hoa đã có 12 năm làm giáo viên dạy Hoá học và Sinh học bậc trung học cơ sở. Trường cô đang công tác thuộc vùng III của tỉnh Lai Châu nên mức lương trung bình của cô hiện nay là 10 triệu đồng/tháng. Chồng cô Hoa là cán bộ làm việc ở xã, mức lương 6 triệu đồng/tháng. Do nhà không có ruộng, vườn, nên nguồn thu nhập của gia đình cô chỉ đến từ tiền lương của hai vợ chồng.

Trong dịp nghỉ hè, do không phải lên lớp, cô Hoa đã tranh thủ làm cộng tác viên bán hàng online để có thêm thu nhập.

“Tôi làm cộng tác viên bán hàng về sản phẩm dược liệu, các loại lá đun nước uống. Công việc của tôi không cần nhập hàng về bán mà sẽ thường xuyên đăng bài trên các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo. Mỗi lần có đơn, tôi sẽ lấy hàng về để chuyển cho khách. Ngoài ra, tôi cũng có bán các loại quả”, cô Hoa chia sẻ.

Cô giáo Phạm Thị Thanh Hoa đi hái mận để bán cho khách. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cô giáo Phạm Thị Thanh Hoa đi hái mận để bán cho khách. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thu nhập từ việc đăng bài bán hàng online của cô Hoa chỉ là một phần nhỏ và được cô nói một cách dí dỏm là đăng “chơi”. Tuỳ vào từng loại mặt hàng khác nhau, mỗi đơn hàng, cô Hoa lãi từ 20.000-30.000 đồng. Có những ngày cô Hoa đăng bài nhưng không có mấy người hỏi mua.

Chia sẻ thêm về công việc của đồng nghiệp khi nghỉ hè, cô Hoa cho biết, ở trường có nhiều giáo viên từ đồng bằng lên dạy học, nên đến kỳ nghỉ hè, họ sẽ về quê với gia đình. Còn những giáo viên ở vùng cao, nếu nhà có vườn, nương rẫy thì sẽ đi làm nông, trồng rau, cắt cỏ.

Đối với giáo viên của trường, giáo viên nào về quê trong dịp hè sẽ được nhà trường hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định để chi trả cho việc đi lại như tiền vé xe,... Còn chi phí di chuyển từ bến xe về đến nhà, và từ nhà ra bến xe, mỗi giáo viên phải tự lo.

“Để phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm định đánh giá ngoài, toàn bộ hồ sơ, giáo án giảng dạy của giáo viên trong 1 năm đều phải lưu giữ lại. Do đó, mọi công việc liên quan đến sổ sách, hồ sơ, giáo viên sẽ phải hoàn thành, lưu giữ hết trước khi nghỉ hè. Tuy nhiên, trong thời gian nghỉ, nếu có công việc phát sinh cần phải xử lý gấp thì tôi vẫn tiếp tục làm”, cô Hoa chia sẻ.

Ngọc Mai