Quá trình chạy thận gần 12 năm, cô Nga vẫn miệt mài lên lớp giảng bài cho HS

10/11/2023 06:32
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Trong quá trình gần 12 năm chạy thận, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga vẫn miệt mài lên lớp giảng bài cho học sinh.

Cô Đỗ Thị Thu Nga, sinh năm 1981, giáo viên môn Ngữ văn tại Trường Trung học phổ thông Tháng 10 (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) là 1 trong 58 thầy cô giáo được vinh danh tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023.

Tìm động lực từ học sinh trong hành trình chạy thận gần 12 năm

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đỗ Thị Thu Nga cho biết, mặc dù có mẹ là giáo viên dạy môn Toán nhưng ước mơ từ nhỏ của cô là trở thành một giáo viên dạy môn Ngữ văn, đặc biệt là giáo viên bậc trung học phổ thông.

Tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ văn, cô Nga nhận quyết định công tác tại Trường Trung học phổ thông Tháng 10 (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), tính tới thời điểm hiện tại, cô đã gắn bó với trường được 20 năm.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Tháng 10 (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: NVCC

Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga - Giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông Tháng 10 (xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh: NVCC

Nhớ lại những ngày đầu khi mới bước vào nghề, đường đến trường khá vất vả do gập ghềnh, đi lại chưa thuận tiện nhưng bằng tình yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô Nga đã vượt qua khó khăn để đồng hành cùng học sinh. Tưởng chừng ước mơ đẹp được viết tiếp nhưng căn bệnh suy thận độ 3 ập đến khi cô 28 tuổi - khoảng thời gian cô đang là mẹ của đứa trẻ 5 tuổi và chưa có nhiều thành tích trong sự nghiệp giáo dục.

“Khi ấy, người tôi phù nặng, mệt mỏi, suy kiệt sức khỏe, tinh thần rệu rã, tuyệt vọng như chiếc dây cót đã hết năng lượng. Những ngày đầu, tâm lý không ổn định, mỗi lần tắt điện đi ngủ mình lại giật mình sợ hãi, sợ cái chết tìm đến bất thình lình. Nhìn chiếc máy lọc máu với những con số nhảy nhót, những tiếng tít tít… xung quanh, báo hiệu một ca chạy thận kết thúc. Ám ảnh, nước mắt mình trào ra.

Ngót ghét chạy thận gần 12 năm, trong quá trình chữa bệnh, có những hôm bị hở đầu kim, dù rất run sợ nhưng cố trấn an bản thân thật bình tĩnh, dặn học trò với dòng tin nhắn: “Ở nhà em lấy tài liệu ra ôn, hỏi thêm các bạn nữa. Phải cố gắng lên, không gì là không cố gắng được”.

Thời điểm đó, mình đang rất cần nguồn năng lượng về mặt tinh thần để cố gắng, khi đến trường, nhìn thấy học trò của mình muốn vươn lên nhưng chưa có động lực. Vậy là cả cô và trò đều tiếp sức mạnh, cùng động viên nhau để cố gắng chiến đấu.

Do ảnh hưởng của bệnh nên cân nặng chỉ còn 36kg, có những hôm trời mưa to hay nắng gắt, nhưng mình vẫn quyết định tới trường, bởi mình nghĩ rằng: “Học trò đang ngồi ghế đá để chờ mình đến giảng bài”. Cứ như vậy, mình đã có 3 khóa học sinh tốt nghiệp ra trường, viết tiếp ước mơ được học để thay đổi cuộc đời.

Đến thời điểm hiện tại, mình đã ghép thận được 3 năm, mặc dù không chắc chắn được về mọi thứ nhưng mình luôn cảm thấy vui vẻ vì vẫn còn được sống, được gặp người thân và giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò.”, cô Nga tâm sự.

“Học sinh hồn nhiên, trong sáng như ánh mặt trời, còn mình luôn hướng đến mặt trời bởi bóng tối sẽ ở sau lưng” - cô Đỗ Thị Thu Nga nói.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là kim chỉ nam dạy học

Dạy học và là giáo viên chủ nhiệm của 41 học sinh, bằng sự quan tâm, yêu thương, động viên, cô Nga đã dành thời gian để đến nhà từng bạn trong lớp. Bởi cô luôn tâm niệm rằng, bên cạnh hoạt động hỗ trợ của nhà trường đối với các bạn người dân tộc thiểu số, chỉ có tình yêu thương, sự thấu hiểu, sẻ chia và động viên, các em mới phấn đấu và tiến bộ hơn trước.

Mỗi tiết học của cô Nga không chỉ là khoảng thời gian học sinh được bồi đắp kiến thức mà các bạn được học kỹ năng mềm, cách đối nhân xử thế.

Bên cạnh đó, mỗi buổi họp phụ huynh, cô Nga thường không điều hành cuộc họp với tư cách là một giáo viên chủ nhiệm mà học trò sẽ đứng lên trình bày, báo cáo và thể hiện cảm xúc của bản thân để phụ huynh nhìn nhận được sự thay đổi, tiến bộ.

Áp dụng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh vào phương pháp giảng dạy cho học sinh, cô Nga chia sẻ rằng: “Chủ đề tôi lựa chọn để giảng dạy cho học sinh là “Vươn lên và vượt qua khó khăn để thực hiện ước mơ của mình và gieo ước mơ cho học sinh”.

Từ bài thơ “Nhật ký trong tù”, “Chiều tối”, tôi luôn lồng ghép câu chuyện về cuộc đời, tư tưởng của Bác vào trong mỗi bài học. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh luôn gắn với việc giảng dạy và cuộc sống của bản thân”.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga cùng học trò trong giờ học môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga cùng học trò trong giờ học môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Những sáng kiến của cô luôn được đồng nghiệp đánh giá cao, học sinh hứng khởi mỗi khi đến tiết học. Một số sáng kiến điển hình của cô như ứng dụng phương pháp tích hợp các môn học Địa lý, Lịch sử, Sinh học, Giáo dục công dân vào giảng dạy bộ môn Ngữ văn; ứng dụng mô hình sơ đồ vào giảng dạy đã tạo cho học sinh cách tiếp cận mới. Điều này, giúp học sinh tăng tính chủ động, tìm tòi kiến thức mới, hệ thống kiến thức đã học một cách dễ dàng.

Ngoài ra, cô giáo Nga còn trực tiếp thực hiện các phóng sự minh họa để lồng ghép vào mỗi bài giảng cũng như thực hiện công tác truyền thông nội bộ, gắn kết đồng nghiệp, học sinh trong trường.

Chia sẻ về mong muốn của bản thân, cô Nga tâm sự: “Lúc mới đi làm, tôi thường nói với mẹ rằng, sẽ cố gắng trở thành một giáo viên tốt và đến thời điểm hiện tại tôi vẫn đang làm tốt công việc mà mình yêu thích, được học sinh yêu quý. Dù cuộc sống có thay đổi như thế nào, tôi luôn muốn các bạn có thể giữ được nét riêng của con người Việt Nam, đoàn kết, yêu thương nhau”.

Gắn bó 20 năm với Trường Trung học phổ thông Tháng 10 nói riêng và ngành giáo dục tỉnh Tuyên Quang nói chung đã tạo nên hình ảnh cô giáo Nga quen thuộc không chỉ với học sinh, phụ huynh mà còn với các thầy cô trong ngành.

Nói về cô giáo Đỗ Thị Thu Nga, cô Lưu Thị Minh Cảnh – nguyên Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tháng 10 cho biết: “Cô giáo Đỗ Thị Thu Nga là một giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, luôn tâm huyết với nghề, sáng tạo trong việc nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá phù hợp với từng tiết dạy.

Từ đó, giúp học sinh tham gia tích cực, tự giác học tập. Các lớp, đội tuyển học sinh giỏi do cô Nga phụ trách dạy luôn đạt kết quả cao và nhiều thành tích tốt trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh”.

Trong 20 năm công tác, cô giáo Đỗ Thị Thu Nga đã gặt hái nhiều thành tích ấn tượng:

03 giấy khen của Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang về thành tích trong năm học.

02 giấy khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện về thành tích trong Công tác Hội Liên hiệp thanh niên và Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

06 Bằng khen của tỉnh đoàn Tuyên Quang về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào Thanh niên.

03 Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về thành tích trong công tác đoàn và phong trào thanh niên, Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, giáo viên có thành tích trong các hoạt động kỉ niệm 40 năm ngành giáo dục.

02 Bằng khen của Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam về thành tích trong Công tác “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

01 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về thành tích đóng góp xây dựng Nhà trường kỉ niệm 30 năm thành lập Trường Trung học phổ thông Tháng 10.

01 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

01 danh hiệu “Công dân tiêu biểu tỉnh Tuyên Quang năm 2022”.

Là nhân vật của nhóm tác giả là học sinh lớp chủ nhiệm đạt giải Nhất cấp tỉnh, giải Ba cấp Bộ cuộc thi Thiết kế video “Thầy cô trong mắt em” năm 2022.

Thảo Ly