Trong cuốn sách Nhân loại, một lịch sử tràn đầy hi vọng (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành), nhà sử học Rutger Bregman đã bác bỏ quan điểm yếm thế rằng con người vốn ích kỷ, xấu xa; thay vào đó ông chỉ ra bản chất tử tế, thiện lương của nhân loại, mở ra tương lai hy vọng về một xã hội tốt đẹp hơn.
Bản chất của con người là chủ đề luôn được các nhà nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực quan tâm soi xét. Trong hầu hết các ngành khoa học từ xã hội, kinh tế, lịch sử, sinh vật học cho đến văn học … quan điểm nổi trội được rất nhiều nhà nghiên cứu, tư tưởng thống nhất đó là: bản chất của con người vốn là ích kỷ, xấu xa, đầy toan tính, luôn cố gắng vì lợi ích của riêng mình.
“Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng” nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times. |
Không khó để kể ra những tên tuổi lớn có tư tưởng này như: Thucydides, Machiavelli, Hobbes, Luther, Nietzsche, Freud, các nhà lập quốc Hoa Kỳ… cũng như các tác phẩm nổi tiếng viết về chủ đề này như Demonic Males (tạm dịch: Quỷ dữ), The Selfish Gene (Gen vị kỷ), The Murderer Next Door (tạm dịch: Sát nhân nhà hàng xóm)…
Trong cuốn sách gây chấn động thế giới “Leviathan”, triết gia người Anh Thomas Hobbes khẳng định rằng bản chất con người là xấu xa. Con người bị nỗi sợ hãi điều khiển và chi phối. Sợ người khác. Sợ chết. Thèm khát sự an toàn, đồng thời “có một khát vọng bất diệt và không ngừng đối với quyền lực, điều này chỉ kết thúc khi con người chết đi”. Đó là “một trạng thái chiến tranh, khi tất cả chống lại tất cả”. Chỉ có xã hội dân sự với hệ thống pháp luật mới có thể cứu vớt con người ra khỏi những bản năng rất đỗi tầm thường. Tư tưởng của Hobbes trở thành nền tảng triết học cho những lập luận được các nhà lãnh đạo độc tài, tướng lĩnh, thống đốc… nhắc đi nhắc lại hàng triệu lần.
Ở trạng thái đối lập hoàn toàn, triết gia người Pháp Jean- Jacques Rousseau cho rằng: “con người về bản chất là tốt, nhưng chính những thiết chế này đã khiến con người ngày càng trở nên xấu xa”. Ông cho rằng trước khi có quan lại, vua chúa, con người ở trong trạng thái tự nhiên tự do hoàn toàn, tốt lành, khỏe khoắn, giàu lòng trắc ẩn. Còn giờ đây con người trở nên biếng nhác, yếu đuối, đa nghi và tư lợi.
Và giống như cuốn sách “Utopia - Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa”, trong cuốn sách “Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng này”, nhà sử học xuất sắc người Hà Lan Rutger Bregman tiếp tục sử dụng lối viết dễ đọc, duyên dáng, hấp dẫn, để dẫn dắt độc giả từng bước đi vào hành trình bác bỏ quan điểm yếm thế rằng con người vốn ích kỷ, xấu xa; thay vào đó ông chỉ ra bản chất tử tế, thiện lương của nhân loại, mở ra tương lai hy vọng về một xã hội tốt đẹp hơn.
Lần lại lịch sử tiến hóa của loài người, sự phát triển của nền văn minh nhân loại, những sự kiện gây rúng động thế giới như câu chuyện ở đảo Phục Sinh thông qua việc nghiên cứu những tác phẩm, tài liệu nổi tiếng, các kết quả khảo cổ, tài liệu không được phổ biến rộng rãi; đồng thời tự mình kiểm nghiệm thực tế khi điều kiện cho phép… tác giả Bregman đã đưa ra những bằng chứng thuyết phục chứng minh: Rousseau đã đúng khi cho rằng sự tử tế, thiện lương vẫn là bản chất của đa phần nhân loại.
Khác với những gì đa phần độc giả trên thế giới được biết, đảo Phục sinh bị hủy diệt không phải do tộc người tai ngắn giết hại đồng loại tai dài, và cuối cùng họ quay ra ăn thịt lẫn nhau cho đến lúc suy tàn. Thực tế sự hủy diệt của hòn đảo đến từ những đoàn viễn chinh, trong đó có người Peru mang theo vũ khí bắt giữ phần lớn người dân trên đảo và biến họ thành nô lệ.
Năm 1863, trước áp lực của cộng đồng quốc tế, chính phủ Peru buộc phải đưa những cư dân đảo Phục sinh còn sống sót sau lao dịch trở về quê hương. Tuy nhiên căn bệnh đậu mùa mà những người sống sót trở về đảo đã nhanh chóng lây lan khắp nơi, reo rắc cái chết và sự hủy diệt cho hòn đảo này. Đây mới chính là lý do thực sự dẫn đến sự suy tàn của hòn đảo nổi tiếng lâu nay vẫn được dẫn ra như minh chứng điển hình cho sự man rợ của con người theo triết lý của Hobbes.
