Thu nhập của giáo viên thấp hay cao?
Những tuần vừa qua, Báo Giáo dục Việt Nam liên tục đăng tải nhiều bài viết chia sẻ các góc nhìn khác nhau xung quanh câu chuyện dạy thêm, học thêm. Nhiều ý kiến độc giả đồng tình dạy thêm có, phản đối dạy thêm có, đưa ra nhiều lí do của tình trạng dạy thêm học thêm… Một trong những lí do đáng quan tâm là vấn đề lương giáo viên hiện nay còn thấp.
Ảnh minh họa (Nguồn: Tuoitre) |
Theo đề tài khoa học cấp nhà nước “Các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông” do nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình làm chủ nhiệm, nhóm nghiên cứu đã khảo sát thu nhập của giáo viên qua bảng lương cho thấy: Thu nhập bình quân từ lương và các phụ cấp theo lương trong khoảng từ 3-3,5 triệu đồng/tháng. Tính theo năm công tác thì lương giáo viên sau 13 năm từ 3-3,5 triệu đồng/tháng, sau 25 năm từ 4,1- 4,7 triệu đồng/tháng. Giáo viên mới ra trường ở cả 3 cấp học nhận mức lương trên dưới 2 triệu đồng/tháng.
Với số lượng giáo viên như hiện nay, chỉ khoảng 50% số giáo viên các cấp có thâm niên dạy học từ 13 năm trở lên và được hưởng mức lương bình quân, 50% còn lại được hưởng dưới mức lương bình quân.
Trong bài viết Trần tình của một hiệu phó hơn 10 năm chong đèn dạy thêm, thầy Hải Việt – Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn có cho biết “dạy vào tối 2,3,5,6 và chiều chủ nhật”, học phí mỗi buổi thu là 40 nghìn đồng.
Những trường không dạy thêm, khi đến lớp, thầy làm gì với trẻ?
Điều mà chúng ta cần không phải là thành tích, danh hiệu trong quá trình học mà quan trọng hơn là nền tảng, là hướng đi cho học sinh sau này...
Với một lớp học thêm, trung bình sĩ số khoảng 20 học sinh. Như vậy, mỗi buổi thầy Việt thu được 40 nghìn x 20 học sinh = 800 nghìn đồng.
Làm một phép tính đơn giản, một tuần số tiền thầy thu được là 800 nghìn x 5 (buổi) = 4.000.000 đồng. Một tháng thu nhập từ dạy thêm của thầy là 4 triệu x 4 tuần = 16 triệu đồng. Đây là con số có thể tính ra ngay được, nhưng sự thật chính xác thu nhập một tháng của thầy giáo là bao nhiêu vẫn còn bỏ ngỏ?
Vây thử hỏi, thu nhập của giáo viên là thấp hay cao?
Tiền dạy thêm có bị truy thu thuế?
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu lấy lí do để kiếm thu nhập thêm nên giáo viên phải dạy thêm, học thêm là không đúng. Học thêm là để nâng cao trình độ của học sinh, đối với em nào kém thì học thêm để nâng cao trình độ lên, còn em nào học giỏi thì học thêm để phát huy hơn, rồi có em học thêm về kỹ năng sống, học thêm về nghệ thuật, muốn học giỏi ngoại ngữ thì học thêm…
Nhu cầu là có, để nâng cao trình độ của người học lên, để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mục đích của học thêm là như vậy. Học thêm dạy thêm nước nào cũng có nhu cầu, bảo không được học thêm dạy thêm thì không đúng. Bởi mỗi người luôn luôn muốn hoàn thiện mình về trình độ văn hóa, ngoại ngữ, kỹ năng sống… Khi nhu cầu của xã hội cần như vậy thì có người làm việc đó, có người học thì sẽ có người dạy thêm. Người học trả phí cho người dạy để bù đắp lại công lao của họ, để trang trải kinh phí cho họ, quan niệm như thế mới đúng.
Người học có nhu cầu, nên không cấm được dạy thêm học thêm?
Việc dạy thêm học thêm là do nhu cầu của người học, cũng xuất phát từ chương trình học quá tải, nặng nề... như thế thì có cấm được dạy thêm học thêm không?
"Còn xuất phát của người giáo viên vì lương tôi thấp quá nên tôi phải đi dạy thêm, nghĩ ra mọi cách để bóc lột học sinh, việc đó là không đúng" - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho biết thêm.
Đối với việc một giáo viên có thu nhập cao, lên tới chục triệu mỗi tháng nhờ dạy thêm nhưng lại không phải nộp thuế thu nhập đối với khoản tiền này, theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Đây là lĩnh vực của quản lý nhà nước, có thể Nhà nước sơ hở chuyện này nên để thất thoát việc này. Tuy nhiên, một người dân bất kì thu nhập nào, đối với các nước tiên tiến cái gì “rơi vào túi người dân” đều phải đánh thuế cả. Đóng thuế là nghĩa vụ, đồng thời để điều chỉnh lại mức thu nhập trong xã hội. Nhà nước không nên bỏ khoản này, anh thu được bao nhiêu thì anh phải nộp thuế cho Nhà nước theo đúng quy định."
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cũng cho biết thêm, việc thu thuế đối với thu nhập từ việc dạy thêm của giáo viên chỉ mang tính đề xuất, còn với trường hợp Nhà nước có chính sách khuyến khích, không thu thuế thì do chính sách của Nhà nước, còn ở đây vẫn là thu nhập của cá nhân, giữa người dạy và người học là phải thu thuế. Nếu Nhà nước quan niệm mức sống, lương của giáo viên hiện nay chưa đủ mà không thu thì lại thuộc lĩnh vực khác rồi.