Sở GD Hòa Bình chỉ đạo GV soạn giáo án dành thời gian HS được thảo luận nhiều

25/08/2023 06:29
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với giáo viên: xây dựng kế hoạch cá nhân, xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) trên tinh thần đổi mới, phát huy cao nhất sự chủ động tích cực của HS.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2023-2024.

Trong các nội dung chỉ đạo, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng nêu về việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8, lớp 10 và lớp 11.

Cụ thể, đối với các đơn vị, trường học, Sở yêu cầu cần nghiên cứu kĩ chương trình giáo dục tổng thể, chương trình giáo dục môn học để xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và kế hoạch giáo dục môn học đảm bảo tính phù hợp, sáng tạo và hiệu quả.

Đối với giáo viên: xây dựng kế hoạch cá nhân, xây dựng kế hoạch bài dạy (giáo án) trên tinh thần đổi mới, phát huy cao nhất sự chủ động tích cực tham gia của học sinh vào từng hoạt động học, dành nhiều thời gian để học sinh được trao đổi, thảo luận, tự học.

Tăng cường sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để trao đổi thảo luận những vấn đề mới, khó trong quá trình triển khai.

Đối với các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục địa phương triển khai tổ chức dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 2613/BGDĐT ngày 23/6/2021 của Bộ GDĐT và Công văn số 2315/SGDĐT-TrH ngày 29/8/2022 của Sở GD&ĐT.

Nội dung giáo dục địa phương: thực hiện từ học kì I năm học 2023-2024; các nhà trường căn cứ khung chương trình đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình phê duyệt để xây dựng kế hoạch môn học, có thể điều chỉnh số tiết của các chủ đề trong tài liệu (phù hợp với thực tiễn nhà trường và thực tiễn địa phương) nhưng không thay đổi tổng số tiết là 35 tiết/1 năm;

Bố trí hợp lý giáo viên giảng dạy có cùng chuyên môn hoặc gần chuyên môn phù hợp các lĩnh vực: văn hóa, lịch sử truyền thống, địa lí, kinh tế, hướng nghiệp, chính trị - xã hội, môi trường.

"Về tài liệu giáo dục địa phương, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có hướng dẫn về việc in ấn, phát hành nên giáo viên dùng bản PDF để giảng dạy, các nhà trường có trách nhiệm gửi tài liệu bản PDF và tài liệu bản in (đối với các trường thuộc dự án THCS KKNGĐ 2) đến giáo viên và học sinh vào đầu năm học", Sở Giáo dục nêu.

Ảnh minh họa (Báo Nhân dân)

Ảnh minh họa (Báo Nhân dân)

Đối với môn Khoa học tự nhiên lớp 6, lớp 7, lớp 8, Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch dạy học đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường; ưu tiên xây dựng kế hoạch môn học và tổ chức dạy học các nội dung theo đúng thứ tự các chủ đề trong sách giáo khoa.

Tổ chức dạy học môn Lịch sử và Địa lí, môn Nghệ thuật cần lưu ý bố trí dạy học đồng thời các phân môn Lịch sử, Địa lí (đối với môn Lịch sử và Địa lí), các nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật (đối với môn Nghệ thuật) bảo đảm tương đương về thời lượng trong từng học kì.

Đối với môn Tin học, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Phòng Giáo dục chỉ đạo các đơn vị nhà trường, các trường Phổ thông dân tộc nội trú có cấp Trung học cơ sở thực hiện như sau: Tích cực tham mưu với Đảng ủy, Chính quyền, cơ quan quản lí các cấp bố trí đủ đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất để thực hiện dạy bộ môn Tin học theo lộ trình được quy định tại Thông tư số 32 và Thông tư số 13 của Bộ GD&ĐT.

Đối với các lớp của cấp trung học cơ sở chưa thực hiện được môn Tin học cần tiến hành rà soát, thống kê và báo cáo về Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo số lượng các đơn vị không thực hiện được, nguyên nhân, giải pháp khắc phục trong những năm học tiếp theo; tiếp tục triển khai thực hiện tốt dạy học tự chọn đối với môn học này để học sinh có điều kiện học tiếp tục ở cấp trung học phổ thông.

Lưu ý đối với một số môn học, hoạt động giáo dục lớp 6, lớp 7, lớp 8

Với môn Lịch sử và Địa lí bao gồm 02 phân môn Lịch sử và Địa lí, mỗi phân môn chọn 2 điểm kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong một học kì; bài kiểm tra, đánh giá định kì gồm nội dung của 2 phân môn theo tỷ lệ tương đương về nội dung dạy học của 2 phân môn tính đến thời điểm kiểm tra, đánh giá - môn Nghệ thuật bao gồm 02 nội dung Âm nhạc và Mĩ thuật, mỗi nội dung chọn 1 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong từng học kì;

Khuyến khích thực hiện kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Bài kiểm tra, đánh giá định kì bao gồm 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được thực hiện riêng theo từng nội dung tương tự như môn học đánh giá bằng nhận xét; kết quả bài kiểm tra, đánh giá định kì được đánh giá mức Đạt khi cả 2 nội dung Âm nhạc, Mĩ thuật được đánh giá mức Đạt.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp: giáo viên được phân công dạy học nội dung nào thực hiện kiểm tra, đánh giá thường xuyên đối với nội dung đó; khuyến khích thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì thông qua bài thực hành, dự án học tập.

Hiệu trưởng giao cho một giáo viên trong số các giáo viên được phân công dạy học chủ trì, thống nhất với các giáo viên còn lại để quyết định việc chọn 2 kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong mỗi học kì và tổ chức thực hiện việc kiểm tra, đánh giá định kì theo quy định.

Các đơn vị, trường học chỉ đạo và tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm và nhận xét, đánh giá học sinh; đảm bảo thực chất, khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực và sự tiến bộ của học sinh.

Nhà trường, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả rèn luyện và học tập của học sinh phù hợp với kế hoạch giáo dục từng môn học, hoạt động giáo dục của nhà trường.

“Hạn chế kiểm tra, đánh giá những nội dung, bài tập, câu hỏi quá khó so với mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình. Đối với các môn ngoại ngữ, lưu ý sử dụng định dạng đề thi đánh giá năng lực tiếng Anh dành cho học sinh phổ thông”, Sở Giáo dục lưu ý.

Nhà trường tổ chức kiểm tra, đánh giá việc tự bổ sung kiến thức, kỹ năng của học sinh theo nội dung, yêu cầu cần đạt quy định trong chương trình môn học tính đến thời điểm kiểm tra và được thực hiện tương tự như bài kiểm tra, đánh giá định kì.

Kết quả kiểm tra, đánh giá được ghi vào Sổ theo dõi và đánh giá học sinh, tại cột Ghi chú của môn học, thuộc học kì II; đồng thời ghi vào Học bạ tại ô “Kết quả rèn luyện trong hè, điểm kiểm tra chuyển đổi môn học (Ghi rõ thông tin: Điểm kiểm tra chuyển đổi sang môn …: “số điểm”).

Đối với học sinh chuyển trường mà không trùng môn học lựa chọn, chuyên đề và cụm chuyên đề học tập; học sinh học chương trình giáo dục phổ thông 2006 (lớp 11 năm học 2022 – 2023) lưu ban, đối với các môn, các hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà học sinh chưa được học như Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm – Hướng nghiệp,… thực hiện tương tự như việc học sinh chuyển đổi môn học lựa chọn.

Về việc kiểm tra, đánh giá lại theo quy định Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Quy định về đánh giá học sinh trung học 8 cơ sở và trung học phổ thông, học sinh chưa đủ điều kiện lên lớp có quyền được đánh giá lại đối với các môn học chưa đạt yêu cầu theo quy định tại Điều 14.

Trường hợp học sinh không có nguyện vọng được đánh giá lại tất cả các môn học chưa đạt yêu cầu thì nhà trường có thể cho học sinh được lựa chọn số môn học để được đánh giá lại và sử dụng kết quả đánh giá lại để xét lên lớp theo quy định tại Điều 12 của Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT.

Chuẩn bị tốt các điều kiện để sẵn sàng thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến theo hướng dẫn tại Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về quản lí và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, có quy định và hướng dẫn sử dụng việc kiểm tra, đánh giá trực tuyến khi áp dụng cho các môn học và hoạt động giáo dục, bảo đảm chất lượng, chính xác, hiệu quả, công bằng, khách quan, trung thực; đánh giá đúng năng lực của học sinh.

Mạnh Đoàn