Nam sinh tình nguyện hiến tạng và triết lý “Hãy sống như ngày cuối cùng ta sống"

15/05/2019 06:41
Công Tiến
(GDVN) - Cảm động với việc làm nhân văn, ý nghĩa của nam sinh Tạ Văn Vinh khi em đăng ký tự nguyện hiến một số bộ phận cơ thể sau khi không may phải tạm biệt cuộc sống.

Trưởng thành từ một gia đình nông dân thuần túy, kinh tế thuộc diện trung bình, có lúc còn nhiều khó khăn, bố mẹ nhiều năm đi làm thợ xây ở xa (Cao Bằng, Bắc Kạn) phải gửi 2 anh em ở nhà cho người thân.

Em Tạ Văn Vinh sinh viên năm 3, Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam (sinh năm 1998 quê xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã đăng ký tình nguyện hiến một số bộ phận trong cơ thể sau khi không may phải tạm biệt cuộc sống.

Đó là một việc làm rất can đảm khi em mới chỉ đang ở tuổi đôi mươi, là tuổi tươi đẹp nhất của cuộc đời. Tuổi đôi mươi cũng là giai đoạn thể lực và tinh thần của con người dồi dào nhất để nuôi dưỡng hoài bão.

Vinh nói phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa

Trong những giây phút cuối đời, nhà thơ Tố Hữu - một người chiến sĩ ưu tú của cách mạng Việt Nam, từng để lại câu thơ cuối cùng rằng “Sống là cho, chết cũng là cho”.

Hiện nay, ở Việt Nam có hàng ngàn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì người hiến rất khan hiếm.

Xuất phát từ trái tim và lòng trắc ẩn, em chỉ ước mong xã hội sẽ không ngần ngại đối với việc hiến tạng, hiến giác mạc sau khi chết, chết não.

Một ngày đẹp trời cuối tháng ba, tháng của thanh niên, Tạ Văn Vinh quyết định phải làm một việc gì đó ý nghĩa hơn.

Một ngày đẹp trời tháng 3/2018, tháng của thanh niên, Tạ Văn Vinh quyết định đăng ký hiến giác mạc, thận, tụy, tim, gan, phổi, da, van tim cho y học. Ảnh: NVCC
Một ngày đẹp trời tháng 3/2018, tháng của thanh niên, Tạ Văn Vinh quyết định đăng ký hiến giác mạc, thận, tụy, tim, gan, phổi, da, van tim cho y học. Ảnh: NVCC

Và rồi, những suy nghĩ đó đã chạm tới trái tim của em, thôi thúc lòng trắc ẩn để khiến em đủ can đảm đến đăng ký hiến tạng sau khi không may phải tạm biệt cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam em nói: “Sau khi tìm hiểu các thông tin về thủ tục đăng ký và luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người, em đã đến Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Bệnh viện Việt Đức để đăng ký vào ngày 30/3/2018, thời điểm đó em 19 tuổi.

Lúc đến đăng ký, em có gặp nhiều người cũng đi đăng ký giống mình, các bác trung tuổi khoảng 50 cũng khá bất ngờ về hành động của em vì em còn quá trẻ.

Em đăng ký hiến: giác mạc, thận, tụy, tim, gan, phổi, da, van tim”.

Nam sinh viên với trái tim nhân hậu và hoài bão

Từ khi học cấp 3, Tạ Văn Vinh đã tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện của các cấp Đoàn tại địa phương tổ chức, sau đó ngày càng thường xuyên hơn.

Dần dần nó trở thành thói quen, như một phần trong cuộc sống mà em không thể thiếu.

Khi thi đại học, em đã thi vào Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam để tiếp tục thực hiện ước mơ trở thành một nhà lãnh đạo, làm được nhiều việc hơn cho xã hội, thay đổi cuộc sống của nhiều người.

Suy nghĩ ấy đối với cậu học sinh cấp 3 thì không có gì là lạ, bởi đó là ước mơ, chẳng ai đánh thuế ước mơ cả.

Vinh nói: “Tuy có rất nhiều khó khăn, nhưng nếu có cơ hội thì em vẫn muốn làm thật tốt ước mơ đó”.

Xuất phát từ mong muốn được giúp đỡ mọi người, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh và khi đọc báo em thấy nhiều bài viết về những người đã hiến tạng của mình sau khi không may phải tạm biệt cuộc sống để cứu nhiều người khác.

Em Tạ Văn Vinh sinh viên năm 3, Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam đã đăng ký tình nguyện hiến một số bộ phận trong cơ thể khi không may phải tạm biệt cuộc sống. Ảnh: Công Tiến
Em Tạ Văn Vinh sinh viên năm 3, Học viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam đã đăng ký tình nguyện hiến một số bộ phận trong cơ thể khi không may phải tạm biệt cuộc sống. Ảnh: Công Tiến

Chính những hành động đẹp và nhân văn được báo chí phản ánh đã khiến em đủ can đảm để đến đăng ký hiến một số bộ phận cơ thể sau khi chết, chết não, điều mà em ấp ủ từ thời học cấp 3, đến hôm nay mới được thỏa mãn.

Em rất thích câu nói: Hãy sống như ngày cuối cùng ta được sống và hãy yêu như ngày cuối cùng ta được yêu, vì khi suy nghĩ chỉ còn hôm nay để sống thì em luôn muốn làm những điều tốt nhất, hết khả năng của mình, để khi không còn trên cuộc đời này nữa thì chúng ta vẫn tự hào rằng mình đã có những ngày sống như thế, không xót xa, ân hận”- Tạ Văn Vinh chia sẻ.

Gia đình và thầy cô đã gieo trái tim nhân hậu cho em

Tạ Văn Vinh, em có một gia đình không hẳn là hoàn hảo, nhưng mọi thành viên trong gia đình luôn yêu thương nhau, luôn vui vẻ cố gắng chăm chỉ làm việc và học tập.

Vinh chia sẻ: “Trong gia đình nhỏ thì mẹ em là người luôn ủng hộ mọi quyết định của em, bởi mẹ biết em luôn suy nghĩ kỹ rồi mới đưa ra quyết định và chưa bao giờ em để mọi người than phiền về em với mẹ.

Chính sự yêu thương, tin tưởng và động viên ấy, đã khiến em luôn mạnh mẽ đối diện với những khó khăn trong cuộc sống.

Người thứ hai là cô Huệ, cô giáo dạy môn Địa lý của em thời cấp 3, cô luôn yêu quý em như cậu học trò cưng, luôn chia sẻ với em về những việc tốt trong cuộc sống, những lẽ sống để có được hạnh phúc, em luôn coi cô như mẹ của mình.

Không biết có phải do mình tự mình thấy may mắn không, nhưng những người thân, thầy cô, anh, chị, bạn bè của em đều có ảnh hưởng với em một điều nhất định, bởi ai cũng có những điểm tốt, em luôn học hỏi những điểm tốt của mọi người”.

Xưa nay những người già đều khuyên bảo con cháu rằng, làm người thì phải hiền lành, nhân hậu. Một người có trái tim nhân hậu như Tạ Văn Vinh nhất định sẽ có hậu phúc.

Từ những môi trường tập thể, Tạ Văn Vinh đã ngày càng trưởng thành và đứng vững hơn trước những khó khăn trong cuộc sống.

Công Tiến