LTS: Là một tỉnh có dân số đông dân nhất khu vực Đông Nam Bộ (nếu không tính Thành phố Hồ Chí Minh), đông thứ nhì ở khu vực phía Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh) và đứng thứ 5 của cả nước, nhiều năm gần đây, ngành giáo dục và đào tạo của tỉnh Đồng Nai đã có rất nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng tốt mạng lưới trường học, đáp ứng đầy đủ nhu cầu học tập của người dân.
Trước thềm Hội nghị "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 18/4 sắp tới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Sơn Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai để có góc nhìn toàn diện về giáo dục và đào tạo của Đồng Nai trong thời gian qua.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Là một địa phương nằm trong vùng Đông Nam Bộ, Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng, ý nghĩa của Hội nghị "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sẽ được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 18/4 tới đây?
Ông Nguyễn Sơn Hùng: Trong thời gian vừa qua, Đồng Nai cùng với các tỉnh, thành phố nằm trong vùng Đông Nam Bộ đã phấn đấu đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực nói chung, lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói riêng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và đối ngoại của đất nước.
Hội nghị "Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào ngày 18/4/2023 tới đây có ý nghĩa quan trọng, để đánh giá tình hình giáo dục và đào tạo của vùng giai đoạn 2011 – 2021, đề ra các nhiệm vụ và giải pháp để phát triển giáo dục và đào tạo của vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Qua đó cũng thể hiện quyết tâm cao của ngành giáo dục và đào tạo, nhằm triển khai việc thực hiện đạt hiệu quả Nghị quyết 24-NQ ngày 7/10/222 của Bộ Chính trị.
Phóng viên: Để nêu ra đặc thù của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai thì Ông sẽ nhắc đến những điều gì, thưa Ông?
Ông Nguyễn Sơn Hùng: Ngành giáo dục của tỉnh Đồng Nai chịu áp lực khá lớn về việc phát triển hệ thống trường lớp, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương. Tỉnh Đồng Nai có quy mô dân số lớn. Tính đến năm 2023, quy mô dân số của tỉnh là hơn 3 triệu người.
Tình trạng gia tăng dân số cơ học khá cao, đây là một khó khăn lớn trong công tác phát triển giáo dục và đào tạo của địa phương.
Là địa phương có số lượng trường lớp nhiều hơn so với các địa phương khác. Năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 316 trường có cấp tiểu học, 182 trường trung học cơ sở, 77 trường có cấp trung học phổ thông, đòi hỏi hàng năm địa phương phải có những nguồn lực đầu tư lớn để phát triển giáo dục.
Ông Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai (ảnh: NVCC) |
So với cả nước, Đồng Nai là một trong những địa phương thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa giáo dục. Năm 2023, trường ngoài công lập ở bậc học mầm non có 157/376 trường, đạt tỷ lệ 41,7%, cấp trung học phổ thông có 27/77 trường, đạt tỷ lệ 35,06%.
Hệ thống trường ngoài công lập phát triển, giúp địa phương phát huy mọi tiềm năng trong xã hội về vật chất, trí tuệ, khoa học kỹ thuật, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục, với các mức độ khác nhau, giúp cho giáo dục đạt quy mô rộng, tốc độ lớn, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển và tiến bộ giáo dục của địa phương.
Phóng viên: Nhiều địa phương đang gặp phải tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Đồng Nai có gặp tình trạng này không, thưa Ông?
Ông Nguyễn Sơn Hùng: Thực hiện lộ trình tinh giản biên chế, trong thời gian vừa qua, số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập luôn được giao thấp hơn rất nhiều so với định mức số lượng người làm việc theo định biên quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 29.454 viên chức của ngành giáo dục, trong đó, số lượng giáo viên hiện có là 25.586, thiếu 2.408 giáo viên so với định biên.
Đối với những môn mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, như môn Khoa học Tự nhiên thiếu 82 giáo viên, môn Lịch sử - Địa lý thiếu 112 giáo viên.
Do đó, hiện tại, tỉnh Đồng Nai không có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Phóng viên: Thông qua Hội nghị quan trọng này, Ông có kiến nghị, đề xuất gì để giáo dục Đồng Nai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn mới?
Ông Nguyễn Sơn Hùng: Để giáo dục Đồng Nai đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng trong giai đoạn mới, địa phương cần tập trung một số giải pháp quan trọng sau:
Thứ nhất, thực hiện quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển giáo dục và đào tạo, đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông tỉnh đảm bảo tính bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi, đối với giáo dục đại học thì từng bước tạo chuyển biến nhằm phát triển đại học theo hướng gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, đảm bảo chất lượng theo chuẩn khu vực (AUN-QA).
Quy hoạch quỹ đất đảm bảo cho sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo. Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, để giải quyết bài toàn vừa đảm bảo phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của con em nhân dân, vừa thực hiện mục tiêu, giải pháp về tinh giản biên chế trong thời gian tới.
Thứ hai, chú trọng thực hiện triển khai có hiệu quả các chính sách, chủ trương của Chính phủ đã ban hành đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, nhằm đảm bảo đội ngũ giáo viên cho các cấp học, ngành học.
Thực hiện đảm bảo đội ngũ giáo viên theo chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó về số lượng đảm bảo cơ cấu giáo viên trên lớp, cơ cấu giáo viên theo bộ môn, về chất lượng đạt chuẩn về trình độ theo quy định.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đề xuất Hội đồng Nhân dân của tỉnh ban hành thêm chế độ hỗ trợ của tỉnh cho đội ngũ thầy cô giáo, để thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng mới giáo viên hàng năm, cũng như tạo sự ổn định, an tâm công tác cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy đang giảng dạy trong ngành.
Thứ ba, tăng cường thực hiện cơ chế tự chủ tài chính của các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập. Tăng cường kiểm định giáo dục, và đẩy mạnh phát triển trường học đạt chuẩn quốc gia. Thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo, để kịp thời chấn chỉnh, phát hiện và uốn nắn để các cơ sở giáo dục thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
Trong thời gian tới, đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, để hỗ trợ vùng và địa phương, Đồng Nai kiến nghị:
Các Bộ, ngành xem xét, tham mưu không thực hiện tinh giản biên chế ngành giáo dục, đặc biệt đối với các địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, nhằm đảm bảo đội ngũ đáp ứng nhu cầu học sinh tăng hàng năm rất cao.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm tham mưu Chính phủ ban hành các chủ trương gồm: Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch mạng lưới đại học, mạng lưới các trung tâm giáo dục hòa nhập đến năm 2030 theo Luật Quy hoạch, để làm cơ sở cho các địa phương, cho tỉnh có cơ sở phát triển các cơ sở giáo dục phù hợp với đặc thù của tỉnh và tỉnh liên kết vùng.
Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai.