Quy trình tuyển dụng phức tạp, SV xuất sắc "ngại" chọn làm ở môi trường nhà nước

17/03/2023 06:34
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy trình tuyển dụng phức tạp, thông tin tuyển dụng chưa rõ ràng, lương thấp,... là những lý do khiến nhiều SV xuất sắc hiện nay không chọn vào nhà nước làm việc.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, qua khảo sát gần 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ có 10,21% sinh viên xuất sắc, 5,79% sinh viên khá và 7,71% sinh viên trung bình muốn đi làm cho các cơ quan nhà nước.

Trước thông tin này, không ít người bày tỏ thắc mắc rằng, liệu có phải do chính sách tuyển dụng và chế độ của các cơ quan nhà nước chưa thu hút được người giỏi?

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, em Lê Thị Thùy, thủ khoa tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Đông Á năm 2022 cho hay, hiện tại, em đang làm tại một đơn vị tư nhân, và nhiều bạn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khác mà em biết cũng có xu hướng tương tự.

Thùy chia sẻ, có một số lý do chính khiến nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hiện nay không muốn làm việc tại cơ quan nhà nước như: quy trình tuyển dụng phức tạp, thậm chí, nhiều người không biết thông tin về các vị trí cần tuyển trong cơ quan nhà nước được đăng tải ở đâu; chế độ đãi ngộ chưa được hấp dẫn bằng các đơn vị tư nhân; cơ hội thăng tiến khó (hoặc chậm); thậm chí nhiều người có suy nghĩ: các vị trí làm việc trong cơ quan nhà nước cần phải có quan hệ quen thân, giới thiệu mới vào được; môi trường khô khan, khiến thế hệ trẻ năng động khó thích nghi...

Do vậy, Thùy nêu quan điểm, muốn thu hút được người tài, đặc biệt là các sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào làm việc, cơ quan nhà nước cần trẻ hoá đội ngũ, xây dựng văn hóa cơ quan trẻ trung, năng động nhưng vẫn giữ được giá trị cốt lõi, màu sắc riêng của cơ quan.

Bên cạnh đó, các thông tin về tuyển dụng cũng cần được đăng trên các nền tảng mạng xã hội thân thiện với thế hệ trẻ; những chính sách đãi ngộ cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc phải rõ ràng, xứng đáng với năng lực và được công khai để những người có nhu cầu tuyển dụng có thể nắm được.

Em Nguyễn Thị Hương, thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc Học viện Phụ nữ Việt Nam năm 2022 hiện đang làm việc tại một đơn vị tư nhân ở khu vực Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Theo nữ thủ khoa này, để thu hút nguồn nhân lực trẻ tài năng, các cơ quan nhà nước nên: đưa ra nhiều cơ hội phù hợp hơn cho những người mới ra trường chưa có kinh nghiệm thực tế; đa dạng hơn những ngành nghề theo thực tiễn các trường đại học đào tạo, đáp ứng đúng với chuyên ngành sinh viên đã theo học để khi tốt nghiệp, họ đã có sẵn nền tảng kiến thức, sẽ tự tin hơn khi bước vào môi trường cơ quan nhà nước.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Lý, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Đồng Nai cho biết, trung bình mỗi năm, có gần 10% sinh viên của trường tốt nghiệp loại xuất sắc.

Trong đó, số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc vào cơ quan nhà nước làm việc chủ yếu là người học ở các khoa sư phạm; ngược lại, số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc các ngành thuộc khoa kinh tế, kỹ thuật,... thường lựa chọn môi trường làm việc tại các cơ quan ngoài nhà nước nhiều hơn.

Bởi, khi vừa tốt nghiệp hoặc thậm chí vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường, những sinh viên xuất sắc này đã được nhiều doanh nghiệp đưa ra các chính sách tuyển dụng ưu tiên, có nhiều quyền lợi đặc biệt cho họ vào làm việc ngay từ ban đầu.

Nhìn nhận từ thực tế, cách tính lương hiện nay tại cơ quan nhà nước là theo bậc, ngạch chứ không xét theo năng lực giống như các cơ quan, doanh nghiệp tư nhân. Do vậy, nhiều sinh viên tốt nghiệp xuất sắc cảm thấy mức lương tại cơ quan nhà nước chưa tương xứng với khả năng của bản thân.

Trong khi đó, thu nhập tại các cơ quan, doanh nghiệp ngoài nhà nước cao hơn gấp mấy lần, lại có nhiều cơ hội thăng tiến hơn khi bản thân người làm có năng lực thực sự.

Đồng tình với quan điểm trên, Tiến sĩ Tô Vĩnh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bạc Liêu cũng cho rằng, mức thu nhập thấp cũng là một trong những lý do khiến nhiều sinh viên, đặc biệt là những sinh viên giỏi, xuất sắc khi ra trường không muốn vào làm tại cơ quan nhà nước. Mỗi môi trường làm việc dù là nhà nước hay tư nhân cũng đều có những mặt thuận lợi, khó khăn riêng. Mặc dù công việc tại các cơ quan nhà nước sẽ có sự ổn định hơn. Tuy nhiên, mức lương không được như mong muốn.

“Lương trong các cơ quan nhà nước tương đối thấp, chỉ khoảng trên dưới 4 triệu đồng cho người mới ra trường. Mức này khó đáp ứng được nhu cầu của những người giỏi nhưng chưa có tiềm lực kinh tế riêng”, thầy Sơn bày tỏ quan điểm.

Không những vậy, theo thầy Sơn, môi trường của nhà nước cũng thường khó có cơ hội vào, đặc biệt là ở địa phương thì các cơ hội việc làm còn nhiều hạn chế hơn.

Trong khi đó, tại các cơ quan, doanh nghiệp tư nhân, ứng viên chỉ cần chuẩn bị hồ sơ và được hội đồng tuyển dụng của cơ quan ấy phỏng vấn để lựa chọn. Nhờ vậy, vừa hạn chế được các vấn đề tiêu cực mà cơ hội việc làm cũng rộng mở nhiều hơn.

Còn có một số bạn sinh viên tốt nghiệp xuất sắc khi vào làm tại các cơ quan nhà nước nhận thấy bản thân không có nhiều cơ hội để phát huy năng lực của mình, một phần cũng có thể do vị trí công tác chưa được phù hợp.

Thầy Sơn cho rằng, cần phải tạo thêm nhiều điều kiện, cơ chế chính sách, cơ hội việc làm và đặc biệt là cơ chế về tiền lương để thu hút được những người học tốt nghiệp xuất sắc, nhân tài vào làm việc tại các cơ quan nhà nước nhiều hơn.

Cũng theo Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Bạc Liêu, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp của trường vào làm việc tại các môi trường nhà nước hay tư nhân còn tùy theo lĩnh vực đào tạo.

Như các ngành đào tạo giáo viên, sinh viên khi ra trường thường muốn vào làm việc ở cơ quan nhà nước nhiều hơn - đây là điều dễ hiểu vì ngành này có yêu cầu cao về sự ổn định. Tuy nhiên, số sinh viên học các khoa nông nghiệp, kinh tế, công nghệ thông tin của trường thì chủ yếu lựa chọn làm việc tại các môi trường ngoài nhà nước khi tốt nghiệp.

Tường San