Nói thẳng: Không có GV tích hợp thì sao đào tạo ra sinh viên sư phạm tích hợp?

22/09/2022 06:38
Minh Khôi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Không có giảng viên tích hợp thì sẽ không có sinh viên sư phạm, giáo viên tích hợp là nguyên lý cơ bản.

Bài viết này tiếp tục bàn thêm về một khía cạnh bất cập tiếp theo của việc xuất hiện các môn tích hợp trong chương trình giáo dục phổ thông ở cấp trung học cơ sở như môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật, Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương.

Đến thời điểm này, cách thức triển khai chương trình, thiết kế sách giáo khoa vẫn chưa cho thấy thật sự có sự tích hợp, chủ yếu là tích hợp cơ học hoặc ghép môn.

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Môn Khoa học tự nhiên chia thành 3 phần Vật lý, Hóa học, Sinh học; môn Lịch sử và Địa lý tách thành 2 phần Lịch sử, Địa lý; môn Nghệ thuật chia làm 2 phần Âm nhạc, Mĩ thuật; Nội dung Giáo dục địa phương thì thiết kế kiểu bài 1 môn Ngữ văn, bài 2 môn Lịch sử, bài 3 môn Địa lý, bài 4 Âm nhạc,…

Giáo viên đơn môn sẽ bồi dưỡng các môn tích hợp ra sao?

Đến thời điểm hiện nay, ở cấp trung học cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ban hành 2 quyết định 2454 [1] và 2455/QĐ-BGDĐT [2], trong đó quy định giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học phải bắt buộc bồi dưỡng để được cấp chứng chỉ Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Các môn Nghệ thuật; Hoạt động Trải nghiệm-hướng nghiệp; Nội dung Giáo dục địa phương vẫn chưa có kế hoạch giảng dạy cụ thể, có thể tiếp tục làm khó giáo viên.

Giáo viên Lịch sử, Địa lý phải bồi dưỡng để có chứng chỉ Lịch sử và Địa lý để dạy được cả 2 phân môn theo Quyết định 2455 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Giáo viên môn Lịch sử sẽ học chủ yếu các học phần của môn Địa lý, ngược lại giáo viên Địa lý sẽ học về các học phần môn Lịch sử, bên cạnh các học phần chung chủ yếu về phương pháp dạy học kiểm tra, đánh giá chung,…

Đối với giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học bồi dưỡng theo Quyết định 2454 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, giáo viên đơn môn sẽ học 36 tín chỉ để trở thành giáo viên Khoa học tự nhiên, giáo viên Vật lý sẽ học các tín chỉ của phân môn Hóa học, Sinh học; giáo viên Sinh học sẽ học các tín chỉ của phân môn Vật lý, Hóa học,...

Như vậy, giáo viên đơn môn sẽ học thêm 1, 2 phân môn, do giảng viên đơn môn giảng dạy và sau khi có chứng chỉ sẽ trở thành giáo viên gọi là tích hợp, được dạy 2, 3 phân môn cho dù hiệu quả chưa được ai kiểm chứng.

Sách giáo khoa chia thành các phần tách biệt, giảng viên cũng đơn môn, nên gò ép để thành giáo viên tích hợp dạy được cả 2, 3 phân môn vô cùng khiên cưỡng.

Sinh viên sư phạm học ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ra sao?

Người viết tìm hiểu về chương trình đào tạo ngành sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sài Gòn, Khoa Sư phạm Khoa học tự nhiên. [3]

Theo đó, ngoài học các môn thuộc khối kiến thức giáo dục đại dương như: Triết học, Kinh tế chính trị,…, đối với kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, sinh viên ngành Khoa học tự nhiên phải học các học phần thuộc các phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học riêng biệt.

