Nhà nước định giá sách giáo khoa chưa chắc giảm giá nhiều

03/11/2022 11:54
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 03/11, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục”.

Buổi tọa đàm có sự tham dự của bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Ông Phạm Ngọc Thưởng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam; Nhà giáo ưu tú Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản - Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC); Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Chuyên gia Giáo dục độc lập; Bà Phạm Thị Thanh Huyền – Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân.

Tọa đàm trực tuyến: “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. (Ảnh: PM)

Tọa đàm trực tuyến: “Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hoá giáo dục” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức. (Ảnh: PM)

Xã hội hóa sách giáo khoa như “tiếng kèn ngập ngừng”

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Thúy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho rằng, Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội và Luật Giáo dục quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa, đây là chủ trương hết sức đúng đắn, mang tính đột phá, chuyển từ cơ chế độc quyền sang cơ chế xã hội hóa, nhằm khai thác, phát huy, sử dụng nguồn lực xã hội có hiệu quả và đáp ứng được yêu cầu của phát triển.

Tuy nhiên, bà Thúy cho rằng, việc triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa vẫn như “tiếng kèn ngập ngừng”.

Cụ thể, ngay từ năm đầu tiên thực hiện chương trình giáo dục mới, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng chỉ nên tồn tại một bộ sách giáo khoa và đến nay vẫn có những ý kiến như vậy.

Hơn nữa, dù đưa ra quy định xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa nhưng chưa có chính sách khuyến khích kèm theo.

Sau Nghị quyết 88, có những quy định khác ảnh hưởng, ví dụ Nghị quyết 88/2014/QH13 giao cho các cơ sở giáo dục phổ thông chọn sách giáo khoa, tuy nhiên Luật Giáo dục quyết định giao việc chọn sách giáo khoa cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc được chọn một bộ sách ưng ý đối với giáo viên, học sinh của các cơ sở giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ tại buổi tọa đàm. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Nghị quyết 88/2014/QH13 là một chủ trương đúng, kịp thời, phù hợp xu thế thế giới, và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, điều kiện các nhà xuất bản, ngành giáo dục trong việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Đảng.

Đến thời điểm này kết quả của chủ trương xã hội hóa đó đạt được trên 4 nội dung. Thứ nhất là xóa bỏ độc quyền trong in ấn, biên soạn, phát hành sách giáo khoa từ nhiều năm nay. Đến thời điểm này, sau 1 thời gian ngắn chúng ta có 7 nhà xuất bản tham gia biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa;

Thứ hai, huy động lực lượng các nhà giáo, nhà khoa học, chuyên gia tham gia biên soạn, thẩm định sách giáo khoa, tạo nên lực lượng trí thức không chỉ phục vụ nhiệm vụ trước mắt mà còn là lâu dài, với khoảng 1500 các nhà giáo, nhà khoa học trình độ cao;

Thứ ba, giúp cho học sinh, giáo viên có cơ hội lựa chọn các bộ sách phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội, đặc điểm vùng miền, nhận thức;

Thứ tư, giảm bớt gánh nặng trong đầu tư công của Nhà nước về lĩnh vực này. Bởi vì tính riêng về biên soạn sách giáo khoa ước tính cần đến hơn 300 tỉ đồng, chưa tính các chi phí tập huấn, giáo viên, chi phí khác khoảng 400 tỉ đồng/bộ, nếu có khoảng 3 bộ thì đã rơi vào hơn 1.000 tỉ đồng.

Có nên để Nhà nước định giá sách giáo khoa?

Chia sẻ về tiêu chí định giá sách giáo khoa, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm, chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng chúng ta không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được. Chúng ta có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Trước hết phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá chúng ta phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy định của Điều 20, Luật Giá hiện hành.

Căn cứ định giá là giá thành toàn bộ, chất lượng của sách giáo khoa và lợi nhuận và bao gồm các yếu tố cấu thành giá như sau: chi phí nguyên vật liệu, tiền công thiết kế, xây dựng bản thảo, biên tập. chi phí khấu hao tài sản cố định, maketing, phát hành, in ấn… Đây là những khoản mà các công ty sản xuất sách được phép tính vào giá thành.

Nhà nước có 2 cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Thúy, có ba vấn đề cần phải làm hiện nay. Thứ nhất, là cần kiên định với chủ trương xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Thứ hai, cần xem xét lại việc giao cho Uỷ ban Nhân dân các tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa theo Luật Giáo dục. Vì theo dõi việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương trong thời gian qua, có thể thấy một số địa phương còn để kẽ hở dễ bị lợi dụng để thị trường sách giáo khoa có nguy cơ quay trở lại độc quyền. Đó là điều đáng quan tâm.

Thứ ba, cần phải nghiên cứu kỹ việc nhà nước định giá sách giáo khoa để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, mà phải chống độc quyền trong lĩnh vực này.

"Để Nhà nước định giá sách giáo khoa sẽ được tiếng với người dân nhưng chưa chắc giá sách đã giảm nhiều. Bởi vì dẫu có định giá cũng phải dựa trên các yếu tố hình thành giá.

Tôi cho rằng, mỗi năm, gia đình học sinh có thể giảm một khoản tiền nhỏ trong việc mua sách giáo khoa cũng không chắc rằng sẽ giảm gánh nặng chi tiêu đầu năm. Vì ngoài chi phí mua sách giáo khoa, các em còn phải đóng học phí, đồng phục, sách tham khảo, đồ dùng học tập khác. Trong khi Nhà nước không thể nào định giá tất cả mặt hàng này", bà Thúy khẳng định.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, khi tính toán việc đưa sách giáo khoa vào mặt hàng Nhà nước định giá thì đang vướng vào một vài vấn đề có tính nguyên tắc. Theo quy định Khoản 1 Điều 19 của Luật Giá, Nhà nước chỉ định giá đối với hàng hóa dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước sản xuất kinh doanh, tài nguyên quan trọng, dự trữ quốc gia, sản phẩm dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.

Như vậy, sách giáo khoa không thuộc mặt hàng trên. Nhưng khi ban hành Nghị quyết 88, Quốc hội cũng chỉ quy định xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa chứ không quy định sách giáo khoa là mặt hàng Nhà nước định giá.

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, những năm qua, có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân tham gia biên soạn, xuất bản sách giáo khoa. Nếu giữa chừng Quốc hội thay đổi chính sách không khỏi làm doanh nghiệp “tiến thoái lưỡng nan”.

Để hài hòa các yêu cầu, có thể xem xét hai phương án điều chỉnh việc định giá sách giáo khoa.

Thứ nhất là chỉ định giá với sách giáo khoa do doanh nghiệp nhà nước sản xuất. Vì chúng ta chỉ định giá tài sản thuộc sở hữu của mình hoặc mặt hàng do mình sản xuất. Quy định này cũng không lo sách giáo khoa của doanh nghiệp tư nhân có giá cao hơn. Vì một mặt sách giáo khoa của các doanh nghiệp này vẫn thuộc diện kê khai giá, mặt khác các doanh nghiệp này vẫn phải tham chiếu giá sách giáo khoa của doanh nghiệp nhà nước để có cạnh tranh.

Thứ hai, trong luật quy định các mặt hàng được định giá, trong đó có sách giáo khoa, giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Quy định này nhất quán với Điều 11 của Luật Giá hiện hành “Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có quy định tự định giá hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh, trừ hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá. Và quyết định được giá mua, giá bán hàng hóa dịch vụ do mình sản xuất kinh doanh mà nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu”.

Phạm Minh