Những chính sách mới tác động đến giáo dục và mong mỏi của GV trong năm mới

15/02/2024 06:44
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Nếu vẫn giữ 2 môn “tích hợp” mà không có sự điều chỉnh “lớn”, người viết cho rằng chương trình mới sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn..

Năm 2023, dưới sự điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo dù còn khó khăn thách thức nhưng nhiều chính sách giáo dục được ban hành kịp thời, được đông đảo nhà giáo đồng tình, kỳ vọng năm 2024, giáo dục sẽ tiếp tục khởi sắc, khắc phục tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong năm qua. Những gì còn vướng mắc sẽ sớm được nghiên cứu thấu đáo và điều chỉnh kịp thời.

GDVN_lã Tiến..jpg
Ảnh minh họa

Dưới đây là những chính sách mới của giáo dục từ năm 2024 và kỳ vọng của giáo viên nhân dịp năm mới.

Những chính sách có hiệu lực từ 01/01/2024.

Thứ nhất, giáo viên không cần sáng kiến kinh nghiệm khi xét Chiến sĩ thi đua

Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 có hiệu lực từ 1/1/2024 có rất nhiều điểm mới đáng ghi nhận, phù hợp thực tiễn.

Với Luật Thi đua, khen thưởng 2022 có hiệu lực từ ngày 01/01/2024 thì việc xét danh hiệu thi đua Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở không cần bắt buộc phải có sáng kiến kinh nghiệm được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đồng tình, hoan nghênh.

Bởi, tại Tại Điều 23 Luật Thi đua, Khen thưởng 2022 quy định Danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” tặng cho cá nhân đạt các tiêu chuẩn sau đây:

“1. Đạt tiêu chuẩn danh hiệu “Lao động tiên tiến” hoặc “Chiến sĩ tiên tiến”;

2. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có sáng kiến được cơ sở công nhận hoặc có đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu hoặc mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được đơn vị công nhận.”

Theo hướng dẫn này, tiêu chí sáng kiến kinh nghiệm không còn là tiêu chí duy nhất khi xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Đây là tin vui với hàng triệu nhà giáo trên cả nước.

Không cần đạt sáng kiến kinh nghiệm nhưng cán bộ, giáo viên nếu đạt tiêu chuẩn Lao động tiên tiến và được thủ trưởng đơn vị trực tiếp đánh giá Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ có cơ hội để được xét tặng Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.

Giáo viên không cần đạt sáng kiến kinh nghiệm nhưng nhiều năm liền được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cũng được đề nghị khen thưởng các danh hiệu cao quý như bằng khen bộ, ngành, tỉnh,…cũng là những điểm mới rất phù hợp, được đồng tình cao.

Thứ hai, điều kiện công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở từ ngày 15/02/2024

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT ngày 29/12/2023 về Quy chế xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở có hiệu lực từ ngày 15/02/2024 thay thế Quyết định 11/2006/QĐ-BGDĐT.

Theo đó, học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở nếu có đủ các điều kiện sau:

Không quá 21 tuổi (tính theo năm) đối với học sinh học hết Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở; từ 15 tuổi trở lên (tính theo năm) đối với học viên học hết Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở. Trường hợp học sinh ở nước ngoài về nước, học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định, thực hiện theo quy định về độ tuổi theo cấp học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đã hoàn thành Chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc Chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở.

Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 31/2023/TT-BGDĐT.

Thứ ba, thay đổi nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông từ ngày 12/02/2024

Đây là nội dung tại Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định về lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Theo đó, nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông như sau:

Lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục.

Mỗi khối lớp lựa chọn 01 (một) sách giáo khoa cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục (sau đây gọi chung là môn học).

Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.

Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 12/02/2024 thay thế Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT.

Thứ tư, cải cách tiền lương từ 1/7/2024

Theo Nghị quyết 27-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp đã đề ra các mục tiêu cụ thể trong việc cải cách tiền lương cũng như các chính sách liên quan; trong đó có nội dung về việc cải cách tiền lương.

Về nội dung cải cách cụ thể theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (70% tổng quỹ lương) + phụ cấp (30% quỹ lương). Bổ sung thêm tiền thưởng, chiếm khoảng 10% quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.

Theo đó lương giáo viên sẽ được tính như sau:

Lương = Lương cơ bản + Phụ cấp + Thưởng (nếu có).

Khi thực hiện cải cách tiền lương, bảng lương mới của giáo viên sẽ được thiết kế dựa trên việc xác định của 5 yếu tố theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 như sau:

Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.

Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.

Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.

Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.

Thứ năm, tiếp tục xây dựng Luật Nhà giáo trong năm 2024

Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về nhà giáo; tổng kết, rà soát kỹ lưỡng pháp luật hiện hành để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất khi xây dựng Luật Nhà giáo.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cùng các đơn vị liên quan, các chuyên gia đã tổ chức và tham gia nhiều hội thảo, đóng góp nhiều nội dung quan trọng để xây dựng Dự thảo Luật Nhà giáo.

Hàng triệu giáo viên trên cả nước trông đợi, việc xây dựng Luật Nhà giáo sẽ tạo hành lang pháp lý đầy đủ hơn, hướng tới sự phát triển của đội ngũ giáo viên trước mắt và lâu dài.

Năm 2024 sẽ là năm tập trung để hoàn thiện các cơ sở pháp lý, dự thảo Luật Nhà giáo tạo hành lang pháp lý phát triển nghề nghiệp nhà giáo, nâng cao vị thế nhà giáo, dần trao quyền tự chủ tuyển dụng, bổ nhiệm cho ngành,…

Những mong mỏi của giáo viên năm 2024

Thứ nhất, chuyển xếp lương từ 01/7/2024 công bằng, khoa học hơn

Thời gian qua, việc xếp lương giáo viên theo chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT) tồn tại bất cập, bất hợp lý nhất là tình trạng bổ nhiệm mỗi nơi mỗi kiểu, đến giai đoạn hiện nay vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện chuyển xếp lương mới, khi chuyển xếp lại có nhiều giáo viên được bổ nhiệm “nhầm hạng” do khi bổ nhiệm chỉ căn cứ vào thời gian giữ hạng và trình độ đào tạo,…

Cải cách tiền lương từ 01/7/2024 là cải cách lương toàn diện, xếp lương theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các ban ngành nghiên cứu toàn diện, thấu đáo việc này tránh tình trạng “sống lâu lên lão làng”, cũng tránh tình trạng làm việc “tàng tàng” vẫn hưởng lương cao, xếp lương kiểu “đến hẹn lại lên”,…

Thứ hai, giảm bớt các hồ sơ, thủ tục, hội thi

Các cơ sở giáo dục, giáo viên đang rất vất vả với các hồ sơ sổ sách, hội thi,...trong đó có nhiều loại còn chưa thực chất, thiếu khả thi.

Các hồ sơ kiểm định mức 1,2,3 đang khiến các cơ sở giáo dục tốn rất nhiều kinh phí, thời gian.

Mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm nghiên cứu có những hướng dẫn, điều chỉnh để việc thực hiện kiểm định thực chất hơn, các hồ sơ minh chứng nên kiểm tra trực tiếp trên phần mềm thay vì phải in, photocopy rất nhiều như hiện nay.

Thứ ba, nghiên cứu để học sinh có thể chọn học bất cứ bộ sách giáo khoa nào cũng được

Chương trình mới định hướng một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, phù hợp nhằm đa dạng nguồn học liệu cũng như tăng tính cạnh tranh của các nhà xuất bản nhằm có lợi cho người học về học liệu, chi phí sách,…

Tuy nhiên, các quy trình hiện nay dù trao quyền cho Sở giáo dục hay giao cho Hiệu trưởng các trường thì vai trò của học sinh, phụ huynh đều khá mờ nhạt.

Xin hãy nghiên cứu để dạy theo chương trình, giáo viên dạy sách nào cũng được, học sinh có quyền lựa chọn bất kỳ quyển sách nào để học, xin hãy trả lại quyền bán sách cho các nhà sách, công ty tư nhân,…như vậy mới đúng ý nghĩa của một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, các nhà xuất bản phải tìm mọi cách để có những bộ sách tốt nhất, với giá cả cạnh tranh nhất và khi đó hưởng lợi là học sinh, phụ huynh.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh về các môn “tích hợp” cho phù hợp

Người viết nhận thấy chương trình mới có nhiều điểm mới hay, phù hợp nhưng đối với bậc trung học cơ sở thì điểm nghẽn, vướng lớn nhất và chưa có lối ra nhất là các môn gọi là tích hợp: Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý,…

Chủ trương đưa giáo viên đơn môn 10-30 năm đào tạo thêm 1,2 phân môn để dạy được cả 2,3 phân môn trong 2 môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đã không đạt được như kỳ vọng.

Nhiều giáo viên sau thời gian bồi dưỡng chứng chỉ “tích hợp” đã không thể đứng lớp giảng dạy 2,3 phân môn.

Nếu vẫn giữ 2 môn “tích hợp” mà không có sự điều chỉnh “lớn”, người viết cho rằng chương trình mới sẽ khó đạt được hiệu quả như mong muốn..

Thứ năm, hạn chế tối đa việc dạy thêm học thêm

Nhiều hệ lụy gây ra từ học thêm khiến học sinh trở thành “học vẹt”, mất thời gian tự học, tự nghiên cứu, rèn luyện thể dục thể thao, mất đi thời gian vui chơi ý nghĩa bên gia đình.

Chương trình mới hướng đến phát triển năng lực, phẩm chất, giáo dục thông qua kỹ năng sống, trải nghiệm nhưng học thêm vẫn tràn lan, vẫn học để thi, học vì điểm số,..thì chưa đúng ý nghĩa của chương trình mới.

Giáo viên dạy thêm quá mức thì kiệt sức, ngoài ra còn mất đoàn kết trong đơn vị,…

Thực hiện chương trình mới, hy vọng học sinh không phải học thêm như hiện nay, cải cách lương cùng với cải thiện thu nhập, giáo viên cũng không nên dạy thêm quá nhiều, dành thời gian để công tác, nghiên cứu và giảng dạy, giáo dục tốt hơn.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi