Sinh viên năm 3 chưa được nhận tiền hỗ trợ diện NĐ 116, ĐH Thủ Dầu Một nói gì?

14/07/2023 06:45
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nghị định 116 với nhiều nội dung chưa rõ ràng là lý do chính khiến việc thực hiện có sự chậm trễ như hiện nay.

Nghị định 116/2020 ngày 25/09/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116) được chính thức triển khai từ năm học 2021-2022. Tuy nhiên, đến nay nhiều sinh viên vẫn chưa nhận được kinh phí hỗ trợ theo quy định của Nghị định 116 dù đã đăng ký nhận hỗ trợ trước đó.

Phản ánh tới Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một số sinh viên sư phạm Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương chia sẻ băn khoăn và lo lắng khi chỉ còn 01 tháng nữa là thi kết thúc học phần và chính thức trở thành sinh viên năm 3 nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: Thủy Tiên

Trường Đại học Thủ Dầu Một. Ảnh: Thủy Tiên

Để rộng đường dư luận về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên hệ với thầy Ngô Hồng Điệp - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một và được thầy Điệp cho biết, Nghị định 116 có nhiều nội dung chưa rõ ràng là lý do chính khiến việc thực hiện bị chậm trễ như hiện nay.

Theo thầy Điệp, Trường Đại học Thủ Dầu Một là trường đại học địa phương, trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, sinh viên theo học ngành sư phạm tại trường không chỉ có các em ở tỉnh Bình Dương, mà phạm vi tuyển sinh của trường là rộng khắp cả nước.

Từ thực tế đó, vị Phó hiệu trưởng đặt vấn đề về những vướng mắc chưa được Nghị định 116 làm rõ, ví như: “Trường lấy ngân sách địa phương chi cho sinh viên tỉnh khác thì như thế nào? Sinh viên sau khi tốt nghiệp, không làm ở tỉnh Bình Dương mà quay trở về quê của các em công tác thì sao?"

Liên quan đến vấn đề này, nhiều nội dung nhà trường đang cần làm rõ:

“Trong Nghị định 116 không nêu rõ là sinh viên tốt nghiệp xong sẽ làm ở địa phương hay làm trong hệ thống giáo dục. Trong hệ thống giáo dục thì cũng chưa rõ hệ thống giáo dục công lập hay giáo dục tư thục, hay cả hai?

Sinh viên diện Nghị định 116 làm ở hệ thống giáo dục tư thục có được không? Vì giáo dục tư thục cũng là phục vụ đất nước. Đầu tư giáo dục tư thục có nhiều ưu đãi, trong đó có được ưu đãi sử dụng đối tượng Nghị định 116 hay không cũng chưa làm rõ”, thầy Điệp nêu băn khoăn.

"Chúng tôi cũng đã nhiều lần hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này, tuy nhiên Bộ Giáo dục cũng chỉ trả lời chung chung", thầy Ngô Hồng Điệp nói.

Những quy định còn chưa rõ ràng về nơi công tác khiến việc chi tiền ngân sách địa phương cho hoạt động đào tạo gặp khó khăn. Thầy Điệp chia sẻ vướng mắc rằng quy định không rõ ràng như vậy thì sau khi chi tiền xong, nếu các em không làm theo cam kết thì ai sẽ đền bù?

Chưa kể, sinh viên được đào tạo theo Nghị định 116 không thuộc diện cử tuyển. Việc tuyển dụng viên chức cho các đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp xong vẫn phải thông qua thi tuyển mới vào làm được tại các hệ thống giáo dục công lập.

Vị Phó hiệu trưởng nêu bất cập: “Nếu có em cố tình thi trượt thì ai chịu trách nhiệm? Hoặc trường hợp các em muốn làm giáo dục, nhưng thi không đậu thì như thế nào? Ra tòa xử lý ra sao?”.

Trên cơ sở những vướng mắc như vậy, thầy Ngô Hồng Điệp cho biết, nhà trường đang phải làm rõ các vấn đề này với người học và Ủy ban nhân dân tỉnh để có sự thống nhất từ cam kết tới thực hiện, nhằm tránh những ràng buộc về sau.

Theo thầy Điệp, về phía Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, quan điểm của tỉnh là hoàn toàn ủng hộ việc thực hiện Nghị định 116. Tuy nhiên, nhà trường và phía người học cùng Ủy ban nhân tỉnh cần làm rõ và thống nhất các nội dung liên quan tới cam kết thực hiện, đảm bảo đúng mục tiêu chính sách đã đề ra.

Phóng viên đặt vấn đề về thời gian chính xác sinh viên sẽ được nhận hỗ trợ, tuy nhiên vị Phó hiệu trưởng chưa có câu trả lời về thời gian chính xác.

“Phía Ủy ban nhân tỉnh đã đồng ý chi ngân sách để thực hiện, tuy nhiên chúng tôi cần làm rõ câu chuyện cam kết, ràng buộc phía sau. Nhà trường cũng thấu hiểu những khó khăn của sinh viên, các em xét tuyển vào sư phạm đa phần là con gia đình nghèo, mong muốn được nhận hỗ trợ từ chính sách để có thêm phần trang trải cuộc sống.

Vì vậy, nhà trường đang cố gắng làm nhanh, làm sớm để sinh viên kịp thời nhận được tiền hỗ trợ trước khi bước vào năm học mới”, thầy Ngô Hồng Điệp khẳng định.

Được biết tỉnh Kiên Giang xem xét tạm ứng chi hỗ trợ đối với sinh viên sư phạm [*], về vấn đề này, thầy Điệp khẳng định tỉnh Bình Dương không chi tạm ứng mà sẽ cấp tài chính luôn, tuy nhiên cần làm rõ các cam kết mới có thể nhận được hỗ trợ.

Nghị định 116/2020/NĐ-CP quy định: Điều 4. Mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ

1. Mức hỗ trợ:

a) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học;

b) Sinh viên sư phạm được nhà nước hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

2. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học. Trong trường hợp tổ chức giảng dạy theo học chế tín chỉ, cơ sở đào tạo giáo viên có thể quy đổi mức hỗ trợ cho phù hợp với học chế tín chỉ. Tổng kinh phí hỗ trợ của cả khóa học theo học chế tín chỉ không vượt quá mức hỗ trợ quy định cho khóa học theo năm học.

Tài liệu tham khảo:

[*]: https://baokiengiang.vn/trong-tinh/kien-giang-xem-xet-tam-ung-chi-ho-tro-doi-voi-sinh-vien-su-pham-15585.html

Bắc Sơn