Ngoài trở thành nghề độc hại, hiệu trưởng mong GVMN có chế độ trông trưa

08/08/2023 06:31
Diệu Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phía Nhà trường cũng mong rằng có chế độ đãi ngộ cho giáo viên mầm non trông trưa để các cô yên tâm công tác.

Trước đề xuất xem xét đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm của thầy cô giáo mầm non, cán bộ quản lý giáo dục.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vũ Thị Gấm - Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Hữu Sản (Bắc Giang) cho rằng, việc đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại là hoàn toàn phù hợp. Trường mầm non Hữu Sản là trường thuộc diện đặc biệt khó khăn với 17 giáo viên và khoảng 200 trẻ. Theo thông tư mới hiện nay quy định thì nhà trẻ đủ 17 cô phụ trách 8 lớp.

Tuy nhiên trên thực tế các giáo viên mầm non đều phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng/1 ngày, công việc chiếm phần nhiều so với thời gian chăm sóc gia đình, bản thân. Buổi sáng, các cô thường phải đến lớp sớm hơn, trưa thì chăm lo bữa ăn giấc ngủ cho trẻ rồi mới tranh thủ ăn trưa, buổi chiều sau khi trả trẻ thì giáo viên dọn dẹp, vệ sinh lớp học xong mới tan làm.

Ngày nghỉ các thầy cô cũng phải tranh thủ soạn bài, chuẩn bị đồ dùng dạy học. Hoặc như ở miền núi, đồ chơi, không gian học tập của các trẻ có phần hạn chế, các cô cũng phải tự sáng tạo làm thủ công.

Giáo viên Trường mầm non Hữu Sản (Bắc Giang) tái chế đá, sỏi để cải tạo khu vực sân trường. Nguồn: Website nhà trường.

Giáo viên Trường mầm non Hữu Sản (Bắc Giang) tái chế đá, sỏi để cải tạo khu vực sân trường. Nguồn: Website nhà trường.

Ngoài ra, các cô phải dành thời gian cho công tác vận động trẻ tới lớp. Nhiều phụ huynh chia sẻ gia đình không có tiền, cho rằng chỉ cần gửi ông bà ở nhà trông là đủ. Nhiều nhà không muốn cho con đi học dù được hưởng hỗ trợ cho vùng đặc biệt khó khăn, nhất là với trẻ em 3 tuổi. Vì thế hàng năm, vào đầu năm học các thầy cô đều phải động viên phụ huynh để cho trẻ ra lớp.

Chưa kể đường sá di chuyển không thuận lợi, hầu như đều phải qua ngầm, qua khe.

Một số giáo viên nhà xa nhất cách trường khoảng 20km, vào mùa mưa hoặc rét mướt, trời tối, thời tiết khắc nghiệt đi lại cực kỳ vất vả. Trước tình hình này, nhà trường cũng có hỗ trợ bằng cách phân công giáo viên ở gần đến đón trẻ sớm hơn còn với các cô ở xa đến trường muộn hơn một chút.

Do đó, việc đưa giáo viên vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại để các và được hưởng những phụ cấp, ưu đãi là điều cần thiết. Từ đó có thể giữ chân được các thầy cô, đặc biệt trong bối cảnh thiếu giáo viên trầm trọng như hiện nay. Đồng thời việc này cũng giúp giáo viên phấn khởi, tiếp tục công tác trong ngành giáo dục.

Cô Gấm cũng thông tin thêm, hiện nay giáo viên mầm non không có bất kỳ chế độ hay phụ cấp cho việc trông trưa. Đa số đều là phụ huynh tự nguyện đóng góp để hỗ trợ cho giáo viên, tuy nhiên vì là khoản đóng góp tự phát nên thường bấp bênh, chưa phù hợp so với sức lao động của các cô bỏ ra. Do đó, phía Nhà trường cũng mong rằng có chế độ đãi ngộ trông trưa để các cô yên tâm.

Cùng đồng tình với nội dung này, đại diện Trường Mầm non Thái Nguyên (tỉnh Thái Bình) cho biết, giáo viên mầm non đều có áp lực chung về công việc, đa số các cô đều phải đi sớm, trưa không được nghỉ ngơi, chiều về muộn. Nhiều khi phụ huynh bận việc không kịp đón con, các cô cũng phải ở lại thêm ngoài giờ. Ngoài ra, một số phụ huynh quan tâm con quá mức nên cũng gây áp lực nhất định cho giáo viên.

Hiện nay cơ sở vật chất của trường đang thiếu thốn khá nhiều ở một số hạng mục như: bếp ăn dựng tạm, công trình phụ trợ, nhà đa năng, phòng học tiếng Anh khiến các cô cũng khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi. Tuy nhiên nhà trường vẫn thường xuyên trao đổi, động viên các thầy cô cố gắng khắc phục thiếu thốn để nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ.

Chưa kể trẻ nhỏ thường hiếu động, vui đùa la hét khiến môi trường làm việc của các thầy cô luôn trong tình trạng ồn ào, cùng với đó thầy cô liên tục phải múa, hát, dạy học, quản lý đông trẻ dẫn đến các bệnh nghề nghiệp như: đau tai, viêm vọng, khản tiếng, thậm chí là viêm thanh quản...

Với tính chất công việc như vậy, việc đưa giáo viên hưởng chế độ của ngành nghề nặng nhọc độc hại là phù hợp. Đây cũng là sự động viên, khích lệ nhằm san sẻ khó khăn để giáo viên gắn bó với nghề.

Vị này cũng bày tỏ quan điểm rằng việc xếp giáo viên mầm non vào ngành nghề độc hại không làm vấn đề tuyển dụng trở nên khó khăn hơn. Ngược lại, với những hỗ trợ, phụ cấp ưu đãi cho nhóm ngành nghề này còn có thể giúp thu hút và giữ chân nhiều giáo viên giỏi.

Nhà trường cũng mong muốn các cấp ban ngành quan tâm, tạo điều kiện về cơ sở vật chất để trẻ có môi trường phát triển tốt nhất. Còn với giáo viên mầm non cũng nên có những hỗ trợ nhất định để đội ngũ giáo viên có thể hiện, phát huy hết năng lực của mình.

Nếu thuộc nhóm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, giáo viên mầm non sẽ được hưởng quyền lợi như sau:

Nghỉ phép năm: Theo khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động làm đủ 12 tháng cho người sử dụng lao động được nghỉ phép hằng năm 14 ngày hưởng nguyên lương.

Chế độ ốm đau: Điều 26 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưởng chế độ ốm đau với số ngày:

- 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm (điều kiện bình thường là 30 ngày);

- 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 - dưới 30 năm (điều kiện bình thường là 40 ngày);

- 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên (điều kiện bình thường là 60 ngày);

Chế độ hưu trí: Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Diệu Tuyết