Tương tự như vậy, sự thật đằng sau thí nghiệm dưới tầng hầm Đại học Stanford của Philip Zimbardo, thí nghiệm máy sốc điện của Stanley Milgram, cái chết của Catherine Susan Genovese – những ví dụ được dẫn đi dẫn lại hàng nghìn lần để minh chứng cho sự ích kỷ xấu xa của con người - lại có thực tế hoàn toàn khác biệt.
Và sự khác biệt này là do những nhà nghiên cứu hám danh, giới truyền thông sẵn sàng đứng ra điều khiển, bóp méo sự thật theo ý mình, để kiếm lợi từ đó. Đáng nói là những thí nghiệm cùng kết quả của những thí nghiệm này cũng được nhiều tác giả đương đại nổi tiếng sử dụng để đưa vào tác phẩm của mình như đảo Phục Sinh được đưa vào tác phẩm Collapse của Jared Diamond, cái chết của Catherine Susan Genovese trong Tipping Point của Malcom Gladwell... khiến xã hội càng thêm hoang mang về bản chất con người.
Trong phần nội dung tiếp theo của cuốn sách “Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng”, Rutger Bregman tiếp tục chứng tỏ sự logic, mạch lạc của một nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm. Ông đi sâu vào trả lời câu hỏi nhiều người có thế chất vấn ông về chủ đề thiện lương của con người: có thể giải thích như thế nào với những sự kiện như thảm họa diệt chủng Holocaust do phát xít Đức gây ra, hay sự độc ác của các tổ chức khủng bố Hồi giáo…
Câu trả lời với số đông tham gia các tổ chức này là đa phần họ đã bị sự thấu cảm che mờ lý trí, họ hành động vì tình bằng hữu với những người xung quanh mình, chứ không hẳn vì lý tưởng của tổ chức. Tiếp đó họ bị dẫn dắt bởi những nhà lãnh đạo có tiểu sử tâm lý đặc biệt. Adolf Hitler và Josepht Goebbels… là những ví dụ kinh điển của những người mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ, thèm khát quyền lực. Thậm chí sự khai sáng cũng có phần trong các nguyên nhân này. Tiếp đó sự tha hóa do quyền lực mang đến.
Thông qua hàng loạt các dẫn chứng, phân tích đầy sức thuyết phục, Rutger Bregman khẳng định: sự tốt, xấu tồn tại trong đa phần nhân loại như hai mặt của một đồng xu và mọi người có xu hướng trở thành như những gì chúng ta được hướng đến, đào tạo. Trong sự ủng hộ và phổ biến sát rạt của các cá nhân, tổ chức trong đó có các thể chế, chính quyền, cơ quan truyền thông về bản chất ích kỷ xấu xa của con người; thì thiện tính vẫn tồn tại trong sâu thẳm đa phần nhân loại, đã và sẽ tiếp tục nổi lên như một điểm sáng không thể nào bị che lấp khi con người phải đối mặt với những biến cố lớn của xã hội…
Và nếu chúng ta muốn giải quyết những thách thức lớn của thời đại – biến đổi khí hậu, mất niềm tin nơi con người – điều nhân loại cần làm là nhìn vào, hướng đến, tin tưởng và nuôi dưỡng quan điểm về thiện tính của con người. Bregman đưa ra nhiều ví dụ khác nhau để cho thấy rằng khi chúng ta mong đợi những điều tốt đẹp hơn, chúng ta trở nên tốt hơn – đó là một lời tiên tri tự ứng nghiệm.
Bregman là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng ở Hà Lan. |
Bregman viết: “Tương tự như hiệu ứng phản dược, nếu chúng ta tin rằng: mọi người không đáng tin, thì chúng ta sẽ dùng chính cách đó đối xử với người khác, thậm chí còn gây tổn thương cho tất cả mọi người. Và ngược lại. Một vài ý tưởng có sức mạnh định hình thế giới… vì cuối cùng bạn sẽ nhận được điều đúng như những gì bạn kỳ vọng.”
Nhận xét về cuốn sách, tác giả nổi tiếng Daniel H. Pink viết: “Có một vài cuốn sách đã thách thức những ý tưởng của chúng ta, nhưng cuốn sách “Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng” lại thách thức những tiền đề được coi là cơ sở cho những ý tưởng ấy. Những luận điểm hết sức táo bạo, có thể tạo ra tầm ảnh hưởng lớn trong cuốn sách này sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ lại những điều chúng ta tin vào xã hội, nền dân chủ và bản chất con người. Trong một biển cả hoài nghi, cuốn sách này là con thuyền cứu sinh chắc chắn và không thể chìm mà thế giới cần.”
Trong khi đó, tác giả Grace Blakeley viết: “Đây là cuốn sách nên được càng nhiều người đọc càng tốt – chỉ khi con người thay đổi quan điểm về nhân loại, thì họ mới có thể bắt đầu tin vào khả năng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”.
“Nhân loại - Một lịch sử tràn đầy hi vọng” nằm trong danh sách sách bán chạy nhất của New York Times, nằm trong danh sách 50 cuốn sách phi hư cấu xuất sắc nhất năm 2020 của tờ Washington Post, và lọt vào danh sách đề cử của Giải thưởng Andrew Carnegie năm 2021. Cuốn sách đã được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Bregman là nhà sử học và nhà văn nổi tiếng ở Hà Lan. Ông đồng thời là tác giả của cuốn sách bán chạy trước đó là “Utopia – Hành trình xây dựng xã hội với tầm nhìn xa” đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ khác nhau.