Phân công giảng dạy đầu năm ở cấp trung học cơ sở khá rối rắm

19/08/2023 08:00
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tổ trưởng chuyên môn căn cứ, tính toán con người hiện có, số tiết được Ban giám hiệu giao cho để dự kiến phân công một cách hài hòa nhất có thể.

Thời gian này, các trường phổ thông đã và đang triển khai công tác chuẩn bị cho năm học mới, trong đó có một việc quan trọng nhất là dự kiến và phân công giáo viên giảng dạy cho năm học 2023-2024. Trong các cấp học phổ thông, có lẽ cấp trung học cơ sở đang gặp phải nhiều khó khăn nhiều hơn cả vì có thêm một số môn học mới.

Một tổ chuyên môn có đến nhiều môn học và tất nhiên có những môn học nhiều tiết nhưng cũng có những môn, phân môn chỉ có một số tiết ít ỏi/ năm nên việc dự kiến phân công khá “đau đầu”. Một bộ phận giáo viên thì muốn mình được phân công những môn học thuận lợi; muốn dạy 1 buổi; muốn ít tiết; muốn không phải chủ nhiệm lớp…

Rất nhiều đề xuất, yêu cầu, lí do mà giáo viên bộ môn nêu ra không phải bao giờ các tổ chuyên môn, nhà trường cũng đều có thể đáp ứng được bởi vì nếu ai cũng lựa chọn cái thuận lợi thì cái khó khăn, vất cả ai làm?

Nhưng, phải thừa nhận một điều là chương trình mới khiến cho các tổ trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn rất áp lực khi phân công nhiệm vụ đầu năm học và cũng khó tránh khỏi những so đo giữa giáo viên này với giáo viên khác dù đã cố gắng hết sức.

Môn Nội dung giáo dục địa phương cũng đang khiến cho việc phân công gặp khó khăn (Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Môn Nội dung giáo dục địa phương cũng đang khiến cho việc phân công gặp khó khăn

(Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn)

Rối rắm phân công đối với những môn học chương trình mới

Ngày 03/8 vừa qua, Bộ ban hành Công văn số 3899/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024. Công văn đã hướng dẫn các lớp thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp trung học cơ sở, trong đó có những môn như sau:

“Đối với môn Khoa học tự nhiên: Phân công giáo viên dạy học môn học bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học trong đó bố trí thời gian, thời điểm dạy học các mạch nội dung linh hoạt trong từng học kì phù hợp với việc phân công giáo viên dạy học, bảo đảm tính khoa học, sư phạm và khả năng thực hiện của giáo viên…

… Đối với Nội dung giáo dục của địa phương: Ưu tiên phân công giáo viên đảm nhận các nội dung phù hợp với chuyên môn của giáo viên. Xây dựng kế hoạch dạy học các chủ đề/bài học Nội dung giáo dục của địa phương phù hợp với kế hoạch dạy học các môn học có nội dung liên quan”. [1]

Năm học 2023-2024 tới đây, ngành giáo dục triển khai năm thứ 3 chương trình mới ở cấp trung học cơ sở. Từ lớp 6 của cấp học này có thêm các môn Khoa học tự nhiên (Hóa học, Sinh học, Vật lí); Lịch sử và Địa lý (Lịch sử, Địa lý); Nội dung giáo dục địa phương (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mĩ thuật)…

Vì thế, tổ Khoa học tự nhiên hiện nay đang đảm nhận giảng dạy chương trình 2006 đối lớp 9 và có các môn học: Công nghệ, Hóa học, Sinh học, Vật lí. Những môn học này vì thực hiện lâu năm, dạy liên tục suốt các tuần trong năm học nên giáo viên vẫn thích dạy các môn học ở chương trình 2006 hơn chương trình 2018.

Các lớp 6, 7, 8 sẽ dạy theo chương trình 2018 có các môn Công nghệ, Khoa học tự nhiên. Trong bối cảnh hiện nay, phần nhiều giáo viên các môn học độc lập vẫn chưa được bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp nên các trường vẫn phải phân công để “bảo đảm yêu cầu phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên” như Bộ hướng dẫn.

Trong khi, có những phân môn lại có số tiết nhiều ở học kỳ II nên có những giáo viên ở kỳ I thì dạy chưa đến nửa định mức số tiết nhưng học kỳ II lại quá định mức rất nhiều tiết.

Tâm lý giáo viên thì ai cũng muốn dạy đủ 19 tiết/ tuần, hoặc có thể dạy nhiều hơn một chút ở học kỳ I để học kỳ II giảm dần số tiết nhưng không phải giáo viên nào cũng được đáp ứng vì nó còn phụ thuộc vào số tiết, vào sự phân bổ mạch kiến thức của sách giáo khoa.

Tổ Ngữ văn, tổ Toán ở cấp trung học cơ sở hiện nay đang là tổ chuyên môn rất nặng về số tiết/ tuần/lớp. Bởi hiện tại, môn Toán và Ngữ văn lớp 6, 7, 8 có 4 tiết/ lớp/ tuần; Ngữ văn 9 có 5 tiết/ lớp/ tuần. Vì thế, mỗi giáo viên được phân công dạy 2 khối thì mỗi tuần ít nhất đã phải soạn tới 8-9 tiết giáo án.

Tuy nhiên, tổ Toán chỉ dạy Toán nên công việc phân công khá đơn giản. Tổ Ngữ văn ngoài môn Ngữ văn còn có thêm phân môn Ngữ văn ở môn Nội dung giáo dục địa phương 6,7 8 và nhiều trường còn phân công thêm Công nghệ 6. Vì thế, những trường lớn phân công đầu năm khá rối rắm.

