Sinh viên ngành Sư phạm có nên học trước chương trình đào tạo thạc sĩ?

02/04/2024 06:38
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sinh viên ngành Sư phạm có học lực khá, giỏi nên học trước chương trình đào tạo thạc sĩ vì người học sẽ có nhiều lợi thế sau khi được tuyển dụng làm giáo viên.

Theo khoản 2 Điều 4 Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) có học lực tính theo điểm trung bình tích lũy xếp loại khá trở lên và các điều kiện khác do cơ sở đào tạo quy định có thể được đăng ký học trước một số học phần của chương trình đào tạo thạc sĩ tại cùng cơ sở đào tạo.

Theo Thông tư này, số tín chỉ sinh viên được công nhận không vượt quá 15 tín chỉ.

Người viết nhận thấy, sinh viên đang theo học ngành sư phạm ở các trường đại học nếu có điều kiện kinh tế thì nên sắp xếp thời gian tham gia học trước chương trình đào tạo thạc sĩ.

Bởi lẽ, sinh viên ngành sư phạm có học lực khá và giỏi, nếu biết cách sắp xếp thời gian học tập hợp lí thì sau 5 năm có thể nhận một lúc 2 bằng, bằng đại học và bằng thạc sĩ.

Cùng với đó, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, người có học vị thạc sĩ sẽ có một số lợi thế trong tuyển dụng, nâng lương và có thêm cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

gdvn-bangthacsi-5722.jpg
Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn.

Thứ nhất, căn cứ khoản 1 Điều 22 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định chế độ, chính sách đối với người tập sự mà có trình độ đào tạo là thạc sĩ, tiến sĩ như sau:

- Trong thời gian tập sự, người tập sự có bằng đại học hoặc tương đương được hưởng 85% mức lương bậc 1 của ngạch tuyển dụng.

- Trường hợp người tập sự có trình độ thạc sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 2 của ngạch tuyển dụng.

- Trường hợp người tập sự có trình độ tiến sĩ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm tuyển dụng thì được hưởng 85% mức lương bậc 3 của ngạch tuyển dụng.

Theo đó, người tập sự có bằng đại học khi tuyển dụng công chức được hưởng 85% lương bậc 1, có bằng thạc sĩ hưởng 85% lương bậc 2 còn đối với tiến sĩ được hưởng 85% lương bậc 3. Đồng thời, còn được hưởng các khoản phụ cấp được hưởng theo quy định của pháp luật.

Theo quy định này, người có bằng thạc sĩ khi được tuyển dụng sẽ có nhiều lợi thế hơn so với người có bằng cử nhân.

Cụ thể, người có bằng thạc sĩ sẽ được xếp lương bậc 2 còn người có bằng cử nhân chỉ được xếp lương bậc 1.

Kéo theo, người có bằng thạc sĩ sẽ được rút ngắn thời gian nâng bậc lương (bậc 3) so với người có bằng cử nhân.

Thứ hai, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông có bằng thạc sĩ trước khi được tuyển dụng sẽ được giảm thời gian giữ hạng III (6 năm thay vì 9 năm) khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp hạng II.

Theo đó, khoản 3 Điều 10 (Điều khoản áp dụng) văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường tiểu học công lập như sau:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) nếu đã có bằng thạc sĩ trở lên đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Khoản 4 Điều 10 (Điều khoản áp dụng) Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập như sau:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) nếu đã có bằng thạc sĩ đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học cơ sở hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm k khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Khoản 2 Điều 9 (Điều khoản áp dụng) văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập như sau:

Trường hợp giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II (mã số V.07.05.14) nếu đã có bằng thạc sĩ, đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo của giáo viên trung học phổ thông hạng II và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng III (mã số V.07.05.15) hoặc tương đương đủ từ 06 (sáu) năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng thì được xác định là đủ yêu cầu về thời gian giữ hạng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

Thứ ba, theo điểm a khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học cơ sở công lập quy định tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên trung học phổ thông hạng I - Mã số V.07.05.13 như sau:

Có bằng thạc sĩ trở lên thuộc ngành đào tạo giáo viên đối với giáo viên trung học phổ thông hoặc có bằng thạc sĩ trở lên chuyên ngành phù hợp với môn học giảng dạy hoặc có bằng thạc sĩ quản lý giáo dục trở lên.

Như vậy, giáo viên trung học phổ thông hạng II muốn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp lên hạng I thì bắt buộc phải có bằng thạc sĩ.

Thứ tư, giáo viên có học vị thạc sĩ sẽ góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và có nhiều cơ hội thăng tiến nghề nghiệp.

Ví dụ, theo ghi nhận của người viết, ở các nhà trường trung học phổ thông, giáo viên có học vị thạc sĩ (dĩ nhiên có năng lực chuyên môn) thường được hiệu trưởng bổ nhiệm làm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn, được hưởng phụ cấp chức vụ theo quy định.

Giáo viên giữ chức vụ quản lí ở cấp tổ sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo quản lí như hiệu trưởng, hiệu phó.

Giáo viên có học vị thạc sĩ cũng có nhiều lợi thế trong việc dạy học sinh giỏi, hướng dẫn các em thi nghiên cứu khoa học kĩ học cấp trường, cấp tỉnh, vì thầy cô được đào tạo bài bản về phương pháp nghiên cứu khoa học.

Về mặt quản lí nhân sự, chuyên môn, nhiều hiệu trưởng bậc trung học phổ thông đều muốn giáo viên trường mình có bằng cấp đạt trên chuẩn (thạc sĩ).

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên