Số phận hàng ngàn giáo viên "bị tích hợp" sẽ về đâu?

04/09/2021 07:15
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giải tỏa được thắc mắc, lo lắng, băn khoăn của giáo viên sẽ tạo niềm tin cho giáo viên thì việc đổi mới sẽ thành công hơn.

Việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đã sắp chính thức bắt đầu trong điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp do dịch bệnh, tập huấn triển khai chương trình mới.

Trước hết người viết là một giáo viên xin được chân thành cảm ơn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua đã ban hành những văn bản mang tính thiết thực, giải tỏa áp lực của nhà giáo về chứng chỉ nhà giáo, giáo án theo công văn 5512, đánh giá học sinh theo Thông tư 22/2021 mới, công điện lùi thời điểm bắt đầu năm học mới,…

Nhưng trong việc triển khai chương trình ở bậc trung học cơ sở, ở lớp 6 trong năm học này, khó khăn, rắc rối, phức tạp,… nhất chính là việc triển khai các môn tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý,…

Người viết biết Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có rất nhiều áp lực, căng thẳng và rất nhiều công việc cần giải quyết, tuy nhiên có thể nói việc thành công của chương trình ở bậc trung học cơ sở ở nhiều yếu tố trong đó các môn tích hợp và giáo viên cũng quyết định một phần lớn sự thành công đó.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN.

Giải tỏa được thắc mắc, lo lắng, băn khoăn của giáo viên sẽ tạo niềm tin cho giáo viên thì việc đổi mới sẽ thành công hơn.

Dưới đây, xin mạn phép gửi những câu hỏi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hy vọng Bộ trưởng có ý kiến chỉ đạo các cục vụ chức năng kịp thời giải đáp cho giáo viên yên tâm về 2 môn tích hợp ở bậc trung học cơ sở.

Thứ nhất, giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật có bị coi là không đạt chuẩn?

Ở bậc trung học cơ sở, 3 môn học của chương trình cũ là Vật lý, Hóa học, Sinh học sẽ bị thay thế bởi môn Khoa học tự nhiên (vẫn có 3 "phân môn" Vật lý, Hóa học, Sinh học), 2 môn Lịch sử, Địa lý của chương trình cũ sẽ bị thay thế bởi môn Lịch sử và Địa lý (vẫn có 2 phân môn Lịch sử, Địa lý), 2 môn Âm nhạc và Mĩ thuật sẽ bị "tích hợp" thành môn Nghệ thuật (vẫn có 2 nội dung Mỹ thuật, Âm nhạc tách bạch).

Xin lưu ý, các khái niệm về "phân môn", "nội dung" trong các môn tích hợp nói trên không phải do người viết tự nghĩ ra hay không hiểu chương trình mới, mà người viết dẫn theo đúng như giải thích tại Công văn số 3699/BGDĐT-GDTrH ngày 27/8/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2021-2022. [1]

Nếu Bộ trưởng dành thời gian đọc kỹ công văn này, tôi tin rằng Bộ trưởng cũng sẽ đặt ra hàng loạt câu hỏi như giáo viên "phân môn" chúng tôi. Nếu các môn tích hợp là môn hoàn toàn mới, tại sao lại có các "phân môn" cũ? Nếu vẫn 1 môn gồm 2-3 "phân môn" do 2-3 thầy cô dạy chung 1 sách, thì "tích hợp" làm gì cho rắc rối?...

Dù các giáo viên "phân môn" có trình độ cử nhân theo quy định, nhưng liệu sau này họ có xem là giáo viên không đạt chuẩn không?

Đây là một câu hỏi khiến nhiều giáo viên "phân môn" trong các môn tích hợp của chương trình giáo dục phổ thông mới vô cùng lo lắng khi trong chương trình mới sẽ không còn các môn đó.

Về phương diện pháp lý thì tại Khoản b, điều 72, Luật Giáo dục 2019 quy định “Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo” như sau:

a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;

b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm,…”.

Như vậy các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Mỹ thuật… nếu đã tốt nghiệp đại học (cử nhân) trở lên và đủ các điều kiện, tiêu chuẩn của giáo viên thì phải là giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục.