Một cô giáo hiện đang là tổ trưởng Ngữ văn- Công nghệ 6 chia sẻ: Trường tôi là trường loại I, có tới 41 lớp (11 lớp 6; 10 lớp 7; 10 lớp 8; 10 lớp 9) nên đầu năm phân công rất mệt mỏi. Bởi mỗi tuần có 11 tiết Công nghệ 6; 44 tiết Ngữ văn 6; 40 tiết Ngữ văn đối với khối 7, 8 và 50 tiết đối với Ngữ văn 9.

Bên cạnh đó, phân môn Ngữ văn của môn Nội dung giáo dục địa phương mỗi năm có 9 tiết/ lớp nên khối 6 có 99 tiết; 90 tiết ở khối 7 và 90 tiết ở khối 8. Cái khổ là Nội dung địa phương không dạy ngay từ đầu như các môn học khác mà phải dạy sau kiến thức nền theo hướng dẫn của Sở. Vì thế, có lớp dạy ở học kỳ I nhưng có lớp phân môn Ngữ văn dạy ở học kỳ II.

Trước đây, khi dạy chương trình 2006, việc dự kiến phân công của tổ khá nhẹ nhàng vì lớp có 4-5 tiết, cứ căn cứ vào đó giáo viên dạy học kỳ I thiếu hay thừa thì học kỳ II phân công cho đủ định mức là được.

Bây giờ, khi thực hiện chương trình mới, phân công 1 giáo viên dạy ít tiết Văn, nhiều tiết Nội dung địa phương họ cũng không chịu vì dạy Ngữ văn có một số thầy cô đang dạy thêm. Hơn nữa, dạy Nội dung địa phương, có thời điểm dồn dập nhiều lớp khiến cho giáo viên quá tải.

Vì thế, phải phân công mỗi giáo viên 4 lớp Ngữ văn, còn thiếu bao nhiêu thì chèn Nội dung giáo dục địa phương vào nhưng một số giáo viên vẫn than phiền vì họ phải soạn thêm nhiều tiết giáo án.

Ngoài ra, môn Công nghệ 6 cũng rối rắm không kém vì dạy đến tuần 27 là tổ Văn chuyển sang cho tổ Khoa học tự nhiên. Vì thế, còn lại mấy tuần cuối năm cũng khó phân công giáo viên. Nhiều khi, Ban giám hiệu nhà trường cho giáo viên này đi trực giám thị cho hết thời gian…

Các tổ Giáo dục công dân; Lịch sử và Địa lý; Nghệ thuật cũng rối rắm khi phân công giáo viên dạy Nội dung giáo dục địa phương vì có phân môn 6 tiết/ lớp/ năm; nhưng có phân môn có 4 tiết/ lớp/ năm nên giáo viên vào lớp học sinh chưa biết tên đã hết tiết dạy.

So với chương trình 2006, chương trình 2018 phân công giảng dạy phức tạp hơn rất nhiều

Đa phần các tổ trưởng chuyên môn ở cấp trung học cơ sở đều cảm thấy rất áp lực khi thực hiện chương trình 2018. Áp lực không chỉ ở việc thực hiện các Kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512 mà đầu năm khi dự kiến phân công giảng dạy cũng khiến cho họ cảm thấy mệt mỏi.

Trường loại I, chỉ trừ tổ Thể dục, tổ Toán và tổ tiếng Anh là dạy 1 môn học. Còn lại, tổ nào cũng được “tích hợp” thêm nhiều môn học mới.

Trong khi, đa phần các tổ có trên chục giáo viên, mỗi người 1 ý, 1 nguyện vọng cho riêng mình. Thầy cô nào cũng muốn mình đảm nhận những môn học, công việc thuận lợi nên đề xuất mình dạy môn này, khối này, dạy 1 buổi, không chủ nhiệm…

Nhưng, làm sao tổ trưởng chuyên môn đáp ứng được tất cả yêu cầu của giáo viên trong tổ. Tổ chuyên môn chỉ họp và “dự kiến” phân công và họ sẽ gửi lên Ban giám hiệu nhà trường phân công chính thức.

Khi chuẩn bị năm học mới, Ban giám hiệu nhà trường giao cho bao nhiêu lớp, bao nhiêu môn, bao nhiêu giáo viên chủ nhiệm trong năm. Tổ trưởng chuyên môn căn cứ, tính toán con người hiện có, số tiết được giao để dự kiến phân công một cách hài hòa nhất có thể.

Nhưng, vẫn có một số giáo viên vẫn luôn so đo vì bị phân công chủ nhiệm, bị phân công ở học kỳ II nhiều tiết trong khi có giáo viên không chủ nhiệm, có giáo viên học kỳ I nhiều tiết.

Thế nhưng, chương trình môn học, sách giáo khoa, khung phân phối chương trình thì tổ trưởng, Ban giám hiệu nhà trường có viết ra được đâu. Nhiều môn học mới được Bộ, Sở, Phòng giáo dục chỉ đạo vậy thì họ phải thực hiện phân công công việc trên tình hình thực tế và con người cụ thể chứ làm sao có thể phân công khác được.

Rối, mệt mỏi là điều mà các thầy cô kiêm nhiệm tổ trưởng, phó hiệu trưởng chuyên môn đối với một số môn học ghép, một số tổ ghép, dạy chéo môn khi phân công công việc đầu năm. Vì thế, nhiều tổ trưởng chuyên môn rất sợ khi được hiệu trưởng phân công kiêm nhiệm tổ trưởng chuyên môn vì phụ cấp trách nhiệm chẳng đáng bao nhiêu nhưng nhiều khi mệt mỏi, áp lực trong năm thì có quá nhiều.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Giao-duc/Cong-van-3899-BGDDT-GDTrH-2023-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2023-2024-574670.aspx

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH