Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có phản ánh về trường hợp hai thầy giáo ở Hải Dương tổ chức dạy thêm. Đó là thầy Nguyễn Tuấn Anh – giáo viên Trường THCS Việt Hòa và thầy Đặng Quang Hải Việt – Phó hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn.
Liên quan đến vấn đề này, Báo Giáo dục Việt Nam đã liên hệ với Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương để biết thêm thông tin cũng như hướng xử lý, chỉ đạo từ phía Sở về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Hình ảnh nhìn từ bên ngoài lớp dạy thêm vào buổi tối của thầy Việt tại Nhà văn hóa khu phố |
Theo bà Nguyễn Thị Tiến – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, về trường hợp của thầy Tuấn Anh và thầy Việt như báo chí phản ánh, Sở có biết được thông tin và có hướng chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Hải Dương báo cáo lại. “Sở đã làm việc với Phòng Giáo dục Thành phố và yêu cầu báo cáo việc xử lý như thế nào” – bà Tiến thông tin. "Đó là trường hợp của thầy Tuấn Anh, còn trường hợp kia (thầy Việt) thì chưa".
Đối với trường hợp thầy Tuấn Anh, bà Tiến cho biết: “Phòng Giáo dục đã họp hội đồng kỉ luật, có kiến nghị kỷ luật rồi”.
Trần tình của một Hiệu phó hơn 10 năm chong đèn dạy thêm
"Nếu nói về đúng nghĩa quy định ấy thì mình đang vi phạm, bởi vì khi giáo viên đang còn đương chức thì không được, nhưng đây mình không phải tổ chức trung tâm".
Theo bà Tiến thông tin thì hình thức xử lý dành cho thầy Tuấn Anh là khiển trách, không xét thi đua của hiệu trưởng, tức là hạ một bậc thi đua với hiệu trưởng nơi thầy Tuấn Anh đang công tác. "Gắn trách nhiệm với người quản lý đơn vị".
Bà Tiến cũng cho hay, hiện nay, các lớp dạy thêm của thầy Tuấn Anh và thầy Việt đã tạm ngừng.
Chia sẻ thắng thắn về tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay, bà Tiến cho rằng: "quy định là giáo viên không được đứng ra tổ chức dạy thêm, không dạy thêm học sinh của mình thôi, chứ quyền đi làm thêm cũng là quyền chính đáng không có vấn đề gì cả. Vấn đề ở đây là họ không hiểu, không làm thủ tục cấp phép theo quy định".
Thí dụ như thầy Việt hay thầy Tuấn Anh mà có người đứng ra tổ chức rồi mời thầy dạy, được cấp phép hẳn hoi thì không có vấn đề gì. Các cá nhân, đơn vị đứng ra tổ chức dạy thêm được cấp phép thì không vấn đề gì, ở đây là không được cấp phép. Thầy sai là tự đứng ra tổ chức.
Thông tin thêm về chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, bà Tiến cho biết, Sở có các văn bản chỉ đạo dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường. Đối với dạy thêm học thêm ngoài nhà trường, Sở có yêu cầu các phòng, các đơn vị lập danh sách những người tham gia dạy ngoài nhà trường báo cáo về Sở. Như vậy, Sở cũng sẽ quản lý được.
Đối với việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương có chỉ đạo làm quyết liệt, có điều không hết được.
Bà Tiến cho hay, ngoài trường hợp mà báo chí có phản ánh, vừa qua Sở được phụ huynh phản ánh thêm về trường hợp một giáo viên ở tiểu học dạy thêm. Giáo viên này dạy trong tháng 10, tháng 11 không dạy nữa nhưng Sở vẫn yêu cầu xử lý. “Họ được phụ huynh nhờ dạy, họ không dạy nhưng họ lại thuê một cô giáo khác dạy, cô giáo mới ra trường nhưng chưa xin được việc làm. Đấy là dạy đối với học sinh tiểu học, tổ chức cũng không được, dạy cũng không được nên yêu cầu xử lý”.
"Hình thức xử lý đối với các trường hợp vi phạm thực hiện theo đúng nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục. Ví dụ trường hợp ở thành phố Hải Dương vừa rồi, làm theo hình thức hôm trước họ báo cáo là họp hội đồng, làm bản kiểm điểm báo cáo, kiến nghị hình thức kỉ luật". - bà Tiến cho biết.