Chương trình đào tạo ngành sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: spkhtn.sgu.edu.vn

Chương trình đào tạo ngành sư phạm Khoa học tự nhiên của Trường Đại học Sài Gòn. Ảnh: spkhtn.sgu.edu.vn

Như vậy cũng gần giống như chương trình bồi dưỡng chứng chỉ Khoa học tự nhiên cho giáo viên, sinh viên sư phạm cũng học các học phần của các phân môn riêng biệt, do giảng viên Vật lý, Hóa học, Sinh học giảng dạy.

Đối với bộ môn Lịch sử và Địa lý, sinh viên sư phạm cũng học với các đơn môn Lịch sử, Địa lý riêng biệt.

Hay nói đúng hơn, cả trong chương trình bồi dưỡng chứng chỉ cho giáo viên hoặc chương trình học cho sinh viên sư phạm ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý đều do giảng viên, giáo sư, tiến sĩ đơn môn giảng dạy, không có giảng viên tích hợp.

Vì thế, việc giáo viên, sinh viên sư phạm học đơn môn, ghép môn rồi trở thành giáo viên tích hợp có phần khiên cưỡng, khó thuyết phục được mọi người.

Không có giảng viên tích hợp thì sẽ không có sinh viên sư phạm, giáo viên tích hợp là nguyên lý cơ bản.

Hiện nay, tại các trường trung học cơ sở để tìm một giáo viên giỏi chuyên môn để dạy, bồi dưỡng học sinh giỏi đơn môn Vật lý, Hóa học, Sinh học lớp 8, 9 đã khó rồi, còn tính việc có đội ngũ giáo viên giỏi, nắm chắc kiến thức chuyên sâu để dạy, bồi dưỡng học sinh lĩnh hội cả 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học (môn Khoa học tự nhiên) e rằng khó hơn hái sao trên trời.

Chỉ riêng môn Khoa học tự nhiên ở lớp 7, giáo viên đơn môn Vật lý, Sinh học đang khổ sở, vật lộn với tên các nguyên tố hóa học đọc theo tiếng Anh danh pháp IUPAC, trong khi đó còn phải đọc tên hợp chất, các axit, muối, chất hữu cơ,…theo tiếng Anh.

Không chỉ thế những liên kết hóa học như liên kết ion, liên kết cộng hóa trị, công thức hóa học, cân bằng phương trình, và những kiến thức nâng cao của phân môn Hóa học đã lâu năm nhiều giáo viên Vật lý, Sinh học không còn nhớ, liệu sẽ bồi dưỡng như thế nào để dạy được cho học sinh.

Nói thật lòng, người viết là giáo viên đang được phân công dạy môn Khoa học tự nhiên, ở các chủ đề thuộc phân môn Hóa học, giáo viên vô cùng ám ảnh với tên các nguyên tố hóa học, khi đọc học sinh thường cười ồ lên. Là giáo viên, người viết rất xấu hổ.

Là tổ trưởng chuyên môn Vật lý nhiều năm liền, được phân công tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên, dù cố gắng nghiên cứu trên Internet, các bài dạy trên Youtube nhưng người viết không thể hiểu hết kiến thức Hóa học dù chỉ là lớp 7 do đã hơn 20 năm không học và nhớ gì về kiến thức Hóa học.

Đến lớp 8, 9 người viết không biết sẽ bồi dưỡng kiểu gì để dạy được kiến thức Hóa học, Sinh học.

Người viết tha thiết mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét lại việc thực hiện và dự kiến giao cho các giáo viên đơn môn bồi dưỡng để dạy được cả 2, 3 phân môn ở lớp 8, 9 vì khó khả thi, tốn ngân sách nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

[1] Quyết định 2454 Bộ Giáo dục tại https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2454-qd-bgddt-206145-d1.html

[2] Quyết định 2455 Bộ Giáo dục tại https://luatvietnam.vn/giao-duc/quyet-dinh-2455-qd-bgddt-206143-d1.html

[3] https://drive.google.com/file/d/1sSfiAsBlMUfi-quxx7aVK4LwNj8mZT5V/view

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khôi