Nhiều nơi chưa thể cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh, Vụ GDMN chỉ ra lý do

30/06/2023 06:30
Linh An
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cả nước hiện có 2.898 trường (chiếm tỷ lệ 18,7% tổng số trường MN), với 405.436 trẻ (tỷ lệ 32,2% tổng số trẻ mầm non) thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen T.A

Ngày 31/12/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT về việc triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo.

Ngày 31/3/2021, Thông tư chính thức có hiệu lực, mặc dù nhận được rất nhiều sự đồng tình của phụ huynh, tuy nhiên đến hết năm học 2022 – 2023, nhiều địa phương, nhiều trường học vẫn chưa thể triển khai. Hoặc có nơi tích cực triển khai nhưng gặp nhiều khó khăn nên phải dừng.

Trước thực tế đó, để có bức tranh toàn cảnh về vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Nguyễn Bá Minh và được cho biết:

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kể từ khi Thông tư 50/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thì tính đến nay toàn quốc có 2.898 trường (chiếm tỷ lệ 18,7% tổng số trường mầm non), với 405.436 trẻ (tỷ lệ 32,2% tổng số trẻ mầm non) thực hiện thí điểm cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh. Trong đó, có 1.909 trường công lập (tỷ lệ 15,3% trong tổng số trường công lập), 274.704 trẻ (tỷ lệ 7,4% trong tổng số trẻ công lập); 989 trường ngoài công lập (tỷ lệ 32,6% trong tổng số trường ngoài công lập), 130.732 trẻ (tỷ lệ 15% tổng số trẻ ngoài công lập).

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Nguyễn Bá Minh (ảnh: NVCC)

Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) – Nguyễn Bá Minh (ảnh: NVCC)

Lý giải nguyên nhân khiến nhiều địa phương, trường chưa triển khai được Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non cho rằng: “Do Chương trình làm quen với tiếng Anh không phải là yêu cầu bắt buộc và chỉ triển khai khi cha mẹ và trẻ em có nhu cầu đồng thời cơ sở giáo dục phải đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ theo quy định, nên một số địa phương, đặc biệt là vùng khó khăn chưa triển khai được”.

Trước ý kiến đề xuất rằng, mỗi trường mầm non cần thêm 1 vị trí việc làm giáo viên tiếng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non viện dẫn, Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT đã có quy định tại khoản 4, Mục I về quan điểm xây dựng chương trình đã nêu rõ: Điều kiện áp dụng Chương trình Hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh cần được tổ chức thực hiện đảm bảo không phát sinh biên chế về vị trí giáo viên tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Đặc biệt trong bối cảnh tinh giản biên chế như hiện nay việc bổ sung vị trí việc làm giáo viên tiếng Anh ở cơ sở giáo dục mầm non là khó khả thi.

Để Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo được triển khai rốt ráo thì Vụ trưởng Nguyễn Bá Minh cho rằng, công tác chỉ đạo triển khai, quản lý chất lượng theo quy định cần được tổ chức thực hiện nghiêm túc để đảm bảo chất lượng và niềm tin của xã hội. Bên cạnh đó cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ để các cơ sở giáo dục mầm non huy động được nguồn lực chuẩn bị các điều kiện triển khai Chương trình.

Ảnh minh hoạ: Mộc Hương

Ảnh minh hoạ: Mộc Hương

Được biết, Chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mầm non được xây dựng dựa trên cơ sở: Chương trình giáo dục mầm non; các kết quả nghiên cứu về giáo dục học, tâm lý học và phương pháp cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh; các thành tựu nghiên cứu về ngôn ngữ tiếng Anh; phương pháp xây dựng chương trình tiếng Anh của thế giới và kinh nghiệm xây dựng chương trình của Việt Nam; bối cảnh văn hóa xã hội, giáo dục và điều kiện kinh tế thực tế của Việt Nam; sự đa dạng của đối tượng trẻ mẫu giáo về phương diện vùng miền, nhu cầu, điều kiện và khả năng làm quen với tiếng Anh.

Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.

Và để thực hiện Chương trình, các cơ sở giáo dục mầm non phải đảm bảo thực hiện một số điều kiện như:

Giáo viên người Việt Nam đủ điều kiện tham gia tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh khi đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn:

Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non);

Có bằng cao đẳng trở lên ngành Giáo dục Mầm non, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (hoặc tương đương theo quy định).

Giáo viên người nước ngoài:

Đối với giáo viên người bản ngữ: có bằng cao đẳng trở lên, có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được công nhận; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non).

Đối với giáo viên người nước ngoài không phải người bản ngữ: đủ điều kiện cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh khi đạt một trong các tiêu chuẩn:

Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm tiếng Anh/giảng dạy tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non)

Có bằng cao đẳng trở lên; có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh quốc tế hoặc chứng chỉ về năng lực tiếng Anh trình độ B2 trở lên (Theo khung tham chiếu chung Châu Âu về ngôn ngữ), đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học sư phạm có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức (Chương trình bồi dưỡng tối thiểu 120 tiết, trong đó có ít nhất 45 tiết thực hành tại cơ sở giáo dục mầm non).

Ngoài các yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, giáo viên người nước ngoài thực hiện cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh đáp ứng các yêu cầu hiện hành quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cơ sở vật chất và số trẻ/lớp:

Cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ em làm quen với tiếng Anh ít nhất phải bảo đảm mức Tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; có hệ thống đồ chơi, tranh ảnh trực quan gần gũi, phù hợp; trang thiết bị nghe nhìn tối thiểu để hỗ trợ tổ chức các hoạt động giáo dục cho trẻ làm quen với tiếng Anh;

Số trẻ/lớp thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường mầm non.

Linh An