Nếu là giáo viên đạt chuẩn thì việc quy định bắt buộc phải bồi dưỡng để có chứng chỉ tích hợp là căn cứ quy định nào?

Thứ hai, cơ sở khoa học của việc quy định giáo viên học 20-36 tín chỉ trở thành giáo viên tích hợp?

Như vậy, về mặt pháp lý không thể coi các giáo viên trên là không đạt chuẩn, nếu là giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 thì việc phải yêu cầu đi học, bồi dưỡng chứng chỉ các môn tích hợp căn cứ vào quy định nào? Việc quy định học 20-36 tín chỉ để thành một giáo viên tích hợp căn cứ vào căn cứ pháp lý nào?

Ngày 21/07/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 2454, 2455/QĐ-BGDĐT kèm theo là quyết định này là Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý.

Theo các quyết định trên, giáo viên các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý phải đi học bồi dưỡng chứng chỉ của 2 môn tích hợp mới để có thể đi dạy, vì các môn này năm học 2024-2025 sẽ chính thức không còn tồn tại.

Giáo viên phải học, bồi dưỡng trực tiếp từ 20-36 tín chỉ (300-540 tiết) để có chứng chỉ tích hợp và trở thành giáo viên dạy môn tích hợp.

Người viết xin hỏi, căn cứ pháp lý của việc quy định nào để quy định giáo viên đi học 20-36 tín chỉ để trở thành giáo viên dạy môn tích hợp? Tại sao cả giáo viên có trình độ đại học, cao đẳng và cả sinh viên sư phạm ra trường đều học 20-36 tín chỉ để có chứng chỉ tích hợp để đủ điều kiện giảng dạy.

Nội dung về môn tích hợp Lịch sử và Địa lý cũng đã được tác giả Xuân Dương phân tích khá cụ thể trong bài viết “Tích hợp và những câu hỏi gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn”. [2]

Trong bài viết trên tác giả Xuân Dương đã dẫn chứng “Để có bằng cử nhân một chuyên ngành nào đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 17/2021/TT-BGDĐT, theo đó tại mục a, khoản 2, điều 7 quy định:

“Chương trình đào tạo đại học: 120 tín chỉ, cộng với khối lượng giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng-an ninh theo quy định hiện hành;…”. [2]

Như vậy, việc học 20-36 tín chỉ để trở thành giáo viên dạy môn tích hợp có phù hợp với việc đào tạo giáo viên bồi dưỡng các môn tích hợp? Cơ sở khoa học nào để chứng tỏ sau khi hoàn tất 20-36 tín chỉ thì một giáo viên có thể nắm được kiến thức của thêm 1, 2 "phân môn" khác, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn 2 tích hợp Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý?

Thứ ba, giáo viên các "phân môn" trên nếu không có chứng chỉ tích hợp có bị tinh giản biên chế không?

Giáo viên nếu chưa đạt chuẩn thì việc học nâng chuẩn thực hiện theo Nghị định 71/2020/NĐ-CP về lộ trình nâng chuẩn giáo viên đến năm 2030.

Như đã phân tích ở trên, không có bất kỳ căn cứ pháp lý nào hiện nay quy định, đối với giáo viên các "phân môn" trong các môn tích hợp, đã có bằng cử nhân trở lên là trường hợp chưa đạt chuẩn, tức là chưa có quy định cụ thể lộ trình cụ thể của việc bồi dưỡng để dạy các môn tích hợp.

Tuy nhiên, khi đến năm 2024-2025 khi đã thực hiện toàn bộ chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng như chính thức xóa bỏ các môn độc lập trên thì các giáo viên chưa có chứng chỉ sẽ có thể không phân công giảng dạy như thế nào? Cũng có thể sẽ tinh giản biên chế nhưng lại không có quy định và cơ sở pháp lý để tinh giản biên chế giáo viên các "phân môn" này.

Ở đây người viết xin được hỏi Bộ Giáo dục và Đào tạo bản thân nhiều giáo viên do điều kiện, hoàn cảnh gia đình, do lớn tuổi, do khả năng học tiếp thu hạn chế,… mà không đi bồi dưỡng hoặc bỏ dở dang việc bồi dưỡng, hoặc bồi dưỡng không đạt, hoặc gặp sự cố trong quá trình thi hoàn thành các chứng chỉ tích hợp,… thì những giáo viên này sẽ có thể bị tinh giản biên chế không? Có được coi là trường hợp không được bố trí công tác không? Có mất việc không? Chế độ ra sao?

Chắc chắn từ năm học 2024-2025, sẽ có một số sinh viên ngành Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý ra trường, bên cạnh đó sẽ có nhiều giáo viên sẽ được bồi dưỡng và có chứng chỉ tích hợp, để hướng đến việc 1 giáo viên đảm nhận được các môn tích hợp. Nên khả năng giáo viên không có chứng chỉ tích hợp sẽ bị đào thải là rất cao.

Thứ tư, vấn đề giáo viên "phân môn" có thể bỏ tiền học bồi dưỡng chứng chỉ tích hợp

Đây là vấn đề được rất nhiều giáo viên quan tâm, tuy nhiên Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi ban hành các Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở trong đó có nội dung kinh phí có thể do giáo viên đóng thì vẫn chưa có ai trả lời chính thức.

Trong khi đó tại Điều 73 Luật Giáo dục số 43/2019/QH-14 quy định:

“1. Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho nhà giáo; nhà giáo được cử đi đào tạo, bồi dưỡng được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ.

2. Cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định của pháp luật.”

Hơn nữa khoản 3 Điều 16 Quy chế bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ban hành theo Thông tư 19/2019/TT-BGDĐT quy định Phòng giáo dục và đào tạo:

"Tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp huyện về nguồn kinh phí bồi dưỡng thường xuyên và các điều kiện liên quan phục vụ công tác bồi dưỡng thường xuyên theo quy định. Kinh phí bồi dưỡng thường xuyên được dự toán trong kinh phí chi thường xuyên hằng năm, từ kinh phí hỗ trợ của các chương trình, dự án hoặc từ các nguồn khác theo quy định của pháp luật (nếu có)."

Theo quan điểm của người viết, việc học chứng chỉ tích hợp mà quy định người học có thể phải đóng tiền là quy định không hợp cả tình, lẫn lý, nên được rút lại tranh gây tâm lý bất an, hoang mang cho giáo viên.

Thứ năm ai sẽ chịu trách nhiệm chung môn tích hợp khi có 2-3 giáo viên "phân môn" cùng dạy?

Năm học này, sẽ là 2, 3 giáo viên dạy một môn thì trách nhiệm thuộc về ai, nhất là phần vô điểm, báo cáo, học sinh thi lại là thi lại cả 2, 3 phần trong một môn. Sẽ có học sinh học khá môn Vật lý, Hóa học nhưng học yếu môn Sinh học nhưng phải thi lại cả 3 phân môn cũng không hợp lý, cả ở việc một giáo viên dạy cả môn Khoa học tự nhiên.

Còn sắp tới, mỗi giáo viên sẽ được bồi dưỡng để dạy được cả môn tích hợp, tuy nhiên cơ sở khoa học của việc một giáo viên đã đi dạy trên 10 năm học thêm 2, 3 phân môn nữa thành công để dạy được là khá mơ hồ, chưa có cơ sở.

Vậy chất lượng “đầu ra” của học sinh thất bại ai chịu trách nhiệm?

Thứ sáu, các giáo viên có bằng cao đẳng sư phạm sẽ bồi dưỡng ra sao?

Hiện nay, vẫn còn một số lượng nhất định giáo viên trung học cơ sở trên cả nước có bằng cao đẳng sư phạm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý,…

Như vậy để được giảng dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý những giáo viên trên phải hoàn thành 2 công việc là hoàn chỉnh trình độ đại học và phải có chứng chỉ tích hợp.

Như vậy, những giáo viên này sẽ học như thế nào? Ưu tiên chứng chỉ tích hợp trước hay hoàn chỉnh đại học để có bằng cử nhân sư phạm trước.

Trên đây là những câu hỏi về bộ môn tích hợp còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo giải đáp để giáo viên được yên tâm công tác, bớt hoang mang lo lắng.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7494

[2] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/tich-hop-va-nhung-cau-hoi-gui-toi-bo-truong-nguyen-kim-son-post220424.gd

[3] Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT

BÙI